Tin nông nghiệp Đà Nẵng tăng tốc làm nông nghiệp hữu cơ

Đà Nẵng tăng tốc làm nông nghiệp hữu cơ

Tác giả Đoàn Hồng - Kim Oanh, ngày đăng 21/02/2017

Mục tiêu mà TP.Đà Nẵng đang hướng đến là phát triển nền nông nghiệp (NN) hữu cơ theo hướng NN đô thị, sinh thái nhằm tạo ra nông sản sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế mà thời gia qua, Đà Nẵng đã tập trung triển khai một số mô hình sản xuất hữu cơ và bước đầu đã đạt được kết quả khá tích cực.

Trong ảnh: Đà Nẵng đã xây dựng được các mô hình sản xuất rau hữu cơ, rau VietGAP bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đ.H

Đầu ra tốt, thu nhập cao

Ông Đặng Văn Quang - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) cho biết, sản xuất lúa hữu cơ bắt đầu thí điểm tại xã từ năm 2013 do Hội ND thành phố phối hợp Tập đoàn Quế Lâm triển khai, với 5ha, khoảng 80 hộ tham gia. Đến nay, diện tích lúa hữu cơ đã tăng lên 30ha, với 220 hộ tham gia.

“Năng suất bình quân của lúa hữu cơ đạt 58 tạ/ha, tuy không cao so với sản xuất lúa thường nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. “Đặc biệt sản xuất lúa theo hướng hữu cơ  chỉ bón phân vi sinh, không có hàm lượng thuốc hóa học nên ăn hạt gạo sạch, thơm ngon. Gia đình sản xuất thường để lại một ít để ăn, thấy hạt gạo ăn rất thơm, mềm, ngon”. Nông dân Nguyễn Đính 

Còn ông Huỳnh Ngọc Hoan – Chủ tịch Hội ND quận Ngũ Hành Sơn cho hay, năm nay thực hiện theo chủ trương “thành phố 4 an”, địa phương bắt đầu triển khai sản xuất lúa hữu cơ. Vụ đông xuân 2016 - 2017 này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.Đà Nẵng phối hợp  Phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn, UBND phường Hòa Quý và HTX nông nghiệp I Hòa Quý thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Theo đó, mô hình được triển khai trên diện tích 25ha, giống lúa sử dụng là giống HT1 nguyên chủng, với sự tham gia của 120 hộ tại 4 thôn là An Lưu, Khái Tây 1,2 và Mân Quang.

“Phân bón dùng cho mô hình gồm bánh dầu, phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm và phân chuồng ô mục. ND tham gia mô hình này sẽ được hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư phân bón và hỗ trợ máy sạ hàng để gieo sạ…” - ông Hoan cho biết. Ông Nguyễn Đính - Trưởng thôn An Trạch (xã Hoà Tiến) cũng là ND tham gia sản xuất với diện tích 10 sào lúa hữu cơ, cho hay, tham gia mô hình này ND được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trong quá trình gieo sạ cũng như trong suốt quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật sẽ theo dõi, trực tiếp hướng dẫn ND tham gia mô hình. Vì thế, bà con  rất yên tâm và tích cực tham gia mô hình này.

Ông Đặng Văn Quang - Chủ tịch Hội ND xã Hoà Tiến chia sẻ thêm, qua mấy vụ sản xuất tại Hòa Tiến cho thấy, nếu sản suất lúa thường, theo giá thị trường nông dân bán được bình quân 6.000 đồng/kg, thì lúa hữu cơ có giá cao hơn là 7.500 – 8.000 đồng/kg. Do vậy, sau khi trừ chi phí các khâu làm đất, cỏ, thu hoạch…, ND lãi chênh lệch bình quân từ 500.000 - 600.000 đồng/sào so với làm lúa thường. Các hộ tham gia làm lúa hữu cơ đều rất phấn khởi.

Ông Quang cho biết thêm, sản xuất lúa hữu cơ còn giúp môi trường sạch do không tồn dư thuốc hóa học, gạo sạch, giống sản xuất theo quy trình ngắn ngày nên đảm bảo được lượng nước tưới...

Nhiều triển vọng mới

Theo Sở NNPTNT  TP.Đà Nẵng, để thực hiện định hướng phát triển NN sinh thái, NN đô thị phục vụ du lịch theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và mục tiêu tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững..., thời gian tới vấn đề tập trung phát triển NN hữu cơ trên địa bàn thành phố sẽ được được quan tâm.

Hiện nay, TP.Đà Nẵng đã tập trung triển khai một số mô hình sản xuất hữu cơ và bước đầu đã đạt được kết quả khá tích cực. Riêng đối với sản xuất lúa hữu cơ, thành phố đã triển khai và từng bước hình thành các vùng trồng lúa giống hữu cơ tại thôn An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang); thôn Trà Kiểm (Hòa Phước, Hòa Vang) với diện tích 25ha và xã Hòa Phong (20ha); phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (25ha)... Sản xuất theo hướng hữu cơ đạt năng suất và hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng tập trung xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ, sản xuất VietGAP tại các vùng trồng rau an toàn đã đầu tư hạ tầng đồng bộ theo hướng gắn với chuỗi cung cấp rau củ quả an toàn. Hiện trên địa bàn thành phố có diện tích các vùng sản xuất rau tập trung là 79,1ha, trong đó diện tích sản xuất rau nằm trong vùng quy hoạch là 42,27 ha.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng đã phát triển các mô hình chăn nuôi lợn, gà đồi, gà thả vườn theo hướng nông nghiệp hữu cơ tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Ninh...  của huyện Hòa Vang. 


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-tre-tien-phong-trong-rau-an-toan Nông dân trẻ tiên phong… anh-nong-dan-tre-voi-mo-hinh-2c Anh nông dân trẻ với…