Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp Mới Tập Trung Ở Những Vùng Có Điều Kiện
Theo Sở NN-PTNT, hiện nay, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Ngoài các khâu làm đất, vận chuyển đã được cơ giới hóa 100%, các khâu tưới nước, làm khô, xay xát và bảo quản… cũng có mức độ cơ giới hóa tăng mạnh so với những năm trước. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp chỉ mới tập trung ở những vùng có điều kiện thuận lợi.
Cơ giới trong canh tác lúa tại BR-VT hiện đã đạt 100% ở các khâu làm đất, vận chuyển và thu hoạch.
Theo ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục Phát triển nông thôn, trong lĩnh vực trồng trọt, việc cơ giới hóa sản xuất đã áp dụng rộng rãi từ khâu làm đất đến thu hoạch và chế biến. Ngoài 99% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, công nghệ tưới của Israel được áp dụng rộng rãi trong tưới cây tiêu, thanh long và mãng cầu với tổng diện tích lên đến 263ha.
Đặc biệt, việc san phẳng đồng ruộng bằng tia laser đã được áp dụng vào canh tác cây lúa tại xã An Nhứt (huyện Long Điền), thị trấn Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ). San phẳng đồng ruộng bằng tia laser là công nghệ được áp dụng trên đồng ruộng đầu tiên tại khu vực Đông Nam bộ và hiện cả nước mới chỉ có 20 máy đưa vào hoạt động.
Hệ thống máy san phẳng bằng tia laser gọn nhẹ, gồm cụm gàu san, bộ phận phát tia laser có độ chính xác cao, giúp mặt đất bằng phẳng, thuận tiện cho gieo sạ lúa bằng máy. Mặt khác, sử dụng máy san phẳng đồng ruộng này sẽ giảm chi phí sản xuất so với phương pháp truyền thống, hạn chế sâu bệnh và chủ động quản lý đồng ruộng trong quá trình canh tác cũng như thu hoạch...
Tuy nhiên, thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, cơ giới hóa trong việc tưới nước cho cây công nghiệp dài ngày được áp dụng rất ít, toàn tỉnh mới có 250ha cây hồ tiêu áp dụng phương pháp này. “Cơ giới hóa công đoạn tưới nước và bón phân cho cây tiêu sẽ tiết kiệm được nước tưới, phân bón, công lao động, kiểm soát tốt tình hình bệnh hại và tăng năng suất cho cây trồng” - ông Lê Văn Thành, một hộ trồng tiêu tại xã Kim Long (huyện Châu Đức) cho biết.
Theo ông Vũ Ngọc Đăng, mặc dù việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp có nhiều ưu việt, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh khá tốt, nhưng việc cơ giới hóa trong canh tác nông nghiệp vẫn gặp khó khăn.
Nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất manh mún, không đồng loạt và chủ yếu ở hình thức hộ gia đình, gây khó khăn cho việc vận hành máy móc. Do đồng ruộng chưa bằng phẳng dẫn đến tình trạng chỗ cao có năng suất còn chỗ trũng thường gặp tình trạng cây đổ, ngã, gây khó khăn cho hoạt động của máy móc.
Mặt khác, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn chuyển biến chậm. Một số khâu có mức độ áp dụng cơ giới hóa thấp như gieo trồng và cấy, làm khô và bảo quản. Vì vậy, thất thoát trong khâu sấy hạt, nhất là đối với cây lúa hiện đang ở mức cao. Mùa nắng, khâu phơi sấy chủ yếu dựa vào năng lượng mặt trời và tận dụng cả mặt đường giao thông nông thôn để phơi lúa...
Để khắc phục tình trạng này, Sở NN-PTNT cho rằng, việc kiến thiết lại đồng ruộng bằng công nghệ san phẳng laser là cần thiết để giảm chi phí, nâng cao năng suất. Cơ quan chức năng liên quan cần hướng dẫn cụ thể để người nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt để việc cơ giới hóa được áp dụng rộng rãi trong các khâu của hoạt động nông nghiệp, điều kiện quan trọng là cần có nguồn nhân lực có kỹ năng. Vì vậy, việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ về các kỹ thuật, quản lý sản xuất hiệu quả trong các khâu sản xuất nông nghiệp cần được quan tâm đúng mức.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ