Tin nông nghiệp Có chứng nhận VietGAP, nông sản vẫn chưa vào được siêu thị?

Có chứng nhận VietGAP, nông sản vẫn chưa vào được siêu thị?

Tác giả Bùi Hồng Liên, ngày đăng 20/07/2016

Đây một thực tế được ông Nguyễn Ngọc Huỳnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Nấm Việt chia sẻ, mặc dù nấm do doanh nghiệp này sản xuất sạch 100% và chỉ bảo quản từ 5 đến 7 ngày nên luôn đảm bảo độ tươi ngon và loại nấm này phải đầu tư quy trình trồng rất tốn kém.

Không chỉ doanh nghiệp Nấm Việt, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Phú Xuân (Phú Xuyên, Hà Nội) - ông Nguyễn Văn Kỳ cũng bày tỏ băn khoăn đang không biết đăng ký VietGAP ra sao, như thế nào? Muốn đạt tiêu chuẩn này cần rất nhiều yêu cầu nhưng đơn vị này vẫn chưa nắm được cụ thể đó là những yêu cầu như thế nào. Mỗi năm, HTX Phú Xuân sản xuất khoảng 1.230 tấn rau an toàn, nhưng cũng chỉ bán cho mối quen, chứ không biết làm gì hơn…

Trong khi hai bên đang loay hoay về câu chuyện nông sản có chứng nhận VietGAP mà vẫn chưa vào được siêu thị, HTX nông nghiệp không biết đăng ký VietGAP ra sao thì đại diện HTX Thường Lệ ( Mê Linh, Hà Nội)  lại chia sẻ những khó khăn trong câu chuyện giá thành của nông sản, mà cụ thể là sản phẩm ổi. Nhiều siêu thị đã đến đặt vấn đề mua, nhưng giá đắt nên không ký được hợp đồng. Trong khi, HTX phải bỏ tiền đầu tư các khâu từ: đất, nước, phân, giống đều phải đạt tiêu chuẩn, chưa kể những thứ khác.

"Muốn ăn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh mà lại đòi giá thành rẻ thì thực sự quá khó", ông Phan Tiến Hiệp, Chủ tịch HTX  Thường Lệ bày tỏ.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, lượng nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%, các chợ đầu mối đang đóng vai trò là khâu điều phối các sản phẩm đến thị trường tiêu thụ. Vì vậy việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn cần được đẩy mạnh, để đảm bảo sức khỏe và nhu cầu người tiêu dùng.

Tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội khẳng định, sản phẩm nấm kim châm của doanh nghiệp Nấm Việt sau khi được kiểm tra những tiêu chuẩn cụ thể nếu đạt được những tiêu chí cần và đủ mà siêu thị Fivimart đưa ra, sản phẩm này sẽ chính thức được đưa vào phân phối tại siêu thị...

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch, các cửa hàng và siêu thị đang có nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho rằng, hiện nay hệ thống siêu thị rất hỗ trợ người nông dân và luôn muốn sản phẩm sạch được vào siêu thị. Ví dụ, đơn vị đang hỗ trợ và bán cà chua trái vụ của Mộc Châu, Sơn La, giúp thu nhập của bà con tăng đáng kể vì giá thành cao… Tuy nhiên, sản phẩm muốn vào được siêu thị phải qua được rào cản đầu tiên là bắt buộc phải có tiêu chuẩn VietGAP. Và từ 1.7, Luật Hợp tác xã (HTX) có sự đổi mới, nếu đơn vị nào không thay đổi thì sẽ không được vào hệ thống siêu thị.


Có chứng nhận VietGAP nhưng nhiều nông sản vẫn chưa vào được các siêu thị.

Theo ông Chí, hiện nay thành phố Hà Nội đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, chè an toàn, hoa chất lượng, các vùng chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, các trang trại chăn nuôi lớn đảm bảo các tiêu chí về nông sản sạch…, tạo ra sản phẩm chất lượng đảm bảo VSATTP đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng nhãn hiệu được chú trọng, hiện đã xây dựng và phát triển được 27 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm chế biến, đây được xem là tiền đề để tạo dựng thương hiệu và tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để liên kết với các doanh nghiệp trong việc liên kết từ khâu sản xuất - Sơ chế đóng gói - Tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, công tác chứng nhận chất lượng được quan tâm, do đó nhiều vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản, sản xuất chè tập trung được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Cụ thể đó là sản phẩm quả nhãn chín muộn Hoài Đức, tiêu chuẩn chất lượng đã được thị trường Mỹ chấp nhận và sản phẩm cam Canh, bưởi Diễn đã được đối tác Nhật Bản quan tâm hỗ trợ để phát triển. Đây là cơ sở để đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối lớn cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô cũng như xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau còn hạn chế, chủ yếu theo hình thức mạnh ai người đó làm, nên khó khăn trong quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối và sản phẩm tạo ra tính cạnh tranh thấp. Vì vậy ông Chí cho rằng, trong thời gian tới cần phải tăng cường khả năng liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau để tăng cơ hội liên kết hợp tác và sức cạnh tranh cho sản phẩm.


Có thể bạn quan tâm

lon-tiem-an-than-ca-nuoi-bien-thanh-ca-dong Lợn tiêm an thần, cá… nghe-an-co-455-mo-hinh-san-xuat-ben-vung-theo-tieu-chi-nong-thon-moi Nghệ An có 455 mô…