Để Nghề Nuôi Chim Yến Phát Triển
Những năm gần đây, số lượng chim yến đến với Thanh Hóa ngày càng tăng, đã góp phần tạo ra một nghề mới - nghề nuôi chim yến lấy tổ của người dân ở những vùng ven biển của tỉnh.
Theo tổng hợp, khảo sát của Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ và dịch thuật Thanh Hóa, nghề nuôi chim yến bắt đầu du nhập vào tỉnh từ năm 2007, do một số lao động của tỉnh vào làm thuê cho các trang trại, công ty nuôi chim yến phía Nam đưa về.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có khoảng 30 hộ gia đình nuôi, dụ chim yến với diện tích gần 4.000 m2; chủ yếu tận dụng tầng 2, tầng 3 của nhà ở cải tạo làm nhà nuôi chim, tập trung ở huyện Quảng Xương và thị xã Sầm Sơn. Ngoài ra có một số hộ gia đình ở TP Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc đã và đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để dụ chim yến đến sinh sống.
Năm 2013, bình quân một hộ đã dụ được từ 500 đến 1.000 cặp chim đến sinh sống, làm tổ trong mùa hè; thu hoạch được từ 3 – 5 kg tổ yến, nhiều nhất như hộ ông Tuấn, ông Hòa ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương. Tính theo giá trị hiện hành, một lạng tổ yến nguyên chất có giá bán trung bình 3 triệu đồng thì đây thực sự là tín hiệu vui đối với nghề này.
Tuy nhiên, nghề nuôi, dụ chim yến ở Thanh Hóa cũng đã và đang gặp những khó khăn, thử thách, đó là: Chim yến là loài động vật sinh sống ở những vùng khí hậu nóng, nhiệt độ thích hợp dao động từ 28 – 30 độ C; vì vậy, vào mùa đông, chim yến của các hộ nuôi ở tỉnh thường bị chết hoặc di cư đi nơi khác.
Kỹ thuật nuôi chim yến đơn giản nhưng cần tính chính xác cao, hiện nay, các hộ gia đình nuôi chim vẫn dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Tổ yến thành phẩm có giá trị tương đối lớn, chỉ phù hợp với mức thu nhập của một bộ phận nhỏ dân cư nên chưa tìm được đầu ra ổn định.
Mặt khác, số lượng sản phẩm thu được chưa nhiều nên chưa thể chế biến ra nhiều chủng loại khác nhau; cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào đứng ra thực hiện việc phân tích, đánh giá chất lượng tổ yến ở Thanh Hóa so với tổ yến của các nơi khác hay quảng bá, giới thiệu sản phẩm; do đó, sản phẩm thu được chưa có tên tuổi, thương hiệu trên bản đồ nuôi chim yến ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, đa số các hộ nuôi chim yến chưa được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nên không nắm được việc thiết kế, làm nhà, mua thiết bị âm thanh, giờ phát các loại loa... để dụ chim đến ở. Vốn đầu tư vào cơ sở vật chất như nhà xưởng, thiết bị phụ trợ cao...
Để nuôi chim yến thực sự trở thành một nghề bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân các vùng ven biển, các cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà khoa học cần sớm nghiên cứu, thẩm định hiệu quả của nghề nuôi chim yến ở Thanh Hóa để có thể đưa ra những định hướng, khuyến nghị chính xác cho sự phát triển của nghề, giảm tối đa rủi ro, thất thiệt cho người dân.
Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư kinh phí ban đầu để người dân, các nhà khoa học tìm ra phương pháp sản xuất thức ăn, ổn định nhiệt độ chuồng nuôi cho chim yến trong mùa đông và đầu tư cơ sở hạ tầng để dụ chim. Bên cạnh đó, các hộ dân cần được tập hợp trong một tổ chức để thuận tiện cho việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim; bổ sung thêm địa điểm tham quan các cơ sở nuôi chim yến vào các tour du lịch cho khách đến tham quan, nghỉ mát ở Sầm Sơn. Từ đó, có thể quảng bá, bán các loại sản phẩm làm từ tổ yến cho khách du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ