Con tôm và câu chuyện giảm giá thành
Thực tế cho thấy, để giảm các chi phí đầu vào trong nuôi tôm (con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, điện…) là điều không dễ, nếu không muốn nói là khó khả thi. Vậy làm cách nào để người nuôi tôm có thể giảm được giá thành, nhằm tăng lợi nhuận và ứng phó tốt hơn trước những biến động thị trường?
Chọn và đầu tư mô hình nuôi đến nơi đến chốn để tăng tỷ lệ thành công cũng là một giải pháp giúp giảm giá thành tôm nuôi. Ảnh: Tích Chu
Trước đây, các giải pháp giảm giá thành trong nuôi tôm được đề xuất phần lớn đều xoay quanh việc giảm chi phí vật tư đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, điện… Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi chỉ riêng con giống, thức ăn và chi phí điện năng thôi cũng đã chiếm từ 70% đến 80% giá thành tôm nuôi, nên nếu giảm được các loại chi phí này, chắc chắn giá thành tôm nuôi sẽ được giảm theo
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế mới chỉ có giải pháp giảm chi phí điện năng là khả thi, còn các chi phí đầu vào thiết yếu khác của nghề nuôi tôm như: con giống, thức ăn hay chế phẩm sinh học chẳng những không giảm, mà còn có xu hướng tăng thêm. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Duy Hòa – Giám đốc Kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal, Cargill Inc, giảm chi phí con giống, thức ăn, điện… để giảm giá thành tôm nuôi là cần thiết, nhưng chưa đủ, thậm chí là rất khó giảm, nhất là đối với chi phí con giống và thức ăn. Do đó, để giảm giá thành tôm nuôi một cách căn cơ và bền vững, điều cần quan tâm đầu tiên là làm sao nâng tỷ lệ thành công, cũng như năng suất của tôm nuôi lên cao hơn nữa, thông qua việc chọn con giống khỏe mạnh, sạch bệnh, tăng trọng nhanh; thức ăn, chế phẩm sinh học có chất lượng; quản lý tốt môi trường ao nuôi và giảm nguy cơ dịch bệnh.
Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ tôm nuôi thành công, nhằm tăng năng suất, kích cỡ tôm, đòi hỏi người nuôi phải đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ đến nơi đến chốn. Khẳng định cho vấn đề này, TS. Nguyễn Duy Hòa nêu dẫn chứng: “Một trong những vấn đề quan trọng làm cho tôm nuôi có tỷ lệ thành công không cao là do dịch bệnh, ngay cả một số mô hình ao nuôi lót bạt hoàn toàn hay nuôi ao nổi có xi phông đáy. Tuy nhiên, nếu đầu tư không đến nơi đến chốn, dịch bệnh vẫn có thể phát sinh và gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Thực tế là ngay trong tháng 9 này đã có không ít farm nuôi đầu tư ao lót bạt hay nuôi ao nổi hẳn hoi nhưng vẫn bị bệnh phân trắng và vi bào tử trùng. Do đó, để nuôi đạt tỷ lệ thành công cao, đầu tư cho ao nuôi thôi là chưa đủ, mà phải chọn con giống sạch bệnh, khỏe mạnh, phải đảm bảo rằng ao nuôi luôn sạch, mật độ hợp lý và ôxy hòa tan phải luôn ở mức cao”.
Liên tiếp 2 năm nay, giá tôm đều xuống thấp trong những tháng đầu năm và chỉ thật sự tăng nhẹ trở lại trong khoảng 4 - 5 tháng cuối năm, khiến không ít người nuôi tôm thua lỗ, lâm vào cảnh khó khăn. Tương tự người nuôi tôm, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong nước cũng thường xuyên bị khách hàng phàn nàn tôm Việt Nam khó cạnh tranh do giá còn khá cao so với một số nước. Vì vậy, vấn đề giảm giá thành sản xuất tôm là một trong những yêu cầu bắt buộc, nhằm tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để giảm giá thành tôm nuôi bằng con đường giảm chi phí đầu vào như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… trong thời điểm hiện tại đối với người nuôi tôm là gần như không khả thi, bởi tất cả các yếu tố cấu thành giá thành tôm nuôi này đều do các doanh nghiệp đầu vào và đại lý quyết định. Do đó, theo TS. Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, người nuôi cần chọn cho mình mô hình nuôi phù hợp, nắm vững quy trình chăm sóc, quản lý ao nuôi và nhất là phải chọn con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học có chất lượng, giá thành hợp lý, nhằm tăng tỷ lệ thành công cũng như năng suất tôm nuôi, Từ đó, giúp nghề nuôi tôm ngày một hiệu quả hơn và ứng phó tốt hơn trước những biến động bất lợi từ thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ