Mô hình kinh tế Đầu tư máy cuốn rơm phục vụ sản xuất

Đầu tư máy cuốn rơm phục vụ sản xuất

Ngày đăng 05/09/2015

Đầu năm 2015, bằng nguồn kinh phí chương trình khuyến nông địa phương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) Bình Định đã xây dựng mô hình “Ứng dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp”. Mô hình hỗ trợ 1 máy cuốn rơm nhãn hiệu MRB0850B cho HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1, huyện Tuy Phước, với mức 50% giá trị máy, HTX đối ứng 50% giá trị còn lại.

Trung tâm KNKN cũng hỗ trợ HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1 xây dựng phương án tổ chức kinh doanh dịch vụ máy cuốn rơm phục vụ sản xuất tại địa phương; theo đó, HTX trực tiếp thành lập và quản lý hoạt động của tổ dịch vụ máy cuốn rơm.

Với diện tích đất trồng lúa của HTX là 560ha sản xuất 2 vụ/năm, tổ dịch vụ sẽ tiến hành mua gom rơm của hộ xã viên trong HTX với giá bình quân 50.000 đồng/sào (500m2), rơm cuộn được cung ứng lại với giá bình quân 25.600 - 30.000 đồng/cuộn (12kg). Ngoài ra, tổ còn làm dịch vụ cuốn rơm cho nông dân có nhu cầu với giá 8.000 đồng/cuộn; với mức lợi nhuận dự kiến từ 20 - 25%, sau 1,5 - 2 năm, HTX sẽ thu hoàn vốn đầu tư.

Trước mắt, trong vụ thu 2015, HTX sẽ đưa máy vào phục vụ thu gom rơm trên diện tích 50ha liên kết sản xuất giống của HTX, với số lượng 10.000 cuộn rơm. Tùy nhu cầu sử dụng, sản phẩm cuộn rơm có thể sử dụng trồng nấm rơm, chăn nuôi bò, dùng tủ gốc trong canh tác rau màu. Bước đầu HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1 đã hợp đồng cung ứng rơm cuộn với Công ty CP Bò sữa Nhơn Tân với số lượng không hạn chế.

Để đánh giá sự vận hành của máy MRB0850B, mới đây, Trung tâm KNKN Bình Định, Trạm Khuyến nông Tuy Phước đã tổ chức Hội thảo trình diễn chuyển giao máy cuốn rơm tại HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1.

Các ý kiến thảo luận đánh giá cao hiệu quả hoạt động của máy; với công suất hoạt động trung bình 80 - 100 cuộn rơm/giờ, trọng lượng 1 cuộn rơm từ 10 - 15kg (trung bình 12kg/cuộn), mỗi ca máy (8 giờ) có thể cuốn được từ 3,5 - 4ha. Máy có thể cuốn được rơm khô và rơm ướt, nên hoạt động tốt trong cả 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu tại Bình Định.

Được biết, trong năm 2015, bằng nguồn kinh phí của Hợp phần năng lượng tái tạo - Dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi: Giảm tác động biến đổi khí hậu dựa trên cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững” (Dự án SRI-Ausaid) do Tổ chức SNV phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định thực hiện, Trung tâm KNKN Bình Định cũng đầu tư hỗ trợ 1 máy cuốn rơm cho HTX Nông nghiệp Hoài Mỹ - Hoài Nhơn để phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, tại HTX Nông nghiệp Phước Hưng - Tuy Phước (đơn vị đầu tiên được Dự án SNV và Trung tâm KNKN hỗ trợ đưa máy cuốn rơm vào phục vụ sản xuất trong năm 2014), mới đây xã viên HTX đã mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm 1 máy cuốn rơm để tổ chức kinh doanh dịch vụ tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập.

Hy vọng trong thời gian tới, việc đưa máy cuốn rơm vào phục vụ sản xuất sẽ giải quyết có hiệu quả thu gom rơm sau thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần đẩy mạnh công tác cơ giới hóa trong sản xuất; đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng rơm cuộn làm thức ăn chăn nuôi trâu - bò, phát triển nghề trồng nấm rơm bằng rơm cuộn theo hướng công nghệ cao, từ đó thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Bình Định theo hướng ứng dụng công nghệ cao.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-mo-hinh-nuoi-ca-chim-vay-vang-thuong-pham-o-quang-binh Hiệu quả mô hình nuôi… nuoi-bo-vo-beo-huong-di-moi-cho-nong-dan-thai-nguyen Nuôi bò vỗ béo hướng…