Mô hình kinh tế Có Thể Trồng Bắp, Đậu Nành Trên Đất Trồng Lúa

Có Thể Trồng Bắp, Đậu Nành Trên Đất Trồng Lúa

Ngày đăng 18/11/2013

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho rằng nông dân nếu thấy diện tích đất trồng lúa của họ không mang lại hiệu quả thì có thể chuyển sang trồng bắp (ngô), đậu nành… hoặc nuôi trồng thủy sản. Như vậy, nhiều khả năng Việt Nam không giữ được 3,8 triệu héc ta đất trồng lúa trong thực tế mà bộ đưa ra trước đây.

Đây là phần chính trong nội dung thông tư 47/2013/BNN-PTNT của Bộ NN-PTNT hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất lúa. Thời gian có hiệu lực là từ ngày 1-1-2014.

Theo hướng dẫn, người nông dân có thể chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây hàng năm, hoặc nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại khi cần thiết. Người nông dân chỉ cần làm thủ tục đăng ký với UBND xã nhưng dù được chuyển đổi nhưng trên giấy tờ phần diện tích này vẫn ghi ở mục đất trồng lúa.

Thực tế lâu nay tại một số địa phương đã có hiện tượng người nông dân tự ý chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng các loại hoa màu khác như bắp, đậu nành có hiệu quả hơn. Đã có một số công ty kinh doanh giống cây trồng chủ động liên kết với trung tâm khuyến nông một số tỉnh thành để thí điểm mô hình chuyển đổi đất trồng lúa cho sản lượng thấp sang cây bắp.

Cụ thể, Công ty Dekalb Việt Nam và trung tâm khuyến nông tại Đồng Tháp, An Giang hỗ trợ cho nông dân chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp; kết quả, sau 3 tháng trồng bắp người nông dân có lãi từ 11-17 triệu đồng/héc ta, cao gấp 2,5-4 lần so với trồng lúa. Hiện An Giang, Đồng Tháp đã chuyển đổi 2.200 héc ta trồng lúa sang trồng bắp.

Tháng 10 vừa qua, tại Đồng Tháp, Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo hoạt động khuyến nông phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng ĐBSCL để đánh giá tính hiệu quả của một số diện tích thí điểm trồng lúa sang trồng màu tại An Giang, Đồng Tháp. Kết quả của mô hình chuyển đổi ở hai tỉnh này đã làm nền tảng để Cục trồng trọt đề nghị Bộ NN-PTNT ban hành thông tư 47 nói trên.

Do ĐBSCL được xem là một trong những khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên trước đây Bộ NN-PTNT cho rằng cần phải giữ cho được 3,8 triệu héc ta đất trồng lúa mới có thể đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam trong tương lai.


Có thể bạn quan tâm

hoi-nghi-trien-khai-du-an-5-000-ha-ca-cao Hội Nghị Triển Khai Dự… trong-cao-su-ket-hop-nuoi-ga-mot-huong-di-an-toan Trồng Cao Su Kết Hợp…