Tin thủy sản Đảm bảo ổn định nguồn giống cá bớp

Đảm bảo ổn định nguồn giống cá bớp

Tác giả Phương Ngọc, ngày đăng 09/10/2019

Cá bớp đang là đối tượng được ưu tiên chọn nuôi tại nhiều địa phương ven biển nước ta. Việc sản xuất nhân tạo thành công giống cá này đã đảm bảo cho nghề nuôi này phát triển. Tuy nhiên, rất cần sự ổn định nguồn con giống chất lượng cao để nghề nuôi cá bớp phát triển.

Cá bớp được nuôi khá phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển

Phù hợp nhiều địa phương

Cá bớp thường sống vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và vùng nước ấm của biển ôn đới. Trong tự nhiên, chúng sống ở vùng nước mặn hoặc vùng nước lợ ven biển, rạn san hô cho đến vùng biển khơi. Ở Việt Nam, loài cá này được nuôi khá phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi lồng trên biển.

Loài cá này có thể nuôi cả ở vùng vịnh kín gió hoặc vùng biển có sóng lớn tùy vào điều kiện bãi nuôi. Hiện, 2 loại lồng được sử dụng phổ biến trong nuôi cá bớp là lồng gỗ thường được dùng nuôi cá ở vùng vịnh kín gió và lồng nhựa chịu lực HDPE hình tròn có thể nuôi được ở những vùng biển hở có sóng gió lớn. Cỡ mắt lưới dùng cho lồng nuôi cá thương phẩm tăng dần theo tăng trưởng của cá. Diện tích lồng bè lớn, với lồng nhựa chịu lực thường có thể tích khoảng 300 m3 trở lên. Lồng gỗ quây sắt thường có thể tích 30 - 180 m3.

Vì có tốc độ sinh trưởng khá nhanh, dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt thấp, ít rủi ro, thị trường ưa chuộng, giá bán cao… nên hiện nhiều địa phương đang đầu tư nuôi giống cá này. Tại Khánh Hòa, mô hình nuôi cá bớp tại các địa phương như Ninh Hòa, Vạn Ninh và Cam Ranh đã giúp người dân nơi đây ăn nên làm ra. Nuôi cá bớp mang lại nguồn lợi nhuận cao giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống sung túc hơn.

Hay mấy năm gần đây, ngư dân ở các huyện đảo như Phú Quốc, Kiên Lương và Kiên Hải (Kiên Giang) cũng khấm khá lên nhờ nghề nuôi cá bớp. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Kiên Giang đã có gần 3.000 lồng bè nuôi cá các loại trên biển, thu hoạch đạt sản lượng trên 1.400 tấn, chủ yếu thả nuôi các loại cá mú, cá bớp. Mô hình nuôi cá bớp trong lồng bè trên biển được người dân chọn nuôi nhiều nhất so với các loại khác như cá bống mú, bống cọp, bống sao và chim trắng…

Gỡ khó về con giống

Cá bớp có tốc độ sinh trưởng nhanh, từ con giống cỡ 20 - 25 g/con sau một năm nuôi có thể đạt 4 - 5 kg/con; đây là đối tượng có rất nhiều triển vọng đối với nghề nuôi biển ở nước ta. Tuy nhiên, có những lúc người nuôi gặp không ít khó khăn vì con giống ngày một khan hiếm do nguồn cung từ tự nhiên cạn kiệt dần. Giá cá giống đắt đỏ nhưng người nuôi không dễ tìm mua.

Để có con giống, nhiều hộ đã phải đăng ký với các cơ sở cung cấp cá giống trước một thời gian dài và sẵn sàng chi “mạnh tay” để nhanh chóng có cá giống chất lượng. Tuy nhiên, nhu cầu con giống tăng đột biến vô hình chung khiến chất lượng cá giống trở nên “phập phù”. Cùng với sự phát triển của nghề nuôi cá thương phẩm, thời gian gần đây các cơ sở ương nuôi cá bớp giống cũng phát triển mạnh theo kiểu tự phát; nhiều cơ sở không thực hiện việc đăng kýkinh doanhnên khó quản lý chất lượng.

Theo đó, để phát triển nghề nuôi cá bớp quy mô công nghiệp với công nghệ cao, hiệu suất lớn cần phải đẩy mạnh sản xuất giống nhân tạo để đáp ứng nhu cầu về nguồn giống. Việc đăng ký cơ sở sản xuất giống, tiến hành kiểm dịch cá giống trước khi xuất bán cũng cần được các ngành chức năng và người ương nuôi thực hiện chặt chẽ.

Từ năm 1997 - 1999, Viện Nghiên cứu Hải sản đã thực hiện sinh sản cá bớp thành công, sản xuất được cá bớp giống và biên soạn dự thảo quy trình sản xuất vào năm 2000 (Ðề tài nghiên cứu cấp Nhà nước). Từ năm 2001 đến nay, được sự tài trợ của Hợp phần SUMA và Dự án NORAD, Viện Nghiên cứu NTTS I tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình tại các địa điểm Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An và đã thu được nhiều kết quả. Hiện nay, quy trình sản xuất giống cá bớp đã ổn định và được đơn giản hóa để áp dụng rộng rãi.

Hay Trại thực nghiệm giống Ba Hòn thuộc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Kiên Giang cũng đã cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi thành công trong ao đất giống cá bớp, một giống cá mà từ trước đến nay chỉ thấy sinh sản trong điều kiện tự nhiên trên biển. Qua theo dõi, sau 2 tháng từ sinh sản được nuôi dưỡng trong môi trường mới, cá lớn khá nhanh đạt độ dài 15 - 20 cm, không thua gì cá sinh sản trong điều kiện tự nhiên. Việc sản xuất nhân tạo và ương nuôi thành công giống cá bớp là một bước tiến giúp người nuôi có nguồn cá giống tốt, giảm chi phí đầu vào, từ đó giúp ngành sản xuất cá bớp có nhiều cơ hội bứt phá.

Cá bớp có tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt cỡ 4 - 6 kg sau một năm nuôi. Hiện nay, giá của loài cá này trên thị trường khá cao, dao động 150.000 - 200.000 đồng/kg.


Có thể bạn quan tâm

ung-dung-che-pham-sinh-hoc-vao-nuoi-tom-tham-canh Ứng dụng chế phẩm sinh… hot-hoang-vi-cau-duoc-ca-dau-su-tu-duoi-rong Hốt hoảng vì câu được…