Mô hình kinh tế Để giảm tổn thương cho chăn nuôi Bình Thuận

Để giảm tổn thương cho chăn nuôi Bình Thuận

Ngày đăng 18/10/2015

Đó là nỗi lo cho nền kinh tế Việt Nam, được xem là tí hon phải đọ sức với 11 nền kinh tế khổng lồ còn lại trong số 12 nước tham gia hiệp định.

Sự lo ngại được các nhà phân tích kinh tế đề cập nhiều nhất là ngành chăn nuôi Việt Nam bị “tổn thương” ra sao, tìm cách vượt lên thế nào khi mà hàng hóa chất lượng cao, giá thành không quá đắt của nước ngoài ồ ạt nhập vào Việt Nam, sau khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ?

Nỗi lo này không phải không có cơ sở, bởi hiện nay tuy thuế xuất nhập khẩu vào Việt Nam còn cao nhưng nhiều thương nhân Việt đang phải lao đao với thịt bò Úc, thịt gà Mỹ (với giá 2 USD/gà), cũng như thật sự an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chưa kể lâu nay, nhiều người ở một số thành phố lớn bắt đầu quen với thịt bò nhập ngoại vì tuy không thơm hơn thịt bò nội nhưng rõ ràng là màu đẹp, ngọt thịt hơn.

Nhỏ và yếu

Bình Thuận không nằm ngoài nỗi quan ngại đó khi chúng ta chưa có một ngành chăn nuôi phát triển, đặc biệt là với đàn gia súc, gia cầm.

Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 164.315 con bò.

Nhiều nhất là Bắc Bình: 56.793 con; Hàm Thuận Bắc: 37.164 con; Hàm Thuận Nam: 20.489 con; Tuy Phong: 14.296 con; Hàm Tân: 13.780 con.

Về đàn heo, toàn tỉnh có 265.614 con, nhiều nhất là Đức Linh: 84.497 con; Hàm Tân: 72.861 con; Tánh Linh: 38.437 con; Hàm Thuận Bắc 20.765 con...

Đàn gia cầm khoảng gần 3 triệu con.

Theo Cục Thống kê, mặc dù Bình Thuận có tiềm năng về đất đai, lao động nhưng đàn gia súc, gia cầm chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, một phần do thiếu đồng cỏ, chất lượng con giống chưa tốt, dịch bệnh vẫn xảy ra trên đàn gia súc, thức ăn gia súc tăng cao… khiến một số người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để nhanh tăng trọng vật nuôi, rút ngắn thời gian nuôi… đã dấy lên nỗi lo ngại về an toàn thực phẩm trong người tiêu dùng, từ đó sức mua giảm lại, đàn gia súc khó bề phát triển mạnh.

Đàn gia cầm thì có điểm yếu là con giống, quy mô đàn nhỏ bởi hình thức nuôi mang tính gia đình, nhỏ lẻ, thiếu chuồng trại với quy trình nuôi khép kín, không bảo đảm an toàn vệ sinh phòng dịch, cũng như nâng cao năng suất, sản lượng, bảo đảm cung cấp cho thị trường số lượng lớn thịt gia súc, gia cầm chất lượng tốt.

Khó cạnh tranh

Đã vậy, trong một số năm qua, mặc dù tỉnh ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”, song do nhiều nguyên nhân, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 55 trang trại chăn nuôi, gồm: 46 trang trại heo thịt, 7 trang trại gà thịt, 1 trang trại bò thịt, 1 trang trại vịt thịt.

Xét về quy mô, huyện Bắc Bình có lượng bò lớn nhất cũng chỉ mới bằng một nửa lượng bò của trại bò của Hoàng Anh - Gia Lai, một kiểu trang trại Úc.

Về chất lượng bò giống, Úc, Newszealand, hai đối tác thương mại của Việt Nam trong TPP đều nuôi giống bò Droughmaster, chất lượng cao, chịu được khí hậu nóng bức, trọng lượng con trưởng thành từ 700 - 800kg, tỉ lệ thịt sau khi xẻ đạt 55%, tức khoảng 400kg thịt ròng/con, trong khi đó bò nội, trọng lượng con trưởng thành (béo nhât) chỉ khoảng 250kg, tỉ lệ thịt sau khi xẻ chỉ khoảng 45% (trên 110kg/con).

Đã vậy, một bên nuôi bò đàn bằng công nghệ tiên tiến, nguồn thức ăn phối trộn bảo đảm đủ dưỡng chất để bò phát triển nên hạ được giá thành sản phẩm và một bên nuôi bò bằng cỏ khô (tươi), phụ phẩm nông nghiệp, thỉnh thoảng tăng cường một số vi chất, thì không chỉ trọng lượng con thấp mà giá thành chăn nuôi buộc phải tăng cao.

Vì vậy rất khó để ngành chăn nuôi của Bình Thuận cạnh tranh được với ngành chăn nuôi của các nước đối tác khi hàng rào thuế quan về 0.

Những con đường vượt lên

Để có thể vượt lên, Bình Thuận cần nhanh chóng có chính sách phát triển chăn nuôi, hướng đến việc chiếm thứ hạng cao trong các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ về tổng đàn gia súc, gia cầm.

Tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi cũng cần tăng khá, thay vì chiếm 10,74% giá trị sản xuất nông nghiệp như hiện nay.

Cần quy hoạch vùng, xã trọng điểm chăn nuôi, tạo mọi điều kiện để hình thành trang trại chăn nuôi với quy trình nuôi khép kín.

Tiếp đến là giải quyết vấn đề con giống bởi theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, con giống quyết định từ 45 - 50% hiệu quả chăn nuôi.

Cần hình thành nguồn quỹ phát triển chăn nuôi của tỉnh để hỗ trợ chủ trang trại nhập giống mới, chất lượng cao từ nước ngoài về cũng như phối hợp với các trung tâm giống giải quyết vấn đề giống vật nuôi.

Triển khai ứng dụng sinh học trong chăn nuôi thông qua việc cho vật nuôi ăn thức ăn sinh học nhằm tăng trọng vật nuôi và giảm tiêu tốn lượng thức ăn thô.

Tiếp đến là giải quyết vấn đề môi trường nuôi thông qua việc áp dụng công nghệ nuôi, bảo đảm môi trường sinh thái khi xây chuồng trại, cũng như trang trại chăn nuôi cần phải xa khu dân cư.

Cuối cùng, chú trọng nuôi tập trung, giảm tối đa nuôi nhỏ lẻ, xây dựng đầu ra ổn định thông qua một số giải pháp về thị trường, về an toàn thực phẩm, về chất lượng đồng đều, về giá thành sản phẩm hết sức cạnh tranh, thêm vào đó là tăng cường quản lý nhà nước về chăn nuôi, chú ý đến khâu giết mổ.

Giết mổ cần tập trung thì mới có cơ hội kiểm tra, giám sát nguồn thịt thương phẩm.

Một khi áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, ngành chăn nuôi Bình Thuận mới có cơ hội vượt lên, không bị “chết” trước TPP.


Có thể bạn quan tâm

hoi-nong-dan-thi-xa-bim-son-to-chuc-trao-doi-kinh-nghiem-mo-hinh-chan-nuoi-ga-ta-lien-ket-5-nha Hội Nông dân thị xã… chu-dong-phong-dich-benh-gay-hai-tren-dan-gia-suc-gia-cam Chủ động phòng dịch bệnh…