Mô hình kinh tế Cửa hẹp cho xuất khẩu nông sản cạnh tranh khốc liệt

Cửa hẹp cho xuất khẩu nông sản cạnh tranh khốc liệt

Ngày đăng 23/09/2015

Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) cùng một số nước khác hạ giá đồng tiền đã tác động mạnh tới việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Hơn nữa, diễn biến “ảm đạm” của thị trường thế giới sẽ tiếp tục tác động xấu tới xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.

Đối mặt với nhiều bất lợi

Việc phá giá 4,6% đồng NDT vào tháng 8/2015 của Trung Quốc kéo theo nhiều tác động xấu tới các thị trường hàng hóa thế giới. Trung Quốc cũng là đối tác lớn trong xuất khẩu nông sản Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc chiếm tới 36,7% tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta, 47% giá trị xuất khẩu cao su, 36,2% giá trị xuất khẩu rau quả…

Ngoài ra, Thái Lan, Campuchia và Pakistan đã chia nhau giành 12% thị phần xuất khẩu gạo sang Trung Quốc của Việt Nam chỉ trong 2 năm qua. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam cũng đang đánh mất thị phần xuất khẩu tôm trên thị trường Mỹ vào tay các nước Ấn Độ, Indonesia... Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), viễn cảnh không mấy sáng sủa của xuất khẩu nông sản khi giá nhiều mặt hàng có chiều hướng giảm trong những năm tới.

Ông Nguyễn Trung Kiên - quyền trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng (Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn - Ipsard) nhận định, trong 8 tháng đầu năm tất cả những mảng sáng về xuất khẩu nông sản của nước ta đều vắng bóng tại thị trường Trung Quốc.

Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị do thị trường Trung Quốc giảm nhu cầu nhập. Đơn cử, xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2015 giảm 8% về lượng, 13% về giá trị do Trung Quốc giảm nhập khẩu 6%.

Mặt khác, các nước đang phát triển, những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nông sản Việt Nam như Thái Lan, Brazil… cũng đã có bước phá giá đồng tiền mạnh mẽ hơn cả để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, có sự nổi lên của nhiều đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản với Việt Nam như: Myanmar, Campuchia, Pakistan….

Do vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng của Việt Nam chỉ đạt 19,3 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính giảm tới 7,7%, thủy sản giảm 17,5%, gạo 13,1%, cà phê 33,1%...

Ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, 8 tháng đầu năm, bức tranh xuất khẩu đan xen cả sáng và tối. Mảng sáng gồm sắn, rau quả, tiêu, điều, gỗ và sản phẩm gỗ… tiếp tục tăng trưởng. Nhưng mảng tối lại gồm nhiều mặt hàng chủ lực như: gạo, cà phê, cao su, thủy sản... suy giảm mạnh”.

Trên cơ sở phân tích những biến động của kinh tế thế giới, Viện Ipsard cho rằng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sắp tới cần lưu ý tác động của việc phá giá nông sản đến từ các đối thủ cạnh tranh ngày càng lớn; mức cầu của thế giới về nông sản giảm do giảm đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và dư nguồn cung. Trong đó, chính sách tỷ giá của Trung Quốc mang tính thị trường nhiều hơn sẽ tạo ra những bất ổn trên thị trường nông sản xuất khẩu.

Đa dạng thị trường để xuất khẩu

Theo dự báo của Ipsard, giá nông sản vẫn tiếp tục giảm sâu khi cung tăng và mối lo ngại về tăng trưởng toàn cầu suy giảm. Vì vậy, ông Nguyễn Trung Kiên, cho rằng: “Trong ngắn hạn có thể tận dụng thị trường Mỹ do đồng đô la có mức giá cao, xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng

Việt Nam có lợi thế vào thị trường này như: thủy sản, cà phê, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ. Kết nối các hợp đồng xuất khẩu gạo sang các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines vì các nước này có thể thiếu hụt nguồn cung trong năm nay…

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển chính ngạch thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng có thể xuất khẩu như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, tôm”.

Về trung và dài hạn, các chuyên gia cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục thông quan, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu tốt như: giá, chất lượng, thương hiệu, thị phần. Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ví dụ gạo là thị trường Bờ Biển Ngà, Ghana, Mỹ, Malaysia, UAE.

Cà phê là Hàn Quốc, Ailen, Nga, Australia, Thái Lan… Cao su là Ailen, Thổ Nhĩ Kỳ. Thủy sản là Australia, Trung Quốc… Gỗ và sản phẩm từ gỗ là Anh, Ba Lan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… Rau quả là Anh, Đức, UAE.

Thời điểm cuối năm cũng là lúc nhu cầu thủy sản từ các thị trường như Mỹ, EU... sẽ cao hơn do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng. Cùng với những yếu tố về nguồn cung không còn dồi dào như các tháng đầu năm, lợi ích từ các Hiệp định Thương mại đã ký, cải thiện về chất lượng…

“Nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản sẽ sôi động trở lại. Riêng xuất khẩu tôm, ngành sẽ tăng sản lượng tôm sú, tập trung phát triển tôm sú theo hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết.

Hiện nay, thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 164 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Do vậy, vấn đề đặt ra không chỉ là mở rộng thị trường, mà cần đầu tư thêm, phát triển thêm các đối tượng nuôi mới để tăng giá trị xuất khẩu.

“Tôi cho rằng Việt Nam có thể đẩy mạnh nuôi cá biển. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã nghiên cứu 3 năm nay. Nếu có được 1 triệu tấn cá biển bằng công nghệ nuôi công nghiệp trong 5 năm từ bây giờ đến 2020, đầu tư ban đầu là khoảng 1 tỷ USD, chúng ta sẽ có từ 5 - 7 tỷ USD xuất khẩu”, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Vasep cho biết.

Đối với việc xuất khẩu gạo, “Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo phải nhanh chóng tổ chức sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị và cùng nhau liên kết, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Xác định lại các thị trường trọng tâm.

Hiện thị trường gạo trên thế giới đang có những phân khúc riêng và doanh nghiệp cần chú ý nghiên cứu kỹ để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, dẫn đến thiếu ổn định, bị động trong xuất khẩu”, ông Huỳnh Thế Năng, TGĐ Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, chúng ta phải tập trung vào những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Thu nhập và lợi nhuận của người tham gia sản xuất là yếu tố then chốt, không phải cứ bán nhiều hàng giá cao là được. Hệ thống xúc tiến thương mại của Nhà nước còn nhiều hạn chế, vì một năm chỉ có kinh phí 5 triệu USD là quá ít.

Vì vậy, phương thức xúc tiến thương mại phải do doanh nghiệp làm, trên cơ sở có năng lực, thế mạnh cạnh tranh để xúc tiến với bạn hàng.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-huong-hoa-lao-dao-vi-ca-phe-chin-som Nông dân Hướng Hóa lao… trung-thau-gia-tot-la-luc-nang-cho-gia-lua-gao-noi-dia Trúng thầu giá tốt là…