Tin thủy sản Con tôm sẽ bán ở thị trường gần

Con tôm sẽ bán ở thị trường gần

Tác giả Ngọc Hùng, ngày đăng 01/09/2017

Một sản phẩm tôm bỏ đầu, bóc vỏ tại một gian hàng ở Vietfish 2017. Ảnh: NH

Châu Á đang có quá trình đô thị hóa nhanh, xu hướng sử dụng sản phẩm thủy sản đông lạnh của người dân ngày càng tăng; vì thế, châu lục này cũng được dự báo là thị trường chính của con tôm Việt Nam. Còn những thị trường xa như EU, Mỹ sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp sản xuất tôm theo hướng hữu cơ trong tương lai.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo nhu cầu tôm thế giới và khả năng cung cấp của Việt Nam do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức ngày 29-8.

Nhận định một cách cụ thể hơn, ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, lý do để thị trường châu Á sẽ là nơi mua hàng chính của các sản phẩm tôm Việt Nam một phần liên quan đến thị trường Trung  Quốc.

Ông Tuấn cho biết, Trung Quốc đang đặt tham vọng sẽ là trung tâm giao dịch thủy sản số một của thế giới, tức là nơi tập trung những mặt hàng của bên mua, bên bán tại đây. Vì thế, Việt Nam muốn bán hàng thì ít nhất cũng đưa được hàng đến đây.

Theo Vasep, 6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc đạt gần 283 triệu đô la Mỹ, tăng 30% so với cùng kỳ. Thời gian tới, thị trường này tiếp tục hứa hẹn nhập khẩu tôm của Việt Nam. Lợi thế của con tôm Việt Nam ở thị trường này là khoảng cách địa lý gần, thời gian vận chuyển ngắn nên chi phí thấp, do đó có thế mạnh về giá bán hơn so với các đối thủ trong khu vực hay các quốc gia Nam Mỹ.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng cao của Trung Quốc và các thị trường châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản… nên châu Á là thị trường tương lai của con tôm Việt Nam.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là EU, Mỹ không phải là thị trường của tôm Việt Nam, nhưng những thị trường này đang có xu hướng chuyển dịch sang những sản phẩm hữu cơ, có giá trị gia tăng cao.

Ông Tuấn cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, tại nhiều kệ hàng ở siêu thị các nước EU xuất hiện ngày càng nhiều những sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, sản phẩm này chỉ phát triển ở một số thị trường nhất định. “Theo quan điểm của tôi, đối với tôm hữu cơ, doanh nghiệp Việt Nam nào đầu tư được thì đầu tư, còn không hãy tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn để cung cấp cho thị trường vốn đang có nhu cầu nhiều hơn là chuyển hóa ngành nuôi tôm theo hướng hữu cơ”, ông Tuấn nói.

Một thế mạnh nữa của con tôm Việt Nam so với thế giới mà doanh nghiệp cần tận dụng là tôm sú. Theo ông Tuấn, thế giới mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 500.000-600.000 tấn tôm sú, thì Việt Nam đóng góp khoảng 40%. Đây là lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-thuy-san-lanh-kho-tim-de-khong-phai-la-giai-phap Xuất khẩu thủy sản: lánh… chau-a-se-la-thi-truong-tieu-thu-moi-noi-cua-nganh-tom-viet-nam Châu Á sẽ là thị…