Tin nông nghiệp Đắk Nông: Nuôi dê bách thảo cho thu nhập ổn định

Đắk Nông: Nuôi dê bách thảo cho thu nhập ổn định

Tác giả Phạm Thị Như Nguyệt, ngày đăng 18/03/2017

Với ý định phát triển kinh tế gia đình nhưng lại thiếu vốn và đất sản xuất nên anh Triệu Thanh Nghị ở thôn 7 xã Đắk ND’Rung, huyện Đắk Song đã chọn cho mình nghề chăn nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình.

Trong ảnh: Mô hình nuôi dê nhà anh Triệu Thanh Nghị

Anh Nghị cho biết: Năm 2014 tôi bắt đầu thực hiện ý tưởng để chăn nuôi dê bách thảo với số vốn 14 triệu đồng. Mới đầu do vốn ít tôi chỉ mua được 3 con dê cái và một con dê đực về làm giống. Tuy nhiên loại dê này dễ nuôi và nhanh sinh sản lại chủ động được thời gian chăn thả nên việc chăn nuôi, phát triển không khó. Đối với dê bách thảo, trung bình 1 con cái đẻ một năm 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con, nuôi khoảng 5 - 6 tháng đạt trọng lượng từ 25 – 35 kg là bán thương phẩm được. Trong quá trình nuôi anh Nghị chọn lọc những con cái đủ tiêu chuẩn để lại nhân đàn còn lại là xuất bán dê thịt. Đến nay sau gần 3 năm nuôi đàn dê nhà anh đã có 21 con dê cái và 6 con dê đực giống.

Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi dê, anh Nghị nói: “Muốn nuôi dê hiệu quả cần chú ý đến khâu chọn con giống, cách phối giống. Chọn con đực khỏe mạnh, hăng hái, không khuyết tật, đầu to, ngắn, trán rộng, thân hình cân đối, không quá béo hoặc quá gầy. Phần thân sau chắc chắn, bắp nở đều, 4 chân thẳng, khỏe. Hai hòn cà đều và cân đối. Chọn dê cái là những con có ngoại hình đẹp, mình nở rộng, ngực sâu, thân hình cân đối khỏe mạnh, da mềm, lông bóng. Bầu vú nở rộng, cân đối, núm vú dài và đưa về phía trước, có nhiều mạch máu nổi trên bầu vú. Nếu dê bố mẹ xuất sắc, dê mẹ cho nhiều sữa, mắn đẻ, dê con tăng trọng nhanh, khả năng chống bệnh tốt.  Nhưng quan trọng hơn cả là tránh cho dê giao phối cận huyết để bảo đảm năng suất, chất lượng con giống. Ngoài ra khâu vệ sinh cũng rất quan trọng, chuồng nuôi phải cách mặt đất khoảng1m, thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo được nhiệt độ phù hợp mỗi mùa. Thường xuyên dọn vệ sinh chuồng, không để phân đọng lại trên nền chuồng, trong chuồng phải có máng ăn, máng uống nước sạch sẽ để bổ sung thêm thức ăn cho dê. Định kỳ tẩy uế chuồng trại, dê sẽ phát triển tốt, ít rủi ro dịch bệnh”.

Trong chăn nuôi dê thường khó nhất là lúc chuyển mùa, thời tiết thay đổi, hoặc vào chu kỳ sinh sản dê thường mắc bệnh hô hấp rất khó phát hiện, vì thế thời gian này cần tiêm chủng các loại thuốc phòng dịch bệnh định kỳ như bệnh về hô hấp, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh ký sinh trùng...

Anh Nghị cho biết thêm gia đình anh nuôi dê bách thảo theo hình thức chăn thả, dê ăn được nhiều cỏ, lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp như các loại rau củ, bầu bí, cây lá vông, thân cây đậu xanh, đậu nành và nhiều cây trồng khác như chuối, mít, dâm bụt, so đũa,… Dê có tập tính hiền lành, ít phá hoa màu, tối về chuồng cho ăn thêm cỏ, lá cây. Cần đảm bảo thức ăn khô ráo và có thể cho dê ăn kèm với một ít muối hạt để tăng sức đề kháng cũng như hạn chế các dịch bệnh xuất hiện. Dê Bách Thảo có khả năng chịu đựng kham khổ và chống đỡ bệnh tật tốt, dễ nuôi, ít ốm đau, ít mắc những bệnh hiểm nghèo, thích ứng với điều kiện khí hậu tại Đắk Song.

 Nắm được quy luật phát triển cũng như các dịch bệnh thường gặp trong quá trình chăn nuôi dê, anh Nghị đã chịu khó học hỏi và áp dụng vào mô hình nuôi dê của mình một cách phù hợp nên mô hình nuôi dê nhà anh Nghị phát triển rất thuận lợi. Theo tính toán của anh Nghị mỗi năm gia đình anh có thể xuất bán ra thị trường khoảng 50 con dê thịt, mỗi con nặng trung bình 30kg. Số lượng dê đều được các nhà hàng trong và ngoài địa bàn tiêu thụ hết với giá bán 120.000 đồng/kg đã mang về cho gia đình anh khoảng 180 triệu đồng chưa trừ chi phí. Không chỉ bán dê thịt gia đình  anh còn bán giống (con mới lớn thì 3 triệu đồng/con, con có bầu rồi thì 4 - 5 triệu đồng/con tùy theo con lớn hay nhỏ).

Anh Nghị cũng cho biết thêm dê bách thảo là giống vật nuôi chỉ cần đầu tư khoảng 30 triệu, chủ yếu là tiền giống ban đầu, còn nguồn thức ăn có thể chủ động tự mình trồng hoặc chăn thả các đồi núi thấp, nơi có nhiều cây xanh, tận dụng công lao động lúc nông nhàn. Như vậy, sau một thời gian ngắn phát triển nuôi dê, giờ anh Nghị đã tìm thấy niềm vui khi đã có thu nhập ổn định mỗi năm hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra phân dê còn được anh Nghị tận dụng ủ làm phân bón phục vụ trồng trọt và bán cho các hộ lân cận góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Do biết cách chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, cùng sự chăm sóc chu đáo của gia đình anh Nghị nên đàn dê không ngừng sinh sản, phát triển và đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Nhận thấy chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn, anh Nghị đang có ý định vay thêm vốn nhân đàn mở rộng chăn nuôi.

Với ưu điểm mô hình nuôi dê tốn ít vốn, dễ mua giống, dễ bán thịt, mô hình này đáng để các hộ nghèo không có đất hoặc ít đất sản xuất trên địa bàn tỉnh học tập làm theo. Bà con có nhu cầu tham quan học tập xin liên hệ anh Triệu Thanh Nghị, thôn 7 xã Đắk ND’ Rung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Điện thoại số 0967 358817 để được chia sẻ kinh nghiệm.

Trạm Khuyến nông huyện Đắk Song, Đắk Nông


Có thể bạn quan tâm

bat-benh-buoi-phuc-trach “Bắt bệnh” bưởi Phúc Trạch dong-thap-hieu-qua-ap-dung-mo-hinh-giam-gia-thanh-san-xuat-lua Đồng Tháp: Hiệu quả áp…