Mô hình kinh tế Cựu Chiến Binh Làm Giàu Trên Vùng Đất Khó

Cựu Chiến Binh Làm Giàu Trên Vùng Đất Khó

Ngày đăng 20/06/2013

Chiến tranh đã lùi xa 38 năm, những người lính tham gia kháng chiến một thời, nay trở về đời thường với những vết thương không thể xóa nhòa. Cuộc sống hôm nay với bao khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn hăng say, quyết tâm làm giàu bằng ý chí và nghị lực ngay trên quê hương mình.

Đó cũng là cách nghĩ, cách làm của  Cựu chiến binh Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (66 tuổi) ở thôn Liêm An, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc.

Đi lên từ 1,5 sào đất lúa

Sinh ra, lớn lên trên quê hương xã Hồng Liêm - Hàm Thuận Bắc, tham gia kháng chiến ở chiến trường Hàm Thuận, người lính Nguyễn Thị Ngọc Mỹ ở thôn Liêm An hôm nay như được sống lại khoảng thời gian ý nghĩa nhất của đời mình. Trở về từ chiến trường xưa với hai bàn tay trắng, bà bắt đầu làm lại cuộc đời bằng chính sức mình cùng người con trai duy nhất trên 1,5 sào ruộng khô cằn của xã Hồng Liêm với ước mong sẽ có một ngày đổi đời.

Đất phụ thuộc nguồn nước trời, những mùa vụ sản xuất thất bát không làm mẹ con bà bỏ đất. Ngày qua ngày, hai mẹ con người lính cứ quần quật lao động trang trải cuộc sống. Năm 2005, phong trào trồng thanh long được mở rộng ở hai huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Chưa có vốn, hai mẹ con bươn chải thu mua phân hữu cơ (phân bò) mang bán cho các nhà vườn Hàm Thuận Nam, rồi làm mướn, chở thuê nông sản ... , tằn tiện, chắc bóp dành dụm tiền.

Vùng đất thôn Liêm An, xã Hồng Liêm vốn khô hạn, không thể sản xuất quanh năm. “Đầu năm 2010, kênh chuyển nước từ Đại Ninh đi ngang qua, như mở ra một diện mạo mới cho vùng đất này thay da đổi thịt. Có kênh nước tưới mát, người dân như tôi được dịp mở rộng quy mô sản xuất. Cũng năm đó, nhờ chính sách hỗ trợ cựu chiến binh sản xuất ở vùng khó khăn, tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng, vay chế độ 6 triệu đồng. Tất cả đầu tư mua đất, đầu tư giống sản xuất và chăn nuôi bò. Từ đó, cuộc sống chuyển sang bước ngoặt mới để phát triển như ngày hôm nay”, bà Mỹ nói.

Hiện người cựu chiến binh này đang có 1 ha đất vườn, 1 ha ruộng lúa và 2 ha đất rẫy trong đó có hơn 1.000 trụ thanh long ở năm thứ 4, thu nhập các nguồn hơn 200 trăm triệu đồng/năm.

Nhường “phao cứu sinh” cho đồng đội

Trong cuộc sống, bà đã có nhiều việc làm nghĩa tình. Năm 2000, bà được xác nhận thương binh 4/4.  Năm 2003, bà được các cấp Hội hỗ trợ 8 triệu đồng để sửa lại căn nhà tranh lá. Số tiền lúc đó đối với gia đình bà như một “phao cứu sinh” để thoát nghèo, thế nhưng, tin vào sức mình mẹ con bà nhường lại cho những đồng đội gặp hoàn cảnh khốn khó hơn. Đến năm 2006, sau bao tích góp, bà xây cất căn nhà mới đàng hoàng khang trang.

Có nguồn thu ổn định, kinh tế ngày một khá, bà lại nghĩ đến những đồng đội của mình đã cùng chung chiến trường năm xưa. “Là những người lính bộ đội cụ Hồ, chị Mỹ hiểu cái khó và khổ. Trong những năm còn hoạt động ở Hội Cựu chiến binh xã Hồng Liêm, chị không ngần ngại cống hiến cũng như quan tâm tìm hiểu cuộc sống cựu chiến binh, có cách giúp đỡ cùng nhau thoát nghèo.

Sự vươn lên của chị trên vùng đất khó Liêm An đã khiến cho nhiều người thán phục. Hiện Hội cựu chiến binh xã có nhiều gương vượt khó, mạnh dạn tham gia sản xuất với những mô hình kinh tế hiệu quả và có nhiều đóng góp cho địa phương”, ông Nguyễn Minh Mười, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

binh-thuan-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-thanh-long Bình Thuận Mở Rộng Thị… sau-rieng-trong-mot-lan-thu-hoach-duoc-60-nam Sầu Riêng Trồng Một Lần,…