Mô hình kinh tế Đầm Hà (Quảng Ninh) làm giàu từ phát huy thế mạnh thuỷ sản

Đầm Hà (Quảng Ninh) làm giàu từ phát huy thế mạnh thuỷ sản

Ngày đăng 21/07/2015

Mục sở thị những khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về quy mô đầu tư của người dân. Trước đây, dù là lĩnh vực có nhiều lợi thế, nhưng người dân Đầm Hà thường chỉ đầu tư các mô hình nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ, manh mún, do vậy hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, trong hơn 4 năm trở lại đây, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của huyện Đầm Hà đã phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Cụ thể, tính đến hết năm 2014, diện tích nuôi trồng toàn huyện đạt 622,2ha, tăng 1,0%/năm; sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 2.954 tấn, tăng bình quân 9%/năm. Ngành thuỷ sản cũng đã tạo ra việc làm thường xuyên cho trên 1.400 lao động và một phần lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là khu vực ven biển.

Một trong những mô hình giúp nhiều hộ gia đình ở Đầm Hà “ăn nên, làm ra” là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện, đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt khoảng 300ha. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các xã Tân Bình (112ha), Đại Bình (21,6ha), Tân Lập (31,1ha) và Đầm Hà (114,3ha). Mô hình này cho năng suất đạt 6 - 8 tấn/ha/vụ, mức chi phí đầu tư khoảng 900 triệu đồng/ha, bình quân mỗi năm hộ gia đình có thể lãi khoảng 400 triệu đồng/ha.

Ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng, nông dân Đầm Hà còn đang áp dụng một số mô hình nuôi trồng thuỷ sản khác để mang lại nguồn thu nhập như: Mô hình nuôi cá nước ngọt (cá rô phi đơn tính, cá rô đầu vuông), năng suất đạt từ 8 - 10 tấn/ha, chi phí đầu tư 100 triệu đồng/ha, lãi bình quân 40 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi nhuyễn thể ngoài bãi chương (ngao, nghêu) năng suất đạt 6 - 8 tấn/ha, chi phí đầu tư 100 triệu đồng/ha, lãi bình quân 40 triệu đồng/ha/năm; hay như mô hình nuôi cá lồng bè (cá song, cá vược, cá hồng, cá giò) tại huyện đang cho năng suất đạt 300kg/ô lồng, chi phí đầu tư 20 triệu đồng/ô lồng, lãi bình quân 80 triệu đồng/ô lồng đối với cá song, 35 - 40 triệu đồng/ô lồng đối với cá hồng, cá vược, cá giò…

Không dừng lại ở việc phát triển mô hình nuôi trồng thuỷ sản quy mô hộ gia đình, Đầm Hà đang tiến đến là địa bàn cung ứng giống thuỷ sản cho khách hàng khu vực miền Đông của tỉnh. Hiện Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh đặt tại xã Tân Bình đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục công trình. Trung tâm này có tổng diện tích 126ha, được đầu tư đồng bộ và hiện đại, chia ra làm 3 khu (trong đó, 2 khu đã đi vào sản xuất, 1 khu đang trong quá trình cải tạo). Ước tính, mỗi năm Trung tâm cung ứng trên 10 triệu con giống và đáp ứng một lượng lớn tôm thương phẩm ra thị trường.

Mặc dù đã có những kết quả tốt trong phát triển thuỷ sản giai đoạn 2010 - 2014, nhưng theo đánh giá của huyện Đầm Hà, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương. Trên cơ sở đó, trong định hướng phát triển thuỷ sản giai đoạn 2015 - 2020, huyện sẽ tập trung xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển tổng thể ngành thuỷ sản định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ hậu cần cho các khu nuôi trồng; đưa khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất; xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân phát triển các mô hình nuôi trồng thuỷ sản…

Trong hơn 4 năm trở lại đây, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của huyện Đầm Hà đã phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Cụ thể, tính đến hết năm 2014, diện tích nuôi trồng toàn huyện đạt 622,2ha, tăng 1,0%/năm; sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 2.954 tấn, tăng bình quân 9%/năm.


Có thể bạn quan tâm

kim-ngach-xuat-khau-thuy-san-dat-440-trieu-usd Kim ngạch xuất khẩu thuỷ… nuoi-trong-thuy-san-vi-sao-chua-the-thuc-hien-dai-tra-vietgap Nuôi trồng thủy sản vì…