Mô hình kinh tế Có Phải Dân Thờ Ơ Với Cây Ca Cao

Có Phải Dân Thờ Ơ Với Cây Ca Cao

Ngày đăng 27/08/2013

Năm 2012, huyện Đam Rông được Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng chọn để triển khai Dự án trồng ca cao dưới tán điều. Dự án này, nhằm giúp cho nông dân tiếp cận với cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống cho các hộ dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những hộ triển khai hiệu quả dự án này thì vẫn còn rất nhiều gia đình chưa mặn mà với cây trồng này, đặc biệt là ở thôn Mê Ka (xã Đạ Tông) gần như toàn bộ diện tích triển khai ở đây đã bị chết gần hết.

Phần lớn diện tích ca cao hơn một năm tuổi tại các vườn điều của những hộ gia đình ở thôn Mê Ka đã bị chết và được người dân nhổ bỏ gốc để trồng loại cây mới, chỉ còn sót lại một số ít cây còi cọc rất khó có khả năng phục hồi.

Toàn thôn có 36 hộ tham gia triển khai dự án trồng ca cao dưới tán điều, mỗi hộ được cấp 150 cây giống, cùng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn quy trình chăm sóc. Từ những ngày đầu triển khai, loại cây trồng mới cũng sinh trưởng, phát triển tốt và hứa hẹn sẽ thực sự là cây trồng giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng triển khai, cây đã bắt đầu khô héo, rồi chết dần. Theo một số hộ dân cho biết, nguyên nhân là do bị côn trùng ăn rễ, số còn lại thì bị người dân phó mặc cho mưa nắng, bỏ bê không ngó ngàng để mặc sức cho bò, heo phá xới. Hiện tại, số cây còn lại ở mỗi gia đình chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Mô hình ca cao có vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng của Nhà nước đang bị "chết mòn" dưới những vườn điều của người dân nơi đây.

Anh Kow Liêng Ha Ních - tập huấn viên của thôn Mê Ka cho biết: “Cây ca cao thời gian đầu phát triển tốt, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, do người dân không chú trọng chăm sóc, bỏ mặc nên bị mối ăn rễ, gia súc phá, phần lớn diện tích ban đầu đã chết gần hết”.

Gia đình chị Kơ Liêng K’Chú, xã Đạ Tông là một trong số những hộ đầu tiên được chọn để triển khai dự án trồng ca cao dưới tán điều. Khi nhận giống về trồng, gia đình chị cũng làm theo đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ca cao do cán bộ khuyến nông và tập huấn viên hướng dẫn, nên vườn cây của gia đình phát triển rất tốt.

Nhưng do không được rào cẩn thận nên toàn bộ diện tích này đã bị heo, bò ăn hết lá, rồi đến côn trùng đục khoét gốc và đến nay chỉ còn sót lại vài gốc ca cao đã bị khô héo. Để tránh tình trạng lãng phí diện tích đất bị bỏ không, gia đình chị đã trồng xen cây cà phê vào diện tích ca cao đã bị chết, nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Giống như gia đình chị Kơ Liêng K’Chú, gia đình anh Kơ Za Ha Lơn, ở thôn Mê Ka cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Anh Ha Lơn cho biết, lúc đầu chỉ có vài cây bị chết, nhưng càng ngày số cây chết càng nhiều hơn vì bị con mối ăn rễ, nhưng anh đành bất lực vì không biết cách xử lý thế nào và cũng không được cán bộ đến hướng dẫn cách diệt trừ mối.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ 150 cây ca cao trồng dưới tán điều của gia đình đã không còn một cây nào sống sót. Hiện nay, gia đình anh đã chặt bỏ hết cây điều để chuyển sang trồng cây bắp, với mong muốn cải thiện cuộc sống gia đình.

Không chỉ ở Đạ Tông, phần lớn diện tích ca cao thông qua các mô hình điểm, dự án giảm nghèo ở xã Đạ Long, Đạ M'rông vì nhiều lý do khách quan cũng đã bị chết hơn phân nửa diện tích chỉ sau mấy tháng xuống giống. Câu trả lời từ phía những nhà chuyên môn có trách nhiệm quản lý thì vẫn là ý thức của người dân và ngược lại với người dân nghèo thì đó là sự thiếu quan tâm của các ngành chức năng đối với họ.

Việc xây dựng các mô hình điểm trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm nhân rộng cách làm ăn mới, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một hướng đi đúng. Nhưng hướng đi đó phải bắt đầu từ cách làm phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời phải nêu cao được ý thức của người dân trong việc đầu tư chăm sóc.

Thêm vào đó, là sự giám sát, hướng dẫn kỹ thuật chặt chẽ, thường xuyên, hay nói cách khác là phải "ăn ở cùng dân" của cán bộ chức năng, có như vậy, thì những dự án chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới thật sự mang lại hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

chap-nhan-boi-thuong-bap-khong-hat Chấp Nhận Bồi Thường Bắp… cung-ung-3-6-trieu-hom-che-cho-nong-dan-1 Cung Ứng 3,6 Triệu Hom…