Mô hình kinh tế Cơ hội và thách thức cho thủy sản

Cơ hội và thách thức cho thủy sản

Ngày đăng 18/10/2015

Theo Bộ Công Thương, TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu với 800 triệu dân được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh XK và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.

Phần lớn các nước phát triển trong TPP cam kết cắt giảm thuế quan, các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa cũng như các chính sách hạn chế thương mại với hàng nông thủy sản ngay khi Hiệp định có hiệu lực, ngoại trừ một số mặt hàng sẽ được cắt giảm theo lộ trình.

Hiệp định cũng đưa ra các quy định mới về quy tắc xuất xứ nhằm hỗ trợ chuỗi cung ứng của toàn khu vực.

Nội dung cam kết về dịch vụ tài chính cũng là điểm mới của Hiệp định này, góp phần tăng cơ hội đầu tư xuyên quốc gia trong khu vực kết hợp với các yêu cầu về tăng cường thể chế và các biện pháp ứng phó khủng hoảng.

Đối với hàng nông nghiệp, các bên sẽ xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và các chính sách mang tính hạn chế khác để gia tăng thương mại hàng nông nghiệp trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao an ninh lương thực và hỗ trợ việc làm cho người nông dân và chủ trại nuôi gia súc của các nước TPP.

Các Bên tham gia TPP nhất trí nâng cao tính minh bạch hóa liên quan đến việc vận hành DN thương mại nhà nước XK và đưa ra các quy định hạn chế việc cấp vốn ưu đãi từ Chính phủ hoặc các chính sách khác gây bóp méo thương mại nông sản, cũng như yêu cầu về minh bạch hóa và phối hợp trong các hoạt động cụ thể liên quan đến công nghệ sinh học nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ.

Hiện nay 11 nước thành viên tham gia TPP là: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Mexico, Malaysia, Newzealand, Chile, Peru và Brunei đều là những đối tác chiến lược của thủy sản Việt Nam.

8 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị XK thủy sản sang 11 thị trường này đạt gần 1,92 tỷ USD, chiếm 45,4% tổng giá trị XK.

Các nước thành viên tham gia TPP sẽ được giảm 90% các loại thuế XNK hàng hóa và cắt giảm bằng 0% năm 2015.

Đây là tín hiệu tích cực cho các DN XK hải sản, đặc biệt là DN XK cá ngừ sang Nhật Bản - thị trường đối tác lớn thứ 2 (sau Mỹ) trong 11 nước tham gia TPP bởi trong nhiều năm trước đây thuế suất của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN.

Mới đây, theo đúng lộ trình của TPP, Nhật Bản đã bãi bỏ thuế NK đối với sản phẩm cá ngừ và cá hồi và mở cửa cho các DN XK thuộc các nước thành viên tham gia tích cực hơn vào thị trường này.

Dự báo trong năm 2016, giá trị XK cá ngừ sang thị trường Nhật Bản sẽ vượt qua mức tăng trưởng âm và có thể tăng từ 5-15% so với năm nay.

Tính đến nửa đầu tháng 9/2015, giá trị XK tôm sang Mỹ, Canada, Australia đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thị trường XK lớn nhất Mỹ, giảm gần 48%, Canada giảm 19,5% và Australia giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sự thuận lợi hơn trong năm 2016 sẽ mang lại nhiều hi vọng hơn cho các DN XK tôm Việt Nam nhờ thêm sức cạnh tranh so với các nguồn cung đối thủ khác.

Nguồn nguyên liệu hải sản trong nước đang dần bị cạn kiệt, thuế NK giảm cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các DN NK cá ngừ, mực, bạch tuộc Việt Nam khi NK từ các nước lớn như: Malaysia, Mexico, Peru…

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều DN XK thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ TPP, tuy nhiên đó chỉ là một mặt của vấn đề.

Để bước ra sân chơi lớn, để nắm được các cơ hội, các DN thủy sản phải nhanh nhạy với thị trường, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm XK để không bị lúng túng trước các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, đồng thời sức cạnh tranh phải cao so với các nước nguồn cung khác cùng tham gia TPP.


Có thể bạn quan tâm

thanh-cong-tu-nuoi-ran-ho-ven Thành công từ nuôi rắn… tao-dung-cho-dung-tren-thuong-truong Tạo dựng chỗ đứng trên…