Đa Dạng Đối Tượng Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Thái Bình
Ngày đăng 16/05/2012
Sau 2 tháng xuống giống nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ vụ xuân hè năm 2012, hầu hết tôm cá nuôi tại ao, đầm của Thái Thụy (Thái Bình) đều sinh trưởng và phát triển tốt. Sau những vụ “độc canh” con tôm sú gặp rủi ro, “thất bát” vì dịch bệnh, năm nay nông dân bước đầu chuyển hướng đầu tư, đa dạng hoá đối tượng nuôi thả, chú trọng khâu cải tạo ao đầm, kỹ thuật chăm sóc… quyết tâm giành vụ NTTS thắng lợi cả về sản lượng và giá trị thu nhập.
Một ngày đầu tháng 5, cũng cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện chúng tôi đến thăm mô hình NTTS của anh Phạm Văn Thụy (thôn Tân Bồi, xã Thái Ðô). Trong khi người dân Thái Ðô vẫn lấy con tôm sú là đối tượng nuôi thả chính, thì nhiều năm nay anh Thụy lại lựa chọn hướng đi riêng cho mình là đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. 10h trưa, trời nắng gắt như đổ lửa xuống đầm, người nông dân này vẫn cần mẫn với những công việc thường nhật của mình: đào đất đắp bờ, bơm nước, kiểm tra độ mặn, theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của tôm cá.
Vừa làm vừa trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết: “Bao năm nay tôi quá thấm thía sự “được - mất” từ nuôi quảng canh con tôm sú nên quyết định chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp. Tôm thẻ chân trắng có ưu điểm: thời gian nuôi ngắn từ 65 đến 70 ngày cho thu hoạch, ít rủi ro nhưng cái khó là nguồn vốn đầu tư lớn, người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật, thực hiện tốt việc cải tạo ao đầm và phòng tránh dịch bệnh. Gia đình tôi có 1 mẫu đầm, những năm trước nuôi 2 vụ, hầu hết đều được mùa, lãi khoảng 50% tổng vốn đầu tư. Năm nay, hai vợ chồng quyết định đấu thầu 2 ha, đầu tư 400 triệu đồng cải tạo ao, đăng ký là mô hình thực hiện đề tài: “Ứng dụng KHKT nuôi tôm thẻ chân trắng 3 vụ/năm” với Sở Khoa học - Công nghệ. Hiện tại, tôm nuôi vụ 1 đã thả giống ở ao ương 5 ngày, khoảng 20 ngày nữa sẽ đưa xuống ao nuôi, 3.600 m2 ao thả cá rô phi cũng sinh trưởng và phát triển tốt, nếu mọi việc” xuôi chèo mát mái” không chỉ mở ra một hướng đi mới trong nghề nuôi tôm mà gia đình cũng có nguồn thu nhập khá từ ao đầm”.
Không chỉ riêng anh Thụy, năm nay nhiều hộ NTTS ở Thái Thụy bên cạnh việc lựa chọn con tôm sú là đối tượng nuôi thả chính đã mở rộng hình thức nuôi tôm xen canh với cá rô phi lai xa, cua xanh hoặc nuôi chuyên canh các loại cá vược, cá song, cá bớp và rong câu… để tăng thu nhập, giảm bớt rủi ro. Trong số 1.484,6 ha ao, đầm NTTS nước lợ toàn huyện đã xuống giống có 1.181,1 ha nuôi 92,5 triệu con tôm sú, 12,3 ha nuôi 11,7 triệu con tôm thẻ chân trắng, còn lại 291,2 ha nuôi cá và các đối tượng khác. Ðiển hình như xã Thụy Xuân 76,98 ha NTTS chỉ có 30 ha nuôi tôm sú, 6,8 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 40,18 ha nuôi cá và các đối tượng khác; xã Thụy Trường có 29,3 ha/267 ha, xã Thụy Liên có 46,7 ha/60,7 ha, xã Thái Thượng có 42 ha/296 ha chuyển sang nuôi cá và các đối tượng khác.
Theo kỹ sư NTTS Phạm Văn Tân (cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện): năm 2011, NTTS của Thái Thụy giành thắng lợi toàn diện về diện tích, sản lượng và giá trị thu nhập. Khoảng 90% diện tích tôm nuôi được mùa, trong đó, tôm sú thu 100 triệu đồng/ha, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cua thu từ 150 đến 200 triệu đồng/ha. Sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Chính yếu tố này đã tạo niềm tin, tâm lý phấn khởi cho nông dân bước vào vụ sản xuất năm 2012. Vì vậy, bà con tích cực đầu tư tiền, công sức cải tạo ao đầm: tháo cạn nước, vét bùn bảo đảm độ sâu, cày bừa phơi khô mặt đáy, dùng vôi bột rắc đều xung quanh bờ, đáy ao, tu sửa bờ sau đó lấy nước vào ao nuôi, diệt tạp khuẩn, gây màu nước… theo đúng quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn.
Bên cạnh đó, chấp hành nghiêm lịch thời vụ, mua giống ở những cơ sở có uy tín đã qua kiểm dịch, thả với mật độ thưa: tôm sú nuôi quảng canh cải tiến 5 đến 7 con/m2, tôm thẻ chân trắng nuôi công nghiệp 80 đến 100 con/m2. Quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, người nuôi chỉ sử dụng 10% lượng thức ăn công nghiệp, còn lại tận dụng nguồn don, cá tươi, cám gạo, cám ngô để giảm bớt chi phí. Một điều đáng mừng nữa là: nếu như những năm 2008 đến 2010 sau vụ tôm sú mất mùa, hàng chục ha đầm NTTS của Thái Thụy bị bỏ hoang do người dân không còn vốn đầu tư hoặc chuyển sang làm việc khác thì năm nay 100% diện tích được cải tạo, thả giống.
Hiện tại, một số diện tích thả tôm xuống giống trước tiết Thanh minh nay đạt trọng lượng 40 đến 50 con/kg, dự kiến đầu tháng 6 cho thu hoạch. Tuy nhiên, từ nay đến cuối vụ, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao, các chiến dịch phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân có thể gây ô nhiễm nguồn nước… sẽ là những yếu tố khiến tôm gặp dịch bệnh, có thể chết hàng loạt. Vì vậy, để giảm bớt rủi ro cho nông dân, huyện đã tăng cường các biện pháp chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống cơ sở hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật quản lý môi trường nước nuôi, chăm sóc tôm, cá nuôi, các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho các chủ ao đầm. Sau vụ tôm sú, khuyến cáo bà con tiếp tục cải tạo ao đầm nuôi gối vụ 2 gồm các đối tượng như: cua, cá vược, cá rô phi, rau câu… để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Năm 2012, Thái Thụy phấn đấu sản lượng NTTS nước lợ đạt 3.739 tấn, tăng 190 tấn so với năm 2011.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao hồ