Mô hình kinh tế Cử nhân bỏ phố về quê ướp trà

Cử nhân bỏ phố về quê ướp trà

Tác giả Vân Anh, ngày đăng 15/11/2019

Lê Sơn Hải trồng chè theo cách truyền thống tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên với khát vọng xây dựng nhãn trà hữu cơ.

Trà ướp hoa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho anh Hải.

- Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vì sao anh  trở về quê hương và gắn bó với cây chè?

- Được đào tạo và trưởng thành từ một môi trường Đại học năng động và nhiều cơ hội, tôi vẫn quyết định trở về quê hương để gắn bó với cây chè vì đó là đam mê. 

Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hơn ba đời trồng cây chè và làm trà. Từ nhỏ, tôi đã được dạy cách trân quý những giá trị mà cây chè mang lại. Trà không chỉ là nguồn thu nhập của gia đình mà còn là nghề truyền thống được mọi người trân trọng.

- Anh làm thế nào để thực hiện được ý tưởng khởi nghiệp từ cây chè?

- Ý tưởng khởi nghiệp với cây chè có trong tôi từ khi còn là sinh viên. Sau khi ra trường, tôi sử dụng số tiền 20 triệu đồng mẹ cho mua xe máy để làm vốn khởi nghiệp.

Hồi còn ở Hà Nội, tôi thường đến Hồ Tây cùng bạn bè, thấy người dân quanh đó thường ướp trà trong những bông sen. Từ đó, tôi nảy ra suy nghĩ tạo ra một thứ trà ướp sen với sự kết hợp giữa sen Hồ Tây và chè Tân Cương quê mình. Tôi nghĩ phải sản xuất trực tiếp tại đầm để giữ được những gì tinh hoa nhất. Tôi lấy hết số vốn mình có mua giống sen về trồng.

Khác với các loại trà truyền thống tại quê hương, tôi muốn xây dựng và sáng tạo những loại trà mới dựa trên kinh nghiệm tích lũy được từ ông bà và bố mẹ chỉ dạy.

Trà hữu cơ sau khi được xao được ướp trực tiếp trong từng cánh sen giống Hồ Tây.

- Một ngày của người trồng chè có điểm gì đặc biệt?

- Hàng ngày, tôi hái chè ngoài vườn và ướp trà ngay tại đầm sen. Công việc này phải được thực hiện vào buổi sáng sớm, khi ánh nắng đã lên và những giọt sương đêm còn đọng trên từng chiếc lá, cánh hoa. Tiếp đó, tôi làm các công việc khác như sao chè, làm cỏ, chăm bón cũng như kiểm tra sâu bệnh trên những vườn trà, ướp trà.

- Bí quyết chế biến trà của anh có gì đặc biệt so với mọi người?

- Sản phẩm của gia đình tôi được trồng hoàn toàn thuận tự nhiên. Phân để bón chè được làm từ đỗ tương và phân chuồng ủ mục trong 6 tháng. Tôi phun phòng trừ sâu bệnh bằng hỗn hợp rượu, gừng tỏi, ớt ngâm và được tưới tắm 100% bằng nước sạch. Tất cả những loại phân bón, thuốc phun đều là các sản phẩm có sẵn trong thiên nhiên, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng cũng như lưu giữ được trọn vẹn nhất vị của trà.

Bí quyết trồng chè và làm trà của tôi phần nhiều là được các thế hệ đi trước trong gia đình truyền lại. Sau này, để theo kịp thị hiếu và chiều lòng khách hàng cũng như mong muốn sáng tạo những loại trà khó hơn, tôi có học hỏi thêm các nghệ nhân làm trà cũng như tự mày mò tìm hiểu, sáng tạo ra các dòng trà mới cho hương vị tuyệt vời và cao cấp hơn.

Hiện tại, các sản phẩm trà mà gia đình tôi bán ra thị trường gồm 2 loại chính là trà mộc và trà ướp hoa với nhiều loại hoa được sử dụng như hoa sen, hoa hồng hay hoa nhài. Trung bình các sản phẩm trà được bán với giá dao động từ 400-500 nghìn đồng một kg cho tới 9-10 triệu đồng một kg. Trừ hết các chi phí, mỗi tháng lợi nhuận thu về trung bình khoảng hơn 20 triệu đồng.

'Làm việc mình đam mê là hạnh phúc'

- Anh gặp khó khăn gì trong quá trình làm việc?

- Bất cứ ngành nghề nào cũng đều có khó khăn và vất vả riêng. Cái khó khăn của nghề làm trà hữu cơ chính là vốn đầu tư lớn, luôn phải theo dõi và kiểm soát sâu bệnh cũng như tạo ra những sản phẩm trà mới để phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Ban đầu, người ta chưa biết tới trà hữu cơ nhiều nên sản phẩm không quá được coi trọng. Theo thời gian, các sản phẩm hữu cơ dần được biết tới nhiều hơn, trà của tôi cũng được nhiều người đón nhận.

- Có nhiều ngành nghề nhàn hạ phù hợp với chuyên ngành anh từng học tập. Lựa chọn một nghề lao động chân tay, anh thấy mình được gì? 

- Mỗi người đều có một sự lựa chọn trong công việc nhưng để tìm được đúng hướng đi và đặc biệt là được làm đúng với đam mê của chính mình đó chính là hạnh phúc. Khi lựa chọn làm trà theo nghề truyền thống của gia đình và quê hương, tôi thấy mình nhận ra được nhiều bài học về sự kiên trì, tính nhẫn nại, niềm vui cũng như tiếng cười.

Đã làm đúng với đam mê thì lúc nào tôi cũng cảm thấy vui vẻ và hài lòng với quyết định bỏ lại những cơ hội công việc về ngành học của mình để trở về quê hương. Cái tôi tiếc nhất đó chính là thời gian, bởi nó đi qua quá nhanh mà có khi mình chưa kịp thực hiện những ý tưởng mới.

Anh Hải bên vườn chè hữu cơ của gia đình.

- Anh có dự định gì trong thời gian tới?

- Tôi mong rằng  có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm trà đặc sắc hơn mang đến cho khách hàng của mình. Hiện tại, tôi đang bắt tay xây dựng thương hiệu mang tên mình, kiểm định chất lượng của trà để trong thời gian ngắn nhất có thể đưa sản phẩm trà của mình ra nước ngoài, phục vụ khách hàng quốc tế.


Có thể bạn quan tâm

mit-ruot-do-thu-tien-ty Mít ruột đỏ thu tiền… bo-pho-ra-bia-rung-trong-rau-sach-thu-hon-tram-trieu-thang Bỏ phố ra bìa rừng…