Tin thủy sản Để con tôm chiếm lĩnh thị trường

Để con tôm chiếm lĩnh thị trường

Tác giả Thanh Thúy, ngày đăng 20/06/2019

Các chuyên gia cho biết, năm nay một số cường quốc tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan đều tăng cung nên nguồn tôm thị trường thế giới khả năng cao hơn năm 2018 với tỉ lệ một con số. Trong lúc nhu cầu thị trường tăng tự nhiên 3 - 5%, cho nên nhu cầu tôm trên thế giới sẽ tăng nếu giá giảm.

Kết quả ương giống là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả nuôi tôm

Yêu cầu từ thực tiễn

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực dự báo, từ tháng 6/2019 mức cung tôm trên thị trường tăng mạnh; nhất là khi Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan vào vụ. Giá sẽ giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với giá hiện nay. Cụ thể loại tôm mỗi ký 40 con có thể còn 115.000 đồng/kg, tôm 70 con còn 85.000 đồng/kg. Giá này xảy ra lúc cao điểm thời vụ.

Hạn chế lớn nhất của người nuôi tôm nước ta theo ông Lực là vẫn còn thói quen tự tiện sử dụng các chế phẩm trong nuôi tôm, khó kiểm soát, đưa đến rủi ro cao. Chi phí nuôi tôm của Việt Nam cao hơn so với một số nước. Nguyên nhân do nhiều yếu tố như tôm giống, thức ăn qua nhiều khâu trung gian tăng 20 - 30% so giá gốc; tỷ lệ ao nuôi trúng chưa cao. Chưa có thống kê rõ ràng, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ ao nuôi đạt không quá một nửa. Việc kiểm tra các chất cấm, chất hạn chế dư lượng ở tất cả thị trường lớn đều ngày càng chặt chẽ từ tần suất kiểm tra, cách kiểm tra như tăng cường kiểm tra sản phẩm đang trên các quầy kệ trong siêu thị. Thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ vẫn là một rào cản tiềm ẩn về lâu dài.

Cho nên, theo ông Lực, giải pháp cho con tôm Việt Nam ổn định trên thị trường là tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận quốc tế và giá thành phải chăng nhằm tăng sức cạnh tranh, thâm nhập vào các hệ thống phân phối thủy sản cao cấp, nâng tầm tôm Việt trên thị trường thế giới. Đặc biệt, trước tình hình biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập, phải vận động người nuôi làm quen với nuôi tôm nước mặn. Coi nước mặn (nước biển) là nguồn dinh dưỡng khoáng cân bằng, cần thiết, phù hợp nhu cầu của tôm thẻ chân trắng.          

Các giải pháp hàng đầu trong thực tế là: Kiểm soát chặt chẽ các chế phẩm nuôi tôm. Nhân rộng những mô hình mới thành công nhằm giảm rủi ro. Tìm kiếm giải pháp tiết kiệm trong nuôi tôm như nuôi hai giai đoạn tiết kiệm điện, nước; cải tiến hệ thống quạt giảm hao phí điện; tính toán mức thức ăn phù hợp giảm tỷ lệ chuyển đổi và giảm ô nhiễm môi trường; thành lập các tổ hợp tác để có thể có đầu mối mua vật tư nuôi tôm số nhiều, giá rẻ hơn… Quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ, chỉ lưu thông trên thị trường tôm giống tốt sẽ góp phần to lớn cho vụ nuôi thành công.

Nâng cao hiệu quả nuôi

Xu thế lượng tôm toàn cầu, nghiên cứu của TS Nguyễn Duy Hòa 

Tiến sĩ Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc Kỹ thuật toàn cầu Ngành hàng Empyreal của Cargill Inc, cho rằng sử dụng hợp lý thức ăn và dinh dưỡng tăng cường sức khỏe tôm nuôi là vấn đề có tính quyết định nâng cao hiệu quả nuôi tôm hiện nay. Theo ông, giá thành tôm của Việt Nam tương đối cạnh tranh nhưng tỷ lệ nuôi thành công chỉ 40%, thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia khác do dịch bệnh, môi trường ô nhiễm. Trong đó, chi phí thuốc của Việt Nam gấp 5 - 10 lần so với các nước khác trong khu vực, làm tăng chi phí, đối diện với nguy cơ bị dư lượng kháng sinh, môi trường ô nhiễm, khó quản lý dịch bệnh.

Nghiên cứu của TS Hòa, nước ta đang nuôi tôm thâm canh hơn các quốc gia khác, nên càng cần chú ý về dinh dưỡng (hàm lượng dinh dưỡng phải cao hơn) và dinh dưỡng tăng cường sức khỏe tôm nuôi. Với hệ thống ương siêu thâm canh (3.000 - 5.000 PL/m2) cần dùng thức ăn tôm giống và tăng cường chất bổ dưỡng vitmina, axit amin lỏng, các chất tăng miễn dịch (nucleotides, peptides, inositol, cholinechloride...). Tôm thẻ hiện nay nuôi thâm canh đòi hỏi dinh dưỡng cao hơn (40% đạm).

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II có công trình nghiên cứu nâng cao tỷ lệ tôm sống và tăng năng suất trong nuôi quảng canh cải tiến. Chuyên gia của Viện xuống ao nuôi của 3 hộ dân ở ấp Kênh 6, xã Tân Bằng (Thới Bình, Cà Mau) tổ chức nghiên cứu trên diện tích 4,5 ha. Kết quả tỷ lệ tôm sống sau 15 ngày ương vèo được cải thiện đáng kể, từ 66,6% lên 81,6%. Sau khoảng 3 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ thu hoạch 30 - 40 con/kg, dùng lú đuôi chuột có mắt lưới lớn để thu hoạch tôm. Lú đặt trong mương vào ban đêm và kiểm tra vào sáng sớm hôm sau. Kết quả cho thấy, ao nuôi có áp dụng vèo lưới để ương tôm có sản lượng tôm thu hoạch cao hơn so với ao nuôi thả giống trực tiếp, không qua ương vèo và sản lượng năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể ở ao nuôi thử nghiệm, năm thứ nhất đạt sản lượng 299 kg/ha, năm thứ hai tăng lên gần gấp rưỡi là 425 kg/ha. Trong khi đó, sản lượng tôm ở ao nuôi đối chứng chỉ từ 57 - 147 kg/ha. Phó phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) Lê Văn Trúc cho biết, triển vọng áp dụng của kỹ thuật này rất cao, có thể ứng dụng cho nhiều vùng và nhiều loại hình nuôi quảng canh cải khác nhau. 


Có thể bạn quan tâm

tang-truy-xuat-nguon-goc-cho-thuy-san-xuat-khau Tăng truy xuất nguồn gốc… tim-kiem-co-hoi-hop-tac-tu-na-uy Tìm kiếm cơ hội hợp…