Tin thủy sản Công nghệ - chìa khóa thành công trong phân tích, kiểm định

Công nghệ - chìa khóa thành công trong phân tích, kiểm định

Tác giả PV, ngày đăng 28/04/2017

Trước các diễn biến phức tạp của môi trường và xã hội, cũng như sự ra đời nhanh chóng của những công nghệ mới, yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường quốc tế đang ngày một khắt khe hơn. Những chỉ tiêu mới liên tục được đặt ra, đòi hỏi hệ thống kiểm nghiệm cũng phải không ngừng nâng cao năng lực cả về con người và công nghệ để theo kịp “cuộc chơi” chung.

Trong ảnh: Cần nâng cao năng lực cả về con người và công nghệ 

Tiêu chuẩn quốc tế ngày càng thắt chặt

Cuối tháng 2 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã xem lại dự thảo quy định mới liên quan tới Metalaxyl trên hạt tiêu và quyết định sẽ tạm dừng xem xét, chờ kết quả cuộc họp của các chuyên gia Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế (CODEX) đánh giá lại, dự kiến trong năm 2018.

Đây có thể coi là tin vui với ngành hồ tiêu Việt Nam. Như vậy, xuất khẩu tiêu sang thị trường châu Âu sẽ tiếp diễn bình thường trong năm 2017 này. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, vấn đề dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật sẽ luôn được các thị trường nhập khẩu đặt ra nghiêm ngặt. Không chỉ riêng ngành hồ tiêu, vấn đề dư lượng chất cấm còn được đặt ra với rất nhiều các lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Để tìm cách đứng vững trên thị trường quốc tế thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế chặt chẽ là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp, nhà quản lý và các đơn vị kiểm nghiệm trên cả nước.

Tại phiên khai mạc hội chợ triển lãm quốc tế Analytica 2017, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã nhấn mạnh: “Trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, chất lượng của công tác phân tích, thí nghiệm có ý nghĩa rất to lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cũng như đối với công tác kiểm tra, kiểm soát, giám định chất lượng, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, công tác phân tích phục vụ chăm sóc sức khỏe con người… Điều này đòi hỏi phải có công nghệ và thiết bị phục vụ phân tích, chẩn đoán hiện đại, có độ chính xác và tin cậy cao”.

Công nghệ hiện đại là chìa khóa cho thành công và hội nhập

Thiết bị hiện đại sẽ giúp cho việc kiểm soát dễ dàng hơn, cho kết quả chính xác và nhanh hơn 

Trước các diễn biến phức tạp của môi trường và xã hội, cũng như sự ra đời nhanh chóng của những công nghệ mới, yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường quốc tế, đang ngày một khắt khe hơn. Những chỉ tiêu mới liên tục được đặt ra, đòi hỏi hệ thống kiểm nghiệm cũng phải không ngừng nâng cao năng lực cả về con người và công nghệ để theo kịp “cuộc chơi” chung.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó phòng Nghiên cứu và Triển khai Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh - CASE (Trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh), hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng những chất độc hại trong sản xuất thực phẩm, hay sử dụng cấm trong sản xuất, nuôi trồng đang đặt ra những thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Thiết bị hiện đại sẽ giúp cho việc kiểm soát này dễ dàng hơn, cho kết quả chính xác và nhanh hơn. Ngoài ra, công nghệ hiện đại cho phép phát hiện chất cần phân tích với nồng độ rất thấp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Nhật, Mỹ...

Định hướng rõ vấn đề đó, có rất nhiều các doanh nghiệp, các đơn vị phân tích, kiểm nghiệm trong cả nước đã tích cực tham khảo, tìm kiếm và đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để cho ra kết quả kiểm tra nhanh chóng, chính xác nhất,với mong muốn tiệm cận các tiêu chuẩn chung về chất lượng sản phẩm xuất, nhập khẩu của thị trường thế giới. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm: “CASE hằng năm thường tham gia các triển lãm về khoa học, công nghệ và thiết bị thí nghiệm sinh học. Trên cơ sở đó giúp trung tâm cập nhật những tiến bộ về khoa học công nghệ, thiết bị mới, hiện đại trên thế giới để có thể đầu tư, áp dụng trong phân tích kiểm nghiệm tại CASE. Hiện nay, Trung tâm có các thiết bị thuộc hàng hiện đại nhất Việt Nam như Hệ thống sắc ký khí ghép khối phổ đầu dò Ion Trap GCMS Thermo Polaris Q, Hệ thống sắc ký lỏng ghép khối phổ đầu dò 3 tứ cực Agilent 6410 Triple quad LC/MS/MS, Hệ GCMS (Trace GC, MS ISQ)”.

Ngoài ra, tại CASE đang áp dụng những quy trình phân tích thử nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 về hệ thống quản lý chất lượng áp dụng chuyên biệt cho hệ thống phòng thí nghiệm và hiệu chuẩn; phương pháp có độ tin cậy cao vì CASE thường xuyên tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng từ các chương trình uy tín và chất lượng như FAPAS, APLAC, VINALAB… và các cục, bộ chuyên ngành liên quan, để cho kết quả có hay không có dư lượng kháng sinh trong thủy sản nhanh và chính xác nhất.

Cuộc chiến để hội nhập và phát triển luôn song hành cùng với những áp lực to lớn. Việc chúng ta đáp ứng được những yêu cầu khắt khe và luôn thay đổi về chất lượng sản phẩm của thị trường nhập khầu thế giới là một bước tiến dài trên con đường khẳng định giá trị Việt trên toàn cầu.


Có thể bạn quan tâm

lorica-giup-nguoi-nuoi-tom-viet-nam-san-xuat-tom-khoe-manh LORICA: Giúp người nuôi tôm… kich-duc-to-trong-san-xuat-ca-giong Kích dục tố trong sản…