Đau đầu với phân bón giả làm từ… gạch, đất, đá
Sáng nay (13.6), tại TP.Cần Thơ, Cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương), Chi cục QLTT các tỉnh, thành Tây Nam Bộ phối hợp với Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí có buổi tọa đàm xoay quanh lĩnh vực thị trường phân bón.
Theo Chi cục QLTT TP.Cần Thơ, tình trạng sản xuất, mua bán phân bón giả đã làm “rối loạn” thị trường phân bón, thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người dân và gây bức xúc dư luận của xã hội. Hình thức phổ biến làm giả phân bón là sử dụng gạch nghiền để làm phân kali, đất làm NPK, đá nghiền làm DAP,…
“Họ dùng gạch, đất, đá nghiền để pha trộn thành phân bón, sau đó đóng bao bì của các nhà sản xuất có thương hiệu để lừa người dân” – Ông Lê Trung Giang – Đại diện Chi cục QLTT TP.Cần Thơ nói.
5 tháng vừa qua, ngành chức năng TP.Cần Thơ kiểm tra 9 trường hợp về phân bón giả, kém chất lượng, qua đó phát hiện 9 trường hợp vi phạm; TP.HCM kiểm tra 23 vụ, phát hiện 18 trường hợp vi phạm; An Giang kiểm tra 22 trường hợp, trong đó phát hiện 8 trường hợp vi phạm…
Còn theo Chi cục QLTT TP. HCM thì thủ đoạn làm giả phân bón hiện nay rất tinh vi, khó có thể phân biệt bằng mắt thường. Cụ thể là có nhiều trường hợp giả mã vạch trên bao bì. Mới đây, đầu tháng 4 vừa qua, ngành chức năng TP.HCM đã phát hiện một doanh nghiệp ở phường 2, quận Tân Bình có dấu hiệu giả mã vạch của hơn 6.600 đơn vị sản phẩm.
Theo nhiều đại biểu, sau khi đóng bao bì, phân bón giả được tuồn về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo đó, nhân viên tiếp thị sẽ đi chào hàng, lôi kéo các đại lý thuốc bảo vệ thực vật, các cửa hàng mua bán nhỏ lẻ bằng “khoản hoa hồng khủng”.
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục QLTT nhận định: “Không ít tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp các quy định của pháp luật, bất chấp đạo đức để sản xuất, kinh doanh phân bón giả, qua đó đã trực tiếp gây thiệt hại cho người dân. Trung bình mỗi năm lực lượng QLTT kiểm tra xử lý 3.000 vụ vi phạm, thu giữ 1.000 tấn phân bón các loại”.
Ông Lam cũng cho rằng, cơ chế thực thi pháp luật đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả vẫn còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng phân bón giả tràn lan là do các cơ quan chức năng một số địa phương vẫn chưa có sự hợp tác đồng bộ, nhận thức của cộng đồng trong việc đấu tranh chống hàng giả vẫn chưa cao.
“Ngành chức năng các địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó cần quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật” – ông Lam nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ