Tin thủy sản Cung – cầu thị trường tôm

Cung – cầu thị trường tôm

Tác giả Đan Linh - Theo Undercurrentnews, ngày đăng 26/07/2021

Các thị trường tôm quan trọng gồm Mỹ và châu Âu tiếp tục đối mặt nguy cơ thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, sự phục hồi của các kênh dịch vụ ẩm thực, được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng lạc quan cho ngành tôm toàn cầu. 

Cầu vượt cung

Jeff Sedacca, CEO Công ty nhập khẩu tôm Sunnyvale Seafood tại Mỹ, đối tác của Công ty xuất khẩu thủy sản Zhanjiang Goulian Trung Quốc cho biết, những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là sự thiếu hụt nghiêm trọng rất nhiều mặt hàng tôm, gồm cả sản phẩm quan trọng cho thị trường Mỹ; đây cũng là nguyên nhân đẩy giá tôm tăng cao tại Mỹ. Theo Sedecca, cơn bão kinh hoàng gây sóng gió thị trường tôm toàn cầu hiện nay gồm 3 yêu tố: các vấn đề COVID-19 tại các nước cung cấp tôm, vận chuyển và “loạn” giá cước vận tải. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tôm vào mùa hè tăng vọt, khi các kênh dịch vụ ẩm thực như nhà hàng, khách sạn tại châu Âu và Mỹ bắt đầu phục hồi.

Chuỗi dịch vụ ẩm thực đang bùng nổ sau nhiều ngày tháng bị đóng băng. Các hãng nhập khẩu tôm đều mong chờ điều này và rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tích trữ nhiều tôm hơn, để phục vụ nhu cầu khi hàng loạt nhà hàng mở cửa trở lại khắp các bang thuộc Mỹ.

Suốt năm ngoái, hầu hết các công ty nhập khẩu phải chuyển sang bán hàng cho kênh bán lẻ. Do đó, đến nay hầu hết công ty này đều bị thiếu hụt nguồn cung và không đủ đáp ứng kênh dịch vụ ẩm thực. Giá tôm tại Mỹ đã bắt đầu tăng trên 1 USD/pound, khiến đại đa số khách hàng sốc. Tuy nhiên, thực tế giá tôm chỉ quay lại mức thông thường như trước đây, theo Sedecca.

Ấn Độ đang chìm trong đại dịch COVID-19. Thu hoạch tôm vẫn đang diễn ra tại các bang thuộc Ấn Độ, nhưng khâu vận chuyển lại bị gián đoạn. Các nước nuôi tôm khác cũng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, dù không nghiêm trọng như Ấn Độ, nhưng chắc chắn cũng gây ra tình trạng sụt giảm nguồn cung. Theo Sedeca, các doanh nghiệp tại Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm cách nhập khẩu tôm, thậm chí đã đặt trước sản phẩm từ nhiều tháng, nhưng hàng vẫn chưa được vận chuyển hoặc bị trì hoãn vì thiếu hụt vỏ container. Jim Gulkin, Giám đốc Công ty thủy sản Siam Canadian cho rằng, không chỉ Mỹ, mà sắp tới nhiều thị trường khác sẽ rơi vào tình cảnh tương tự, ví dụ châu Âu, vì các kênh dịch vụ ẩm thực đang mở cửa trở lại, kéo theo lượng tiêu thụ tôm vào mùa hè tăng vọt.

Gulkin và Sedecca đều dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo dài đến hết năm nay. Ấn Độ vẫn đang chìm sâu trong thảm họa COVID-19 mà không có một tia hy vọng về sự phục hồi và việc triển khai vaccine cũng không diễn ra như kỳ vọng, Gulkin nói; ngoài ra, nhiều nơi tại Ấn Độ đã phải thu hoạch tôm sớm để bán tống bán tháo. Thực ra, đây là số tôm nuôi đến khi đạt cỡ lớn để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu; do đó, thị trường dư thừa tôm cỡ nhỏ, trong khi vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn do giá cước biển tăng cao vọt. Vấn đề vận chuyển sẽ kéo dài đến cuối năm nay và cũng chưa thể biết chắc khi nào tình trạng này mới chấm dứt. Trước mắt, lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng rất mạnh vào mùa hè, tiếp đến là Canada và châu Âu nên doanh nghiệp còn tiếp tục gặp khó khăn về vận chuyển hàng hóa.

Tìm nguồn cung thay thế Ấn Độ

Khủng hoảng dịch bệnh hiện nay tại Ấn Độ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung TTCT cho thị trường toàn cầu trong các tháng sắp tới. Các hãng nhập khẩu tôm tại châu Âu và Mỹ đều lo ngại sẽ không tìm được nguồn cung tôm thay thế Ấn Độ trong ngắn hạn.

Hiện, Ecuador đang nỗ lực lấp đầy lỗ hổng nguồn cung trên thị trường tôm, nhưng chưa thể theo kịp Ấn Độ trước đây, Sedecca cho biết. Theo ghi nhận của Undercurrentnews, từ đầu tháng 5/2021, nhiều nhà máy chế biến tôm tại Ấn Độ phải cắt giảm công suất, trong khi vỏ container thiếu trầm trọng cộng với phí vận tải tăng vọt. Ngoài ra, nhiều nhà máy còn rơi vào tình trạng thiếu nhân công, không đảm bảo đáp ứng các đơn hàng…

Quý I/2021, nhập khẩu tôm Ấn Độ vào thị trường Mỹ chỉ giảm 2,5% so cùng kỳ. Sau đợt phong tỏa đầu tiên năm ngoái bắt đầu vào cuối tháng 3, xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Mỹ đã giảm 50%, còn 8.600 tấn trong tháng 5 và 11.821 tấn trong tháng 6. Do đó, nếu so sánh với khối lượng năm ngoái thì khối lượng xuất khẩu tôm năm nay vẫn cao hơn. Theo Jim Gulkin, nếu Ấn Độ tìm đủ nguồn cung vỏ container vận chuyển thì vẫn thiếu hụt tôm cỡ lớn phục vụ thị trường Mỹ vào mùa hè năm nay.

Nhưng thực tế không thay đổi đó là Ấn Độ vẫn dẫn đầu về xuất khẩu tôm và sự sụt giảm nguồn cung từ Ấn Độ trong ngắn hạn, cũng không gây ra xáo trộn lớn trên thị trường bởi các nhà cung cấp khác như Việt Nam hay Indonesia hoàn toàn có khả năng thay thế.

Năm ngoái, tình trạng thiếu hụt nguồn cung tôm Ấn Độ, đi đôi với phong tỏa và nhu cầu giảm mạnh, sau khi các nhà hàng đóng cửa trên toàn châu Âu và Mỹ. Năm nay, dù nguồn cung vẫn thiếu, nhưng nhu cầu lại tăng vọt, bởi kênh dịch vụ ẩm thực đã phục hồi trở lại.

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu tôm toàn cầu ước giảm 3% trong năm 2020, còn 3.042 triệu tấn, lần giảm đầu tiên từ năm 2009. Tuy vậy, tỷ lệ sụt giảm được cho là tương đối nhỏ, không ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi lạc quan của ngành tôm, đặc biệt khi chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới.

Tại Bắc Âu, các nhà nhập khẩu đang bắt đầu tìm kiếm nguồn tôm thay thế từ Việt Nam có lợi thế về thỏa thuận thương mại tự do với châu Âu. Đầu tháng 5/2021, Sebastian Jacob, CEO của Công ty thủy sản Ấn Độ Continental Seafoods cho biết, nhiều nhà nhập khẩu người Mỹ đã chuyển sang nhập khẩu tôm từ các nhà cung cấp Việt Nam như Minh Phú. 


Có thể bạn quan tâm

giai-phap-cho-nguon-giong-dieu-hong-chat-luong-cao Giải pháp cho nguồn giống… xu-huong-nghien-cuu-dinh-duong-thuy-san Xu hướng nghiên cứu dinh…