Mô hình kinh tế Để có những vụ tôm nuôi mới thắng lợi

Để có những vụ tôm nuôi mới thắng lợi

Ngày đăng 06/05/2015

Trước tiên, hãy xem xét các điều kiện hạ tầng phục vụ có đảm bảo cho việc nuôi tôm, nhất là khi muốn nuôi tôm công nghiệp, như nguồn nước, đường điện, giao thông thủy bộ đi lại, đồng vốn, kiến thức quản lý, kỹ thuật và khả năng nắm bắt thông tin về thị trường vật tư, tình hình dịch bệnh… liệu có thể chủ động được không?

Tiếp theo là vấn đề kiến thiết đồng ruộng, sênh vét lại ao đầm, đặc biệt là để phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp được thành công như bà con mong muốn, liệu có đảm bảo? Đây là những công việc đòi hỏi có đồng vốn và rất cần sự quy hoạch ổn định, cần sự chỉ đạo nhất quán và chính sách đầu tư hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Và quan trọng hơn nữa là cần sự đồng thuận hưởng ứng thực hiện nghiêm chỉnh của nông dân về quy hoạch, vì nó vừa là một vấn đề bức xúc, mang tính khoa học, nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất một cách bền vững lâu dài, vừa hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế hộ tổng hợp theo hướng sản xuất đa canh, đa cây con.

Cần chú ý các vấn đề kỹ thuật trực tiếp trong mỗi vụ nuôi, như chọn mùa vụ, chọn thời điểm thả giống sao cho né được bệnh mà lại bán được giá khi thu hoạch, vì được lợi hay chịu thiệt hại đôi khi chỉ cách nhau đôi ba tuần nên càng phải thận trọng.

Phải nghiêm chỉnh tuân thủ nuôi theo hệ thống quản lý chất lượng nào đó như VietGap, nuôi sinh thái, công nghệ vi sinh… để bán được cho khách hàng, thị trường có yêu cầu. Điều quan trọng hơn là trong tình hình kênh rạch cạn kiệt do phù sa bồi lắng, thiếu nguồn nước tốt, thì dù nuôi hình thức nào cũng phải thiết kế ao đầm phù hợp mà hai yếu tố không thể thiếu là ao hay khu lắng phục vụ xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm hay cấp bù khi cần và khu xử lý nước, bùn, chất thải sênh vét sau mỗi vụ nuôi, hay khi vụ nuôi gặp sự cố.

Vấn đề chọn con giống tốt, thức ăn đạt chuẩn - chất lượng, cách cho ăn đúng kỹ thuật và việc theo dõi chăm sóc, đối phó các vấn đề thay đổi môi trường ao nuôi phải được tuân thủ quy trình chặt chẽ, đặc biệt là nuôi vụ nào ra vụ nấy, không nên thả giống nối vụ. Phải thận trọng trong sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc phòng trị bệnh tôm, sao cho đảm bảo được thời gian cách ly và không dùng kháng sinh bị cấm.

Những mô hình nuôi tôm nương theo sinh thái nhờ cắt vụ, luân canh hay chuyển vụ hoặc xen canh có chọn lọc đối tượng nuôi ghép và không dùng thuốc diệt cá tạp rất có hiệu quả. Cụ thể, các loại hình nuôi quảng canh thì thả giống mật độ vừa phải theo mùa vụ thuận, không thả nối và không dùng thuốc diệt cá tạp, mà chỉ dùng các công cụ truyền thống như lưới, lú… bắt tỉa, giữ mật số cá thể cua cá hợp lý để không ảnh hưởng đến tôm nuôi.

Còn nếu nuôi tôm công nghiệp, sau khi nuôi 1 - 2 vụ tôm thì ngừng nuôi, cho ao đầm nghỉ ngơi bằng cách giữ ngọt hóa một hai vụ hay vài tháng rồi xử lý cải tạo thật kỹ, hoặc thay đổi đối tượng nuôi, chuyển hệ sinh thái từ mặn - lợ với tôm sú sang hệ sinh thái ngọt hóa trong suốt một mùa mưa với cây con hệ sinh thái ngọt.

Hoặc giữ hệ sinh thái ngọt một thời gian nhất định 4 - 5 tháng trong mùa mưa để cắt giữa hai vụ nuôi liên tiếp và kết hợp nuôi các loại thủy sản có giá trị về mặt kinh tế, môi trường, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như cá phi, cá kèo, cá chình, cá chẻm, đặc biệt là sò huyết, cua biển… nhằm cắt nguồn lây truyền bệnh cho tôm, tạo điều kiện cho ao đầm phục hồi lại các yếu tố môi trường có lợi cho con tôm ở vụ tiếp theo.


Có thể bạn quan tâm

kien-giang-thuc-hien-nhieu-du-an-bao-ve-va-phat-trien-nguon-loi-thuy-san Kiên Giang thực hiện nhiều… tang-cuong-quan-trac-canh-bao-moi-truong-va-giam-sat-dich-benh-trong-nuoi-thuy-san Tăng cường quan trắc cảnh…