Mô hình kinh tế Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản ngay từ những công đoạn nuôi

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản ngay từ những công đoạn nuôi

Ngày đăng 25/05/2015

Đòi hỏi cả doanh nghiệp lẫn người nuôi tôm chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang bằng chất lượng.

Là một trong những vùng cung cấp nguồn tôm nguyên liệu lớn trong khu vực ĐBSCL, việc bảo đảm chất lượng tôm thương phẩm ngay từ những công đoạn nuôi chính là biện pháp tỉnh Sóc Trăng đang chú trọng.

Truy xét về nguyên nhân dẫn đến tồn dư lượng hóa chất trong tôm thương phẩm, thì việc dịch bệnh xảy ra nhanh và mạnh trong thời gian qua đã tác động rất lớn đến người nuôi. Trình độ một số người dân còn hạn chế, chưa nắm chắc kỹ thuật, chủ yếu học hỏi nhau và làm theo kinh nghiệm, cộng thêm trên thị trường có quá nhiều hóa chất, thuốc bổ dưỡng, chất xử lý và cải tạo môi trường, sự quá tải của các thương hiệu, chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ làm cho người nuôi rối trí, sử dụng quá nhiều loại hóa chất một cách không cần thiết, làm môi trường và làm cho giá thành sản phẩm nuôi quá cao.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp lớn có cán bộ kỹ thuật quản lý thì mức độ thiệt hại ít hơn các hộ nuôi theo kinh nghiệm. Bà Phan Bạch Vân - Trưởng phòng NTTS – Chi cục NTTS tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Do tâm lý nôn nóng thả nuôi nhiều bà con muốn dùng thuốc trị bệnh hoặc ngừa bệnh trên tôm và sử dụng không đúng cách nên gây tác hại lớn cho chất lượng tôm thương phẩm và môi trường ao nuôi.”

Do đó hiện nay, trong nuôi thủy sản muốn đạt hiệu quả tốt đòi hỏi bà con phải nuôi đúng kỹ thuật. Nhất là trong nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, do môi trường nuôi ngày càng xuống cấp, dịch bệnh xuất hiện nhiều, do đó người nuôi phải quản lý tốt môi trường nuôi, kết hợp áp dụng công nghệ vi sinh đúng phương pháp mới đạt được hiệu quả kinh tế.

Thực hiện nuôi tôm theo xu hướng bền vững, trong kỹ thuật nuôi bắt buộc phải hạn chế sử dụng hóa chất, không sử dụng thuốc kháng sinh. Sử dụng chế phẩm sinh học được xem là lựa chọn thay thế tốt nhất để các tác nhân kháng khuẩn hoạt động như các chất tăng trưởng miễn dịch tự nhiên, kích thích sự kháng bệnh trong tôm. Một số chế phẩm sinh học phát huy tác dụng có lợi của nó bằng cách xây dựng các phân tử kháng khuẩn như bacteriocins trực tiếp ức chế vi khuẩn hoặc vi rút có hại khác.

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, trong lúc chuẩn bị ao nuôi, chỉ sử dụng hóa chất khi thật sự cần thiết như diệt tạp bằng chất Saponin (có trong bã trà hay rễ cây thuốc cá), tăng pH và kiềm bằng CaCO3 hoặc bằng Dolomit CaMg(CO3)2, gây màu nước bằng phân sinh học… Trong quá trình nuôi sử dụng chế phẩm từ sinh học để khử trùng cung cấp vi sinh sẽ giúp môi trường ổn định, tôm khỏe và hạn chế được mầm bệnh phát sinh.

Với quy mô trên 53 ha và kinh nghiệm nuôi lâu năm, các thành viên HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu đã áp dụng thành công việc ứng dụng các biện pháp tự nhiên, các chế phẩm sinh học để nuôi tôm và nhiều năm qua, tỉ lệ thành công của 17 thành viên trong HTX đều trên 80%. Theo bà con, trong quá trình cải tạo ao và gây màu nước, chỉ sử dụng các hóa chất cần thiết để diệt tạp, tạo độ pH, kiềm và gây màu nước.

Đặc biệt nước được đưa vào các ao toàn bộ lấy từ các hệ thống ao lắng có nuôi cá rô phi. Bà con cho biết, nước đã qua “màng lọc sinh học” là cá rô phi thường có màu rất đẹp, sạch không có mầm bệnh, có lợi rất nhiều trong khâu xử lý về sau. Anh Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Hòa Nghĩa cho biết: “HTX làm theo mô hình này mấy năm nay, chất lượng tôm của HTX xuất ra là đảm bảo, bán được gía; Ngoài ra trong quá trình nuôi phải thường xuyên đo các chỉ tiêu môi trường, ổn định độ kiềm bằng mật đường tạt vào ban đêm và đường cát vào buổi trưa.”

Trong quá trình nuôi, bà con cũng thường xuyên kiểm tra môi trường nước, khi ao nuôi xuất hiện khí độc nitrit (NO2 > 1mg/l) hoặc tảo quá nhiều, thì kịp thời xử lý ngay tránh tình trạng tảo chết gây stress môi trường. Việc cung cấp thường xuyên nguồn vi sinh có lợi sẽ giúp hạn chế được điều này, và dần cải tạo lại môi trường ao nuôi. Việc ổn dịnh độ pH, độ kiềm, có thể làm bằng nhiều cách chứ không nhất thiết phải sử dụng hóa chất, mà hiệu quả đạt rất cao.

Quy trình nuôi theo phương pháp vi sinh phải cần nhiều biện pháp kỹ thuật, bởi sự phát triển của hệ vi sinh có lợi trong ao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường, đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt, với mô hình nuôi nông hộ nhiều bà con còn gặp khó khi áp dụng. Nhưng bà con có thể từng bước thay thế việc sử dụng hóa chất trong một số công đoạn bằng các chế phẩm sinh học và tuyệt đối không nên sử dụng hóa chất kháng sinh bị cấm sử dụng. Việc sử dụng vi sinh trong nuôi tôm phải đúng cách đúng loại, đòi hỏi người nuôi phải có sự nghiên cứu tìm tòi.

Như vậy, muốn nâng cao chất lượng thủy sản ngay từ những công đoạn nuôi, rất cần bà con có sự đầu tư tốt hơn về kỹ thuật và việc thay thế sử dụng hóa chất kháng sinh cấm bằng các chế phẩm sinh học là bắt buộc. Kích thích và bổ sung nguồn vi sinh vật có lợi trong ao, không những hạn chế lượng hóa chất kháng sinh tồn dư trong môi trường và trong tôm thương phẩm, mà còn giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận .


Có thể bạn quan tâm

binh-dinh-co-hon-16-ha-dien-tich-tom-nuoi-bi-dich-benh Bình Định có hơn 16… nghien-cuu-khoa-hoc-trong-thuy-san-van-chua-toan-dien Nghiên cứu khoa học trong…