Mô hình kinh tế Cứu Tinh Thời Lam Lũ

Cứu Tinh Thời Lam Lũ

Ngày đăng 04/09/2011

Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hơn 4 triệu “dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ” bởi cả tỉnh thiếu lương thực trầm trọng. Ruộng đồng manh mún, cộng với khí hậu thời tiết khắc nghiệt khiến người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất” mà chẳng đủ ăn. Từ trong khốn khó ấy, vụ hè thu ra đời đã trở thành cứu tinh cho cả xứ Nghệ.

Ký ức khốn khó

Tôi đã đi qua quá nửa đời người. Nhiều đêm nằm ngẫm lại, ký ức cứ như một cuốn phim quay chậm, lần lượt ùa về. Nhớ lại thời kỳ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, người nông dân ở vùng Bắc miền Trung này phải đối mặt với bao gian khó. Tôi lớn lên từ lam lũ, gắn bó với gốc rơm gốc rạ nên tận sâu trong tâm khảm ngày thơ bé là những điệu ru ầu ơ của mẹ gắn với khó khăn, cùng cực: “Trông trời, trông đất, trông mây…”. Dân xứ Nghệ có câu: “Tháng năm năm tật, tháng mười mười tật”. Và câu “Tháng năm nhờ trời, tháng mười nhờ phân” là câu cửa miệng của người nông dân.

Vào một ngày đầu thu, trong chuyến công tác xuống cơ sở, tôi lại ngồi đàm đạo với KS Đào Nghĩa Nhuận, Phó Chủ tịch Hội KHKT nông nghiệp Hà Tĩnh, lần này là chủ đề: “Vụ hè thu có từ bao giờ?”.

Ông Nhuận nhớ lại, Hà Tĩnh trước những năm 60 của thế kỷ XX, nông dân canh tác các giống lúa địa phương ngắn ngày như lúa Trấn, Bát, thời gian sinh trưởng 3 tháng nhưng năng suất 30-40 kg/sào. Giống dài ngày thì có lúa Đỏ, lúa Lốc, nếp Tri mượn, nếp Lem… Thời gian sinh trưởng các giống này đến trên 180 ngày, nhưng do chưa có thủy lợi nên nông dân Hà Tĩnh chỉ có cách duy nhất là “bắc phui cấy vùi”, theo kiểu được chăng hay chớ, năng suất năm được mùa cũng chỉ được 50-60kg/ sào. Vụ chiêm xuân nông dân Hà Tĩnh sử dụng các giống chiêm dâu, chiêm hom…

Bên cạnh năng suất thấp, nhược điểm của các giống lúa trên là cây cao, thân yếu nên hễ cứ sau một đêm mưa gió là cả cánh đồng nghiêng ngả tả tơi. Đặc biệt vụ mùa thường rất bấp bênh vì từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 10 hàng năm, bão lụt thường kéo đến khi lúa đang làm đòng trổ bông khiến nhiều năm mất trắng. Các nhà khoa học nông nghiệp thời kỳ đó đã cố gắng mày mò nghiên cứu, chuyển giao một số giống lúa ngắn ngày để thu hoạch trước bão lụt như giống lúa Nam Ninh, nhưng do năng suất thấp và cây yếu nên  dân không hào hứng, rốt cuộc nông dân làm mà chẳng được ăn, đói vẫn hoàn đói.

Chẳng mấy mà giàu

Sau nhiều năm trăn trở, tháng 7/1966, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh thời kỳ đó - ông Nguyễn Xuân Linh dẫn đầu đoàn các Bí thư Huyện ủy và cán bộ cốt cán xã, chủ nhiệm HTX làm ăn “được” đi tham quan học tập các điển hình HTX làm ăn giỏi ở các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng, Phú Thọ cũ. Đặc biệt, năm 1973 Hà Tĩnh cử 4 người tham gia đoàn Việt Nam đi tham quan ngành nông nghiệp Bulgari gồm ông Trần Quang Đạt -Chủ tịch UBND tỉnh, ông Tô Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Dương Vấn, ông Đặng Đình Tứ.

Thời bấy giờ ông Trương Thi là Trưởng BQL Hợp tác xã Nghệ An -người trực tiếp chỉ đạo xã Hưng Tây bỏ công vào giúp Hà Tĩnh phổ biến kinh nghiệm khoán quản qua kinh nghiệm từ các mô hình Nghệ An. Sau những chuyến "du học" đó, Hà Tĩnh bắt đầu xuất hiện nhiều mô hình HTX làm giống mới có năng suất cao như HTX Đại Thanh, Mai Hồ (Đức Thọ); Sơn Hà (Hương Sơn), Mật Thiết (Can Lộc)…Các trại giống lúa, lợn và các cây con đặc sản của tỉnh như trại lúa Thiên Lộc, trại giống lợn và thụ tinh nhân tạo Đức Long; các trại hươu, ong, cọ dầu (Hương Sơn); mô hình bưởi Phúc Trạch (Hương Khê); chăn nuôi trâu bò ở Nông trường Thầu Đâu (Kỳ Anh) rầm rộ xuất hiện.

Sau công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, năm 1976 Hà Tĩnh và Nghệ An sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Để chuyển dịch, cơ cấu lại mùa vụ, đồng thời tiếp thu các bộ giống mới có năng suất cao vào đồng ruộng, toàn tỉnh đã lấy huyện Quỳnh Lưu làm thí điểm 5 xã thành 1 HTX theo mô hình của nông nghiệp Bulgari do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh Trần Quang Đạt trực tiếp chỉ đạo.

Trong tập đoàn giống lúa xuân được đưa vào thực nghiệm ở xã Quỳnh Hồng vụ mùa năm 1980, có 1 giống lúa mới mang tên 75-10 được PGS-TS Tạ Minh Sơn chuyển giao. Sau một vụ thử nghiệm, giống lúa này có những ưu điểm nổi bật, thích hợp đưa vào cơ cấu vụ mùa sớm (thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày, cây thấp, tránh được gió bão, gieo cấy tốt ở cả 2 vụ, năng suất cao bình quân đạt từ 50-55 tạ/ha). Ngoài ra, giống lúa này còn chịu được nắng nóng, gió Lào khắc nghiệt của miền Trung.

Sau kết quả thí điểm ở xã Quỳnh Hồng, ông Trương Thi, lúc đó làm Giám đốc Ty Nông nghiệp Nghệ Tĩnh đã quyết liệt đưa giống lúa mới 75-10 vào cơ cấu vụ mùa sớm mà sau này gọi là hè thu. Nhờ vậy, kết quả không những chuyển đổi được mùa vụ mà còn đưa năng suất vượt hơn nhiều so với các giống lúa cũ.

Ngay sau kết quả đầy khích lệ này, ngành nông nghiệp đã xin ý kiến lãnh đạo tỉnh làm thí điểm tại 3 HTX gồm Đông Phú (xã Diễn Phú huyện Diễn Châu), HTX Ba Tơ (huyện Hưng Nguyên) và HTX ở Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên), với diện tích mỗi điểm từ 20- 30 ha ở 3 tiểu vùng khí hậu khác nhau, đồng thời phân công 3 kỹ sư trực tiêp chỉ đạo ở 3 xã. KS Đào Nghĩa Nhuận chỉ đạo tại Diễn Châu, KS Doãn Trí Tuệ tại Hưng Nguyên và KS Trần Minh Doãn ở Cẩm Xuyên. Vụ mùa năm 1981, cả 3 mô hình đều đạt năng suất trên 50 tạ/ha, thời gian sinh trưởng 105 ngày, đảm bảo lúa gặt được trước 1/9, hoàn toàn né tránh bão lụt. Đặc biệt, giống lúa 75-10 chịu được gió Lào thời kỳ trổ bông, gạo chất lượng tốt.

Tin vui nhanh chóng lan rộng, các địa phương trong toàn tỉnh ùn ùn kéo nhau về tham quan học tập. Nhiều ý kiến cho rằng, cứ với cách làm ấy thì nông dân xứ Nghệ chẳng mấy chốc no ấm. Từ kết quả của vụ sản xuất năm 1981, Ty Nông nghiệp đã tổ chức tổng kết rút bài học kinh nghiệm, xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh, chính thức lấy tên gọi là vụ lúa hè thu thay cho mùa sớm, giống cho vụ này yêu cầu thời gian sinh trưởng xấp xỉ 100 ngày, gieo mạ tháng 5, kết thúc cấy trước 10/6, thu hoạch xong trước 15/9.

Mở ra thời kỳ mới

Nói về những ngày tháng gian lao vượt khó này, PGS-TS Tạ Minh Sơn khẳng định: Vụ hè thu ra đời cùng các loại giống lúa tiến bộ đã đóng góp thành công cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên quê hương Nghệ An-Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời đã góp phần to lớn giúp thay đổi tập tục canh tác, thay đổi mùa vụ, khai thác tối đa năng suất trên một đơn vị đất đai.

Kể từ khi chuyển đổi mùa vụ, tiếp nhận giống lúa mới có năng suất cao, đời sống nông dân Nghệ Tĩnh bắt đầu khá lên trông thấy. Cũng từ đây, các địa phương trong tỉnh đã sử dụng giống lúa 75-10 làm giống chủ lực cho cả hai vụ. Để có được vụ hè thâm canh toàn diện, năm 1985-1986, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh bấy giờ đã ra nghị quyết khẳng định quyết tâm chuyển dịch vụ mùa thành vụ sản xuất hè thu ăn chắc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo huyện Diễn Châu làm mô hình điểm. Người trực tiếp đảm nhận trọng trách này là ông Cao Minh Châu, Chủ nhiệm HTX Đông Phú (Diễn Phú, Diễn Châu).

Ông Châu cho biết, khi chưa chuyển đổi được mùa vụ, chưa tiếp nhận giống lúa mới, nông dân làm lụng quanh năm, mỗi sào chỉ cho thu hoạch được từ 20-25kg thóc, mức sống của người nông dân bình quân chỉ đạt 25kg lương thực các loại/năm. Nhưng khi thực hiện cuộc cánh mạng chuyển đổi từ vụ mùa thành vụ chính hè thu, đồng thời đưa bộ giống ngắn ngày, có năng suất cao vào gieo cấy mà mỗi sào tăng từ 20-25kg, lên mức 250kg/sào.

Sau thành công của cây lúa, các huyện trung du, miền núi của Nghệ Tĩnh đã chuyển đổi thành công lúa mùa trỉa vãi sang đậu xanh hè thu, lạc hè thu, ngô hè thu… khẳng định vụ hè thu là vụ sản xuất chính, toàn diện cả lúa màu, cây công nghiệp. Tên vụ "hè thu" chính thức đi vào trang sử của ngành nông nghiệp Việt Nam, trở thành vụ sản xuất chính của bà con xứ Nghệ.


Có thể bạn quan tâm

giong-lua-moi-xt28-va-x33 Giống Lúa Mới XT28 Và… don-suc-chong-han-cho-lua Dồn Sức Chống Hạn Cho…