Để Cá, Tôm Thành “Vàng” Ở Thái Bình
Để phát huy hết những lợi thế của các địa phương ở Thái Bình về nuôi trồng thủy sản, trước hết các hộ nuôi cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ cải tạo ao đầm, lịch thời vụ, con giống để sau mỗi vụ thu hoạch cá, tôm, ngao… cho thêm khoản thu lớn.
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang dần trở thành lĩnh vực mũi nhọn, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Bởi hiện nay diện tích lúa không tăng, đồng thời năng suất cơ bản đã kịch trần, do đó việc phát triển mạnh NTTS là điều tất yếu khi tiềm năng ở lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Năm 2012, diện tích NTTS tăng 936 ha, sản lượng tăng 27,77%, giá trị đạt 648 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 15,14% so với năm 2011. Tuy nhiên, để phát huy hết những lợi thế của các địa phương về NTTS, trước hết các hộ nuôi cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ cải tạo ao đầm, lịch thời vụ, con giống để sau mỗi vụ thu hoạch cá, tôm, ngao…cho thêm khoản thu lớn.
Hiện nay, việc NTTS chủ yếu là phát triển nhỏ lẻ, phân tán đồng thời còn nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng cũng như môi trường nuôi. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục NTTS cho biết: Nhiều công trình thủy lợi phục vụ NTTS đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc không đồng bộ nên một số hộ dân không mặn mà đầu tư sản xuất, dẫn đến kết quả sản xuất không cao, như vùng NTTS tập trung ở An Thanh (Quỳnh Phụ), Bách Thuận (Vũ Thư) không có hệ thống cấp, thoát nước. Thực tế nữa là việc NTTS phần lớn nguồn nước phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất trồng trọt, nhất là các vùng nội đồng.
Mặt khác, chất lượng nước NTTS có nguy cơ ngày một ô nhiễm nặng từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, làng nghề và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó người nuôi còn xem nhẹ công tác cải tạo ao, đầm trước khi thả giống. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu cá giống truyền thống cỡ lớn (3 - 10 con/kg) cho người nuôi thả, do đó các hộ dân phải mua của các hộ sản xuất nhỏ lẻ để thả. Tại các hộ sản xuất giống cỡ lớn này về cơ bản là chưa đáp ứng đủ các điều kiện về vệ sinh thú y thủy sản, dẫn đến sau khi mua về thả cá mắc bệnh, yếu, chết.
Điển hình như năm 2012 đã xảy ra ở Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) của một hộ nuôi cá lồng, sau 2 tuần nuôi cá có biểu hiện gầy yếu và chết, nguyên nhân do mua phải cá giống nhiễm ký sinh trùng (rận cá). Bên cạnh đó, hầu hết diện tích NTTS tập trung của tỉnh không có hệ thống ao chứa, lắng xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi, hoặc sau khi xả thải ra môi trường. Hệ thống ao nuôi thủy sản nước lợ tập trung có diện tích nhỏ, độ sâu thấp, nền cát dễ thẩm lậu nên mực nước trong ao không ổn định, môi trường thường xuyên biến động, gây sốc làm cho vật nuôi dễ phát sinh dịch bệnh.
Mặc dù NTTS còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng lớn tới giá trị, năng suất, nhưng hiệu quả kinh tế của thủy sản đem lại rất lớn, nên các hộ nuôi vẫn lãi cao. Năm 2012, NTTS nước ngọt năng suất bình quân đạt 4,08 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 35.117 tấn, tính theo giá trị thực tế đạt 968.091 triệu đồng; lợi nhuận đạt 84 triệu đồng/ha; nuôi ngao bãi triều bình quân đạt 24,95 tấn/ha, lợi nhuận đạt hàng trăm triệu đồng/ha… Tuy nhiên, nếu các hộ NTTS áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thì giá trị đem lại còn cao hơn, đồng thời tránh được những rủi ro không đáng có như dịch bệnh, năng suất, chất lượng vật nuôi thấp…
Hiện nay, đang là đầu vụ nuôi thả thủy sản nước ngọt, lợ, mặn; vì vậy các hộ NTTS cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, đầm, lựa chọn giống có chất lượng. Trước hết, các địa phương vận động nhân dân đầu tư nhân, vật lực để vệ sinh, nạo vét hệ thống kênh mương trục chính, cống cấp, tiêu nước vùng nuôi. Nâng cấp hệ thống bờ vùng, ao, đầm, nạo vét bùn đáy, bảo đảm độ sâu của ao đạt trung bình từ 1,2 đến 1,5 m. Các hộ NTTS cần dồn ghép những ao có diện tích nhỏ lại để có diện tích lớn trên 0,2 ha, từng bước quy hoạch vùng nuôi chuyên canh theo từng đối tượng nuôi cụ thể để thuận tiện quản lý, chăm sóc.
Cải tạo ao nuôi nước ngọt có hai hình thức khô và ướt. Nếu làm ướt cần tháo nước tối đa, sau đó dồn bùn hữu cơ vào một góc, bằng biện pháp thủ công hoặc dùng máy hút bùn ra khỏi khu vực nuôi. Sau đó dùng vôi sống hoặc vôi bột từ 15 -20 kg/100m2 rải đều khắp bờ, đáy ao, dùng cào đảo vôi với bùn rồi ngâm ao từ 7-10 ngày để diệt khuẩn…Đối với diện tích nuôi ngao bãi triều, tùy theo điều kiện nền đáy bãi nuôi để tính toán lịch con nước thủy triều, người nuôi tiến hành vệ sinh, cải tạo mặt bãi, cắm vây lưới. Những bãi nuôi có tỷ lệ bùn hoặc phù sa cao, nền đáy chưa ổn định cần phun cát bổ sung đến mức hợp lý (tỷ lệ cát 80, bùn 20) rồi san bằng trước khi thả giống…
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết: Qua kiểm tra và báo cáo của các địa phương, hầu hết các vùng nuôi thủy sản nước lợ tập trung đã chủ động điều hành nước, nạo vét kênh tưới, tiêu, tu sửa bờ vùng, ao đầm, nạo vét bùn đáy ao, bảo đảm theo yêu cầu kỹ thuật. Song, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương, hộ nuôi chưa chú trọng cải tạo ao, đầm trước khi thả giống, nhất là vùng đầm nằm ngoài đê quốc gia.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh NTTS nước mặn là 2.385 ha, nước lợ 3.427 ha, nước ngọt 8.614 ha; thời vụ thả giống thủy sản nước mặn tập trung trong tháng 4 và tháng 9; thủy sản nước lợ thả tập trung từ 15/4 đến 30/4; nước ngọt thả trước hoặc sau tiết Thanh minh. Hiện nay, diện tích nước lợ mới thả được 121,8 triệu con tôm sú trên diện tích 1.884,7 ha; nước ngọt thả 111,6 triệu con giống với diện tích 6.380,6 ha… Nhìn chung, tiến độ cải tạo diện tích NTTS và thả giống ở các địa phương diễn ra khá chậm. Để NTTS tiếp tục giành thắng lợi, các địa phương cần vận động, đôn đốc các hộ nuôi đẩy nhanh tiến độ để kịp thời vụ, bảo đảm sau thả vật nuôi sinh trưởng tốt.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ