Mô hình kinh tế Cứu Người Chăn Nuôi

Cứu Người Chăn Nuôi

Ngày đăng 31/05/2013

Hàng triệu hộ chăn nuôi trong cả nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi heo, gà, vịt, cá tra… rớt giá thê thảm, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến người nuôi thua lỗ. Giá gà công nghiệp trong tháng 5-2013, rớt xuống mức thấp kỷ lục 13.000 - 15.000 đồng/kg, chưa bằng 50% chi phí giá thành sản xuất; gà tam hoàng từ 38.000 đồng/kg vào tháng trước, nay giảm còn 30.000 đồng/kg; trong khi giá heo cũng giảm còn 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ, thấp hơn giá thành nuôi là 4 - 4,1 triệu đồng/tạ… Giá rẻ đã đành, song người chăn nuôi muốn bán sản phẩm dù chấp nhận lỗ cũng rất khó.

Từ năm 2012 đến nay, hàng loạt hộ nuôi gà công nghiệp lỗ nặng do bán dưới giá thành; còn người nuôi heo rơi xuống vực vì giá cả bấp bênh. Cục Chăn nuôi nhìn nhận, trong lúc giá heo ở Trung Quốc khoảng 48.000 đồng/kg; Thái Lan 46.000 đồng/kg… so ra giá heo ở Việt Nam thấp nhất. Đối với mặt hàng cá tra hơn 2 năm nay giá chỉ dao động từ 21.000 - 22.000 đồng/kg, thấp hơn giá sản xuất từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Hiện cá tra loại 1, người nuôi bán lỗ và chấp nhận bán thiếu từ 1 - 3 tháng mới lấy tiền, thế nhưng nhiều nhà máy vẫn quay lưng chẳng chịu mua. Những hộ nuôi nghêu ven biển ĐBSCL cũng thê thảm không kém, bởi năm nay dịch bệnh bùng phát làm nghêu chết tràn lan. Đã vậy, giá nghêu trước đây từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, nay giảm còn 20.000 đồng/kg vẫn bị thương lái chê không mua. Bộ NN-PTNT nhìn nhận, ngành chăn nuôi đang quá khó, trong đó có 3 cái khó trọng tâm là giá cả xuống thấp; dịch bệnh xuất hiện nhiều; thiếu vốn lẫn kỹ thuật.

Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL than: “Nói cá tra là sản phẩm đặc thù của Việt Nam trên thế giới, vậy mà mấy năm nay cứ càng nuôi nhiều là lỗ nhiều. Nếu ngành chức năng không sớm có biện pháp vực dậy thì chẳng biết người nuôi cá sẽ đi về đâu?”.

Trước hàng loạt cái khó vây chặt người chăn nuôi, Bộ NN-PTNT và các ngành chuyên môn đã tổ chức nhiều cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ. Những yếu kém trong chăn nuôi đã được chỉ ra như: nuôi nhỏ lẻ khiến chi phí giá thành cao và khó phòng trị dịch bệnh, giá cả bấp bênh không cạnh tranh được với các công ty quốc tế; việc kiểm soát và cung cấp thông tin về dịch bệnh đối với người chăn nuôi không có; đa số người chăn nuôi không theo chuỗi khiến năng suất và chất lượng thấp, sản phẩm kém sức cạnh tranh…

Giải quyết những yếu kém trên, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cần nhanh chóng thành lập các liên minh trong chăn nuôi do một doanh nghiệp lớn đứng đầu. Mô hình này đã được Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… áp dụng khá thành công khi họ liên minh với nhau và tự nguyện cung cấp thông tin công khai, minh bạch để điều tiết cung cầu trên thị trường một cách hợp lý. Ở nước ta ngược lại, thông tin với nhau thiếu chính xác nên việc cung cầu chưa thể gặp nhau.

TS Nguyễn Văn Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đặt vấn đề: “Tại sao không áp dụng thử nghiệm mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trong chăn nuôi, bằng việc liên kết các hộ chăn nuôi, trang trại, HTX, tổ hợp tác… để hình thành tổ chức sản xuất lớn, đầu tư bài bản; kiểm soát chặt đầu vào - đầu ra và gắn tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp”.

Cần có cái nhìn tổng thể và đề ra những chính sách căn cơ phù hợp nhằm sớm vực dậy và phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Phải xác định rõ đâu là hạn chế và thế mạnh trong chăn nuôi để đầu tư đúng đối tượng. Quan điểm của Bộ NN-PTNT là đưa ngành chăn nuôi đi bằng 2 chân: “đi tắt đón đầu công nghệ mới để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; tổ chức lại chăn nuôi trang trại áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả”.

Ngoài ra, tăng cường liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm; thiết lập hệ thống thông tin để cung cấp cho người nuôi và doanh nghiệp một cách đầy đủ; kiện toàn bộ máy hình chính nhằm tăng sức mạnh và hiệu quả trong quản lý, điều hành ngành chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

canh-dong-mau-ca-phe-dau-tien-tai-tay-nguyen Cánh Đồng Mẫu Cà Phê… chan-nuoi-viet-nam-dang-gap-kho Chăn Nuôi Việt Nam Đang…