Cử nhân 9x về làng bắt đất khó "nhả ngọc"
Tốt nghiệp các trường đại học với những tấm bằng khá, nhiều cử nhân không chọn làm việc tại các thành phố lớn, mà lại chọn nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc để quyết định trở về khởi nghiệp trên chính quê hương mình, quyết tâm bắt vùng đất khó “nhả ngọc”.
Những ngã rẽ cuộc đời!
Con đường vắt ngang sườn núi dẫn vào thôn bản Hình, xã Minh Tân (Vị Xuyên) trơn trượt vì cơn mưa rừng đêm trước, chiếc xe máy liên tục gầm rú, chồm lên những rãnh nước như muốn hất văng người điều khiển nó xuống đường. Giữa bạt ngàn rừng núi của vùng đất khó khăn này, câu chuyện về chàng kỹ sư Lộc Đức Khim bỏ phố về làng làm kinh tế khiến nhiều người dân ngưỡng mộ.
Trong ảnh: Kỹ sư Lộc Đức Khim (bên phải) với tấm Bằng đại học loại giỏi. Ảnh: An Giang
Là người con của đồng bào dân tộc Tày, sinh năm 1992 trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng Khim luôn nỗ lực học tập với ước mơ giúp gia đình thoát khỏi sự đeo đẳng của cái nghèo. Khim tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý đất đai, Trường Đại học Nông - lâm Thái Nguyên với tấm bằng loại giỏi; được kết nạp Đảng tại trường đại học, thường xuyên nhận học bổng của nhà trường và các chương trình học bổng của các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là một trong hai sinh viên xuất sắc của khóa học được giữ lại trường làm giảng viên.
Cơ hội thành đạt rộng mở với một cậu sinh viên nghèo nơi rẻo cao xã Minh Tân quanh năm mây mù che phủ. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, vì nhà nghèo, Khim không có tiền để theo học hai năm thạc sỹ ở nước ngoài trước khi về làm giảng viên ở trường đại học. Lấy trong ngăn tủ ra tấm bằng đỏ loại giỏi được Khim bọc cẩn thận, em trầm tư: “Tiền học phí em có thể cố gắng học để giành các chương trình học bổng của nhà trường, nhưng tiền sinh hoạt, đi lại trong 2 năm ở nước ngoài thì không có; gia đình em là hộ nghèo, mọi thứ đã chắt bóp cho em ăn học suốt 4 năm đại học.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, em quyết định trở về quê lập nghiệp. Em cũng có nộp hồ sơ vào mấy cơ quan Nhà nước, nhưng họ đều trả lời là đang tinh giản biên chế, chưa có nhu cầu tuyển dụng; rồi em đi làm thuê cho một vài doanh nghiệp nhưng thu nhập thấp, chẳng thể đủ ăn. Khó khăn đủ đường, em quyết tâm về quê mở trang trại chăn nuôi gà để tự lập nghiệp”.
Nguồn vốn ban đầu chỉ với 500.000 đồng và 18 con gà mua của người dân, sau hơn 1 năm chăm chỉ chăm sóc, mở rộng mô hình, đến nay, Khim đã có 200 con gà mái đẻ trứng cho thu nhập hàng ngày và hàng chục con lợn, ngan, vịt. Khim kể, ngày còn học ở trường đại học, mặc dù học ngành Quản lý đất đai nhưng em rất thích chăn nuôi, em đã từng tham quan, tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi ở các tỉnh miền xuôi về quy trình, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho gia cầm nên em tự tin khi bắt tay vào nuôi gà.
Chia tay Khim khi cái nắng chói chang tháng 7 đã trải rộng khắp núi rừng, Khim nắm chặt bàn tay cán bộ trong Đoàn công tác của huyện Đoàn Vị Xuyên: “Cuối năm, các anh, chị nhớ quay lại thăm em; lúc đó sẽ có khoảng 1.000 con gà mái đẻ. Hiện tại, em đang vay vốn đầu tư mua lồng ấp trứng để phát triển, cung cấp cả gà giống nữa và tìm hiểu Luật HTX năm 2012 để thành lập HTX cùng các bạn ĐVTN trong thôn để có thể tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, đồng thời giúp các bạn có việc làm, tăng thu nhập”.
Cùng cảnh ngộ như Khim, Phan Văn Thực, sinh năm 1991, thôn Nà Lầu, xã Linh Hồ (Vị Xuyên) cũng chọn cho mình cách về làng phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi lợn. Tốt nghiệp Đại học Hùng Vương chuyên ngành Việt Nam học. Nhà nghèo, Thực “chạy sô” các kiểu làm ăn trái nghề để kiếm cơm như: Hướng dẫn viên du lịch, nhân viên văn phòng, xuất khẩu gỗ,... nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống; rồi thất bại hết lần này đến lần khác, nộp hồ sơ xin việc vào cơ quan Nhà nước thì ở đâu họ cũng động viên,... chờ. Buồn, nhưng Thực không nản chí mà càng quyết tâm lập nghiệp bằng chính đôi tay và nghị lực của mình.
Năm 2014, Thực cùng 3 người bạn trong thôn góp vốn, vay mượn người thân, bạn bè xây dựng một trang trại chăn nuôi lợn. Đến nay, trang trại của Thực và các bạn đã có 15 con lợn nái, 60 con lợn thịt đang chuẩn bị xuất bán; mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Hiện tại, Thực và các bạn đang thuê đất, mở rộng quy mô chăn nuôi thêm một trang trại lợn tại xã Quảng Ngần và chuẩn bị phương án sản xuất để thành lập HTX nhằm kêu gọi thêm các ĐVTN trong thôn cùng phát triển chăn nuôi. Mục đích Thực hướng đến là chăn nuôi lợn cao sản đảm bảo vệ sinh ATTP, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bí thư Đoàn xã Linh Hồ, Hoàng Văn Cường chia sẻ thêm: “Thực là một trong những thanh niên có nghị lực và quyết tâm lập nghiệp, không ngại khó khăn. Mô hình chăn nuôi của em bước đầu đang mang lại hiệu quả, là điểm nhấn trong phát triển kinh tế của xã và là mô hình để các bạn ĐVTN học tập”.
Cần thêm nhiều chương trình hướng nghiệp cho thanh niên
Hàng năm, Tỉnh đoàn, ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều buổi tư vấn nghề nghiệp cho các em học sinh tốt nghiệp THPT và các ĐVTN, nhiều em đã chọn cho mình hướng đi đúng đắn để khởi nghiệp thành công, cũng không ít bạn trẻ đang loay hoay với tấm Bằng đại học, cao đẳng trên tay mà không thể có việc làm. Điều này đặt ra cho chúng ta câu hỏi về giải quyết vệc làm cho thanh niên sau đào tạo.
Cử nhân Phan Văn Thực chăm sóc đàn lợn của mình. Ảnh: Yến Vũ
Mới đây, Huyện đoàn Vị Xuyên đã tổ chức hội thảo các mô hình kinh tế của thanh niên tại địa phương nhằm đánh giá tổng kết các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi trên địa bàn, đồng thời là cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để các bạn ĐVTN mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, quyết tâm khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhưng những chương trình thiết thực, ý nghĩa để định hướng nghề nghiệp cho ĐVTN như vậy còn rất ít.
Đồng chí Đào Quang Diệu, Phó Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: “Đến nay, toàn tỉnh có trên 180 mô hình kinh tế, 12 tổ hợp tác, HTX và 4 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ cho thu nhập cao; phong trào thanh niên phát triển kinh tế đang đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Đình Của, trong đó có nhiều ĐVTN đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp. Tỉnh đoàn luôn khuyến khích và tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các em; tuy nhiên việc tiếp cận kiến thức, thị trường và nguồn vốn vay để khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Việc tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp cho các ĐVTN luôn được Tỉnh đoàn quan tâm chỉ đạo, giúp các em có định hướng đúng đắn”.
Thông tin từ Sở GD&ĐT, năm nay, chỉ có khoảng 30% học sinh trên địa bàn tỉnh thi tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Tín hiệu này phản ánh việc các bậc phụ huynh và các em đã bắt đầu có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp với trình độ và nhu cầu việc làm thực tế hiện nay; tránh cho việc các em học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Như lời chia sẻ đầy tâm trạng của Phan Văn Thực: “Thực ra, 4 năm học đại học đã cho em nhiều kiến thức bổ ích để hôm nay em tự tin lập nghiệp dù không phải chuyên ngành học của mình, nhưng giá như ngày trước em được tư vấn nghề nghiệp đầy đủ, em theo học ngành Chăn nuôi thì bây giờ em đỡ vất vả hơn. Đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất, các bạn trẻ nên chọn cho mình một hướng đi phù hợp nhất; các cơ quan, ngành chức năng cần có thêm nhiều chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp thiết thực, cụ thể để các bạn ĐVTN chủ động lập nghiệp, có được cuộc sống ổn định và phát triển”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ