Mô hình kinh tế Đào Tạo Nghề Ven Đô Gắn Với Sản Xuất Nông Nghiệp

Đào Tạo Nghề Ven Đô Gắn Với Sản Xuất Nông Nghiệp

Ngày đăng 03/04/2012

Quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM, đang đặt ra vấn đề cấp bách là phải đào tạo nghề gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp, giúp người dân ven đô có sinh kế bền vững.

Đô thị hoá tác động mạnh tới nông dân

Theo một nghiên cứu của Bộ môn Nhân học (Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội), quá trình đô thị hoá tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng, dẫn tới các vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đô thị hoá làm giảm diện tích đất nông nghiệp ở các vùng ven đô, mất dần các làng nghề truyền thống, nảy sinh các vấn đề về chênh lệch chất lượng sống giữa người dân ở nội thị và ngoại thị...

Theo dự kiến, giai đoạn 2010-2020, trong phạm vi vành đai gần, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội sẽ giảm tới 30%. “Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đã tác động mạnh đến không gian sống và phương thức sống của người nông dân. Cuộc sống phụ thuộc vào thị trường do phải mua lương thực, thực phẩm cần thiết hàng ngày trong khi vấn đề đào tạo việc làm không hiệu quả, chủ yếu là đào tạo việc làm đơn giản, khó xin việc nên ít người tham gia" - ông Nguyễn Văn Sửu, tác giả của nghiên cứu trên cho biết.

Ở TP.HCM cũng xảy ra tình trạng tương tự, bà Quỳnh Trân (Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển) thông tin: Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 12,2 -12,5%, giải quyết việc làm cho 250.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5,6%... vào năm 2015.

Tuy nhiên, một trong số những vấn đề mà TP.HCM phải đối mặt là chuyển đổi việc làm cho những người sống ở vùng đô thị hoá. Sự biến đổi về cơ cấu nghề nghiệp là một vấn đề cần được chú trọng, vì nó ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận dân cư lớn, thậm chí còn có ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực khác. Trong đó, nhiều thành phần dân cư phải chuyển đổi việc làm như nông dân, tiểu thương, người làm dịch vụ nông nghiệp...

Dạy nghề gắn với sản xuất nông nghiệp

Ông Denis Sautier đến từ Viện Nghiên cứu CIRAD (Pháp) cho rằng, chính quyền cần thừa nhận vai trò tích cực của nông nghiệp ven đô trong việc giải quyết việc làm, cung cấp thực phẩm và các dịch vụ phục vụ cho toàn đô thị.

Theo nghiên cứu của TS Vũ Quốc Bình (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế, xã hội Hà Nội) và cộng sự, Hà Nội hiện có 19 khu công nghiệp, tỷ lệ lao động ở các khu đã qua đào tạo mới đạt 45%, trong đó lao động qua đào tạo nghề chỉ đạt 23%.

“Lao động vùng ven đô phải đối mặt với đồng lương eo hẹp và kỷ luật nghiêm nên thường xuyên nhảy việc. Để giải quyết việc làm cho lao động ven đô thị bị mất đất, cần có phương án đào tạo nghề gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” - TS Vũ Quốc Bình đề xuất.

Đồng tình với TS Bình, ông Lê Bá Ngọc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển làng nghề Việt Nam cũng cho rằng: Muốn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vùng ven đô thị, ngoài việc hỗ trợ phát triển làng nghề, cần tính đến phương án sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá để đảm bảo sinh kế bền vững.

Theo PGS-TS Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ LĐTBXH), Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định 1956) có cả nội dung đào tạo nghề cho lao động vùng ven đô thị. Sau 2 năm triển khai đề án này, các mô hình đào tạo được áp dụng tại nhiều làng nghề ven đô khác trên cả nước đã thu được những kết quả khá khả quan, giúp thu nhập của những người dân tăng lên. Điểm khác biệt cốt lõi của đề án là chú trọng tuyên truyền ý thức và kiến thức cho bà con để có thể bắt kịp với nhịp độ đô thị hoá quá nhanh như hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

kinh-nghiem-don-dien-doi-thua-cua-ha-noi Kinh Nghiệm Dồn Điền, Đổi… nguoi-phu-nu-chinh-phuc-dat-kho Người Phụ Nữ Chinh Phục…