Mô hình kinh tế Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ngày đăng 18/05/2015

Qua hai năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đã có nhiều kết quả. Cụ thể, đã phê duyệt 5 quy hoạch trên phạm vi cả nước, 17 quy hoạch vùng phục vụ tái cơ cấu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó, đối với quy hoạch cả nước, đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp cả nước năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản, quy hoạch phát triển các ngành hàng lúa gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, mía đường, rau quả, ngô.

Với quy hoạch vùng, hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc-Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong điều kiện biến đổi khí hậu; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng một số vùng.

Trên lĩnh vực trồng trọt, cùng với việc xây dựng chiến lược phát triển, ngành đã tổ chức rà soát cơ cấu các loài cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường. Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống là yếu tố quan trọng trong tái cơ cấu trồng trọt. Đến nay, đã chuyển đổi hơn 260 nghìn ha đất trồng lúa không có lợi thế, hiệu quả sản xuất thấp, bấp bênh sang trồng các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn. Ổn định diện tích trồng cây cao su; đẩy mạnh tái canh diện tích cà phê già cỗi ở vùng Tây Nguyên, thâm canh điều ở Đông Nam bộ.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, công tác đổi mới và tổ chức lại sản xuất đang được ngành tiếp tục quan tâm, tuyên truyền; công tác phòng chống dịch bệnh sớm được kiểm soát. Thực tiễn năm 2014, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng, giá cả ở mức khá cao. Đồng thời, xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến; hiện có 176 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, năm 2014, ngành đạt sự tăng trưởng khá nhanh và toàn diện; độ che phủ rừng đạt 41,5%. Giá trị sản xuất tăng 7,1%, đã có bước chuyển biến mới theo hướng phát triển rừng trồng cây gỗ lớn. Trên lĩnh vực thủy sản, đã rà soát và xây dựng 9 quy hoạch thủy sản, triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương; đang rà soát quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.

Trên lĩnh vực thủy lợi, ngành nông nghiệp đã tập trung đầu tư nhiều công trình thủy lợi, phục vụ nuôi trồng thủy sản ở vùng ĐBSCL, triển khai nghiên cứu và xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý thủy nông, các mô hình canh tác tiên tiến: lúa – tôm, lúa – cây ăn trái tại các tỉnh ĐBSCL, mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chương trình an toàn hồ chứa, chương trình đê sông, đê biển, kiểm tra chất lượng và hiệu quả các công trình đầu tư trong Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… được tiếp tục triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ NN&PTNT, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, công tác triển khai Đề án chưa đồng bộ; nhiều địa phương, đơn vị triển khai chậm, còn lúng túng. Vẫn còn 27 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt Đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn. Kết quả trên thực tiễn thể hiện chưa nhiều, tác động đến tăng trưởng ngành và thu nhập của nông dân còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, phát triển các mô hình chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất lúa gạo, các lĩnh vực sản xuất khác chưa nhiều. Đồng thời, tái cơ cấu đầu tư công mới được thực hiện đối với nguồn vốn do Bộ NN&PTNT quản lý; nguồn vốn chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nên một số lĩnh vực chưa được thực hiện. Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI) và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu còn hạn chế.

Nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong tái cơ cấu nông nghiệp. Tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện đề án tái cơ cấu các lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nghề muối.

Hiện, ngành đã xây dựng và phê duyệt ban hành Đề án tái cơ cấu lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến. Trên cơ sở đó, các địa phương tiến hành rà soát xác định lựa chọn những cây trồng vật nuôi có lợi thế, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn. Đối với các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc theo điều kiện cụ thể để lựa chọn phát triển cây, con hàng hóa thay cho tự cung tự cấp.

Bên cạnh đó, cần xem công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là then chốt để tạo đột phá trong tái cơ cấu; tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng bức thiết của ngành, kiên quyết chống giàn trải, kém hiệu quả. Thúc đẩy ứng dụng sâu rộng KHCN, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao, ưu tiên các nguồn lực cho các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh.

Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tài chính phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát huy cao hơn sự tham gia của các doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, tập trung tạo ra sự chuyển biến rõ nét trên diện rộng đối với các loại sản phẩm chính.

Mặt khác, cần tổng kết kinh nghiệm, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả trong thực tiễn như: mô hình hợp tác, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ, đội sản xuất hoặc trực tiếp với nông dân. Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân. Trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia.

Thêm vào đó, tiếp tục sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, quyết liệt chỉ đạo sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp, chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, trang trại, doanh nghiệp tư nhân.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản, sử dụng lao động hợp lý, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân; ưu tiên đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên của ngành như cán bộ quản lý thủy nông, thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, kiểm lâm, kiểm ngư,…

Ngoài ra, cần tích cực tham gia đàm phán các hiệp định tự do hóa thương mại theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, kể cả đã qua chế biến; có chính sách thích ứng hợp lý với những rào cản kỹ thuật thương mại, hỗ trợ lĩnh vực còn khó khăn; đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.


Có thể bạn quan tâm

nang-suat-dau-phung-cua-dien-ban-tang-5-ta-ha Năng suất đậu phụng của… ha-hoa-thuc-hien-nhieu-mo-hinh-lua-thuan-chat-luong-cao Hạ Hòa thực hiện nhiều…