Tin thủy sản Cơ hội làm giàu từ Artemia

Cơ hội làm giàu từ Artemia

Tác giả Nguyễn An, ngày đăng 14/07/2017

Artemia là đối tượng có nhiều giá trị dinh dưỡng và kinh tế. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đủ điều kiện sản xuất được loài này.

Nuôi Artemia ở Bạc Liêu   Ảnh: Trần Thanh

Artemia là đối tượng thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho các loài thủy sản, nhưng do giá thành khá cao cho nên thường được dùng làm thức ăn cho tôm sú giống giai đoạn từ ấu trùng đến post. Vài năm gần đây, nhiều hộ diêm dân áp dụng mô hình nuôi Artemia xen canh muối, mỗi ha lãi 80 - 100 triệu đồng.

Đặc điểm sinh học

Môi trường sống: Artemia trưởng thành có thể đạt đến chiều dài 10 - 12 mm. Trong tự nhiên, Artemia có thể tồn tại ở độ mặn từ 35‰ trở lên. Tuy nhiên, chúng không có khả năng tự vệ, nên chỉ bắt gặp ở những vùng biển có độ mặn > 70‰, nơi đây không có các sinh vật ăn Artemia tồn tại.

Dinh dưỡng: Artemia là loài ăn lọc, không chọn lọc thức ăn, chúng ăn mùn bã hữu cơ các vi tảo cực nhỏ, vi khuẩn…

Sinh sản: Artemia thành thục sau khoảng 3 tuần nuôi, sinh sản theo hai phương thức: đẻ con và đẻ trứng. Điều kiện môi trường thuận lợi, trứng thụ tinh sẽ phát triển thành ấu trùng nằm trong dạ con, sau đó Artemia con sẽ được phóng thích ra môi trường nước bên ngoài. Nếu điều kiện môi trường xấu, trứng được thụ tinh và phôi chỉ phát triển đến giai đoạn phôi vị thì tạm ngừng lại (giai đoạn phôi ngủ), phôi này được bọc trong lớp vỏ dày và tạo thành trứng nghỉ (trứng bào xác), sau đó trứng sẽ được phóng thích ra bên ngoài môi trường nước khắc nghiệt. Ấu trùng Artemia vừa mới đẻ hay mới nở có kích thước 400 - 500 μm. Trong quá trình phát triển, Artemia trải qua 15 lần lột xác, sau mỗi lần thay đổi cả về hình dạng lẫn kích thước.

Artemia có thể sinh sản lần đầu sau 8 ngày phát triển, thường là sau 12 - 15 ngày. Trong điều kiện tốt Artemia sống được 6 tháng. Mỗi Artemia cái có thể đẻ 1.500 - 2.500 con/trứng bào xác.

Vai trò lớn

Artemia được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Ấu trùng Artemia mới nở là thức ăn tươi sống lý tưởng dùng trong ương nuôi ấu trùng tôm, cá. Artemia có giá trị dinh dưỡng rất cao, là thức ăn giàu đạm, chứa nhiều axit béo không no (HUFA), các vitamin, khoáng rất tốt cho giai đoạn sinh sản và tạo sắc tố. Vì vậy, chúng rất được ưa chuộng trong các trại sản xuất giống thủy sản và nuôi cá cảnh.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh, sử dụng Artemia làm thức ăn cho cá cảnh có ảnh hưởng tích cực đến tỷ lệ sống và hàm lượng sắc tố (sự lên màu) của cá. Mặt khác, Artemia có thể được dùng “làm vật nhồi sinh học”. Có nghĩa là người nuôi đưa vào cơ thể vật nuôi các chất dinh dưỡng, thuốc hay các hoạt chất mong muốn, bằng cách đưa chúng vào cơ thể Artemia (ngâm hoặc cho ăn), sau đó cho vật nuôi (tôm, cá) ăn Artemia đã được qua xử lý.

Nhu cầu cao

Artemia là loài bào xác nhỏ bé du nhập vào Việt Nam năm 1986 được thuần hóa và đưa vào sản xuất thương mại năm 1990. Nước ta hiện có tổng diện tích nuôi tôm nước lợ 600.000 - 700.000 ha (Khu vực ĐBSCL chiếm trên 80%). Nhu cầu con giống mỗi năm cần 130 tỷ con với 1.240 doanh nghiệp, cơ sở ươm nuôi, cung ứng tôm giống, nhu cầu về trứng Artemia rất lớn. Hiện, Artemia sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, mỗi năm các doanh nghiệp phải nhập tới 160 tấn trứng Artemia cho sản xuất tôm giống. Trứng Artemia của Việt Nam chỉ tiêu thụ phần nhỏ trong nước, chủ yếu được xuất sang các nước Mỹ, Nhật, Nga, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, EU…

Cho thu nhập tốt

Tại Việt Nam, nuôi Artemia không phải là mô hình mới mà đã được một số nông dân Bạc Liêu áp dụng từ năm 2000. Trên thực tế, mô hình nuôi Artemia đã cứu cánh cho nhiều hộ nuôi tôm bị thất bại và phát huy có hiệu quả các lợi thế vốn có, nhất là các cánh đồng sản xuất muối.

Hiện, cả nước mới chỉ có 2 tỉnh ở khu vực ĐBSCL sản xuất Artemia là Bạc Liêu và Sóc Trăng. Sóc Trăng có 570 ha nuôi Artemia theo mô hình hợp tác xã khép kín ở thị xã Vĩnh Châu. Trong đó, 3 hợp tác xã chuyên sản xuất, 1 hợp tác xã đảm nhận kỹ thuật và làm dịch vụ cung ứng giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm.

Còn tại Bạc Liêu, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nuôi Artemia trên địa bản tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, phấn đấu diện tích nuôi Artemia tăng từ 350 ha lên 500 ha, năng suất trung bình từ 72,5 kg/ha tăng lên 100 kg/ha (tăng 38%). Từ đó, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá, chất lượng, tận dụng một cách có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẳn có để tạo điều kiện phát triển nuôi Artemia ngày càng đem lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Dự kiến nguồn kinh phí cho thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 17,5 tỷ đồng.

Artemia đang được xem là đối tượng thích hợp để thay thế những vùng sản xuất muối, khi mà suốt 30 năm nay, muối cứ rớt giá thê thảm. Mỗi ha nuôi Artemia cho sản lượng 100 - 150 kg/vụ. Trứng Artemia có thể sấy khô, đóng hộp rồi tiêu thụ. Giá trứng tươi tại ruộng 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg, trứng khô giá 4,5 - 5,5 triệu đồng/kg. Hơn nữa, hiện nay mức thuế nhập khẩu trứng Artemia là 3% (thay vì 0% như trước đây), điều này gây không ít khó khăn cho một số doanh nghiệp. Trước tình hình đó, cần có biện pháp nhằm khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển mô hình Artemia rộng rãi, vừa mang lại lợi ích cho người dân và đảm bảo nguồn cung cho cả nước.

Box: PGS.TS Nguyễn Văn Hòa, Đại học Cần Thơ: Trên thế giới rất ít nước nuôi được Artemia và độ đạm của trứng Artemia không cao bằng Việt Nam. Trứng Artemia Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Bạc Liêu được khách hàng quốc tế đánh giá có chất lượng cao nhất thế giới, nên giá bán khá cao (trên 250 USD/kg trứng sấy khô), cao hơn 150 USD/kg so trứng của các nước khác.


Có thể bạn quan tâm

chung-thu-thuy-san-giay-thong-hanh-sang-thi-truong-trung-quoc Chứng thư thủy sản: Giấy… giai-phap-phong-tru-dich-benh-tren-tom Giải pháp phòng trừ dịch…