Mô hình kinh tế Để mắc ca thành cây làm giàu

Để mắc ca thành cây làm giàu

Tác giả Đỗ Hương, ngày đăng 05/04/2022

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về nội dung này.

Việc ra đời Đề án phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển loại cây này tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Trần Quang Bảo: Ở Việt Nam, mắc ca là cây nhập nội từ năm 1990, thuộc nhóm cây lâm sản ngoài gỗ trong danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính. Đến nay, cả nước có 28 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích là 18.840 ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; diện tích cho thu hoạch là 6.853 ha, sản lượng năm 2021 ước đạt 8.514 tấn hạt tươi/năm.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca chủ yếu là trong nước và một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). 

Có thể nói, phát triển mắc ca ở nước ta trong thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực, tăng nhanh về diện tích và sản lượng. Tuy vậy, do tình trạng phát triển mắc ca tự phát ở một số nơi, trồng theo phong trào và không đúng quy trình kỹ thuật, trồng ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, sử dụng những giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trồng giống cây thực sinh, nên nhiều diện tích cây sinh trưởng kém, sản lượng quả thấp hoặc không có quả. 

Mặt khác, quá trình chế biến mắc ca còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng; thiếu sự đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mắc ca.

Vì vậy, Đề án phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển mắc ca bền vững trong thời gian tới, nhằm đưa mắc ca trở thành một trong những loài cây trồng quan trọng, đa mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là địa bàn vùng miền núi, vùng biên giới; đưa nước ta trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm mắc ca.

Mắc ca đã phát triển tại vùng Tây Nguyên được một thời gian. So với quy hoạch khoảng 45.000 ha như trong Đề án đã đưa ra thì thực tế việc trồng tại khu vực này hiện nay đang như thế nào, thưa ông? Cây trồng này kỳ vọng sẽ làm thay đổi sinh kế người dân ra sao?

Ông Trần Quang Bảo:  Tính đến tháng 5 năm 2021, diện tích mắc ca vùng Tây Nguyên là 9.870 ha, trong đó 1.690 ha trồng thuần và 8.180 ha trồng xen, chiếm 52,4% diện tích mắc ca hiện có trên pham vi toàn quốc. Diện tích mắc ca của Tây Nguyên chủ yếu trồng xen canh với các cây công nghiệp, cây nông nghiệp khác như cà phê, chè, hồ tiêu,…

Diện tích mắc ca đang cho thu hoạch là 5.228 ha (chiếm 53%), diện tích cho năng suất ổn định chiếm 215 ha.

Năng suất trung bình ở tuổi 10 trở lên đạt 4,0 tấn hạt tươi/ha đối với phương thức trồng thuần và 2,8 tấn hạt tươi/ha đối với phương thức trồng xen với cây trồng khác. Về sản lượng năm 2021, khu vực Tây Nguyên ước đạt 6.522 tấn.

So với định hướng phát triển vùng trồng đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên phát triển lên 45.000 ha, như vậy cần phải phát triển thêm 35.130 ha, trong đó 27.000 ha trồng xen (chủ yếu là trồng xen với các cây công nghiệp, cây nông nghiệp khác như cà phê, chè, hồ tiêu,…) và 8.130 ha trồng thuần hoàn toàn có thể phát triển được. 

Về hiệu quả kinh tế, đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên có khoảng 25.000 ha (diện tích trồng trước năm 2026) sẽ cho thu hoạch, trong đó diện tích trồng thuần khoảng 5.000 ha và diện tích trồng xen khoảng 20.000 ha; năng suất bình quân đạt 3 tấn hạt/ha đối với trồng thuần và 1,5 tấn hạt/ha đối với trồng xen. 

Giá mắc ca được dự báo đến năm 2030 sẽ ổn định theo giá thế giới khoảng 65.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 195 triệu đồng/ha/năm (đối với trồng thuần) và đạt khoảng 97 triệu đồng/ha/năm (đối với trồng xen). Tổng sản lượng ước đạt 45.000 tấn hạt. Với giá bán ổn định đối với sản phẩm thành phẩm theo thị trường quốc tế khoảng 200 triệu đồng/tấn hạt thì doanh thu tương đương với khoảng 4.000 tỷ đồng.

Với hiệu quả kinh tế như vậy, việc trồng mắc ca được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tập quán canh tác của người dân vùng Tây Nguyên.

Ông có thể cho biết, hiện Tổng cục Lâm nghiệp đang chuẩn bị các nội dung gì để thực hiện Đề án này?

Ông Trần Quang Bảo: Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.

Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, nhập nội, khảo nghiệm làm đa dạng bộ giống mắc ca theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi với các tiểu vùng sinh thái. Hiện, 13 dòng mắc ca đã được công nhận cho năng suất, chất lượng cao, chủ động được nguồn giống cho sản xuất; tiếp tục nghiên cứu chọn tạo 10 dòng đang được trồng thử nghiệm, khảo nghiệm để bổ sung nguồn giống cho sản xuất. 

Đến nay, đã công nhận 11 vườn cây đầu dòng, 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống mắc ca. Năng lực sản xuất năm 2021 được khoảng 1.790.000 cây ghép. Với số giống này nếu trồng thuần sẽ được 6.393 ha (mật độ 280 cây/ha) hoặc 14.917 ha nếu trồng xen (mật độ 120 cây/ha). 

Tiếp tục xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, tập trung cho vùng Tây Bắc, Tây Nguyên  để có đủ nguồn vật liệu sản xuất giống; hoàn thiện và làm chủ công nghệ nhân giống vô tính cây mắc ca ở quy mô công nghiệp; nâng cao năng lực hệ thống sản xuất giống nhằm cung cấp đủ giống đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ trồng mới, ghép cải tạo theo mục tiêu Đề án.

Bộ NN&PTNT đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế và bảo quản mắc ca; tiêu chuẩn giống cây trồng mắc ca. Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục xây dựng và chuyển giao quy trình trồng thuần, trồng xen mắc ca cho từng tiểu vùng; quy trình sản xuất mắc ca theo hướng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP,...), nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm mắc ca chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chúng tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đên mắc ca và cây trồng lâm nghiệp khác trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Vườn cây giống mắc ca phát triển tại tỉnh Điện Biên - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất mắc ca

Việc khuyến khích người dân và doanh nghiệp chung tay thực hiện Đề án được tiến hành ra sao, thưa ông?

Ông Trần Quang Bảo: Đến nay, người dân và doanh nghiệp đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất mắc ca theo chuỗi giữa các doanh nghiệp với người dân từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với nòng cốt là các doanh nghiệp, điển hình như: Công ty Cổ phần tập đoàn Liên Việt đã thành lập các công ty phát triển cây mắc ca, ký kết hợp đồng với các hộ nông dân từ cung cấp giống đảm bảo chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến tiêu thụ sản phẩm hạt cây mắc ca; cam kết đền bù thiệt hại bằng 12 lần giá trị cây giống nếu sau 5 năm trồng mà cây không có quả; bao tiêu sản phẩm đảm bảo giá mắc ca trong nước đạt ít nhất 85% giá mắc ca tại thị trường Australia trong 10 năm tới theo tiêu chuẩn hạt mắc ca thương mại.

Tại Tây Nguyên, một số công ty cũng liên kết theo hình thức như trên, thu mua cho nông dân với giá cao hơn từ 10 - 15% giá thị trường.

Tại Tây Bắc cũng đã có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi: Doanh nghiệp cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng; người dân góp đất, bỏ công trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế; doanh nghiệp sẽ mua lại theo giá thỏa thuận trên thị trường hoặc ăn chia theo tỉ lệ thỏa thuận.

Tuy nhiên, sự liên kết này vẫn chỉ ở mức hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân, mà chưa có sự can thiệp của các chính sách cụ thể của Nhà nước để đảm bảo cho người trồng mắc ca không bị ép giá dẫn đến thua lỗ.

Để khắc phục tình trạng trên, Nhà nước cần có các chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất mắc ca cả về chiều rộng và chiều sâu; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho hợp tác xã...

Việc chế biến và tiêu thụ luôn là bài toán nan giải nhất cho các cây trồng nếu đạt được sản lượng lớn. Câu chuyện này sẽ được tính toán như thế nào trong việc thực hiện Đề án phát triển cây mắc ca tại Việt Nam?

Ông Trần Quang Bảo: Tính đến tháng 5/2021, cả nước có 65 cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca, phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung chủ yếu tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk. Tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu là 7.315 tấn hạt. Về quy mô, các cơ sở chế biến cũng không đồng đều, công suất từ 10 tấn/năm đến trên 1.000 tấn/năm.

Về thiết bị và công nghệ, hiện máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến chủ yếu đơn giản như máy sấy hạ ẩm, sấy hạt, dập hạt... Tuy nhiên, bước đầu đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm sữa mắc ca.

Sản phẩm vẫn chủ yếu là hạt sấy khô. Tương lai của việc chế biến các sản phẩm tử mắc ca sẽ là một số loại sản phẩm pha chế như: sữa hạt mắc ca, bột dinh dưỡng mắc ca, cafe mắc ca, dầu ăn, dầu gội,…

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu mắc ca của Việt Nam đạt 136,8 triệu USD với khối lượng đạt gần 5.400 tấn và 25.500 tấn mắc ca nguyên vỏ. Tổng kim ngạch xuất khẩu  mắc ca của Việt Nam đạt 59,6 triệu USD với khối lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn mắc ca nguyên vỏ. Mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Thái Lan, Đức, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan, Hoa Kỳ…

Đề án khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại Tây Bắc và Tây Nguyên. Nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 - 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 - 200 tấn hạt/năm.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000– 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-trong-rau-mau-giup-tang-thu-nhap Mô hình trồng rau màu… thu-lai-cao-nho-nuoi-ca-lang-duoi-do-trong-dat Thu lãi cao nhờ nuôi…