Để nuôi tôm mùa nắng thành công
Trong mùa nắng nóng, môi trường ao nuôi luôn biến động, nhất là yếu tố pH, nhiệt độ nước, độ kiềm, ô-xy hoà tan… cùng độ mặn tăng cao. Một trong những yêu cầu kỹ thuật mà tất cả người nuôi tôm công nghiệp đều phải thực hiện đó là ao trữ lắng. Nó không những cấp nước cho ao nuôi trong lúc cần thiết, nhất là lúc nắng nóng, độ mặn tăng cao, mà còn là nơi cắt đứt mầm bệnh lây lan từ bên ngoài khi vùng nuôi có dịch bệnh xảy ra.
Anh Ðinh Tất Linh, khóm 4, thị trấn Ðầm Dơi, chia sẻ: “Ðể đối phó với độ mặn tăng cao như hiện nay thì hộ nuôi cần có kế hoạch tích nước ngọt trong ao lắng ngay đầu mùa nắng. Khi độ mặn trên 30‰ thì giải pháp châm nước ngọt được xem là hiệu quả nhất cho tôm phát triển. Ngoài giải pháp chăm nước, hạ độ mặn cho ao nuôi thì người nuôi tôm cần phải tăng cường hàm lượng vi sinh, khoáng và các loại vitamin”.
Hiện nay, bên cạnh nắng nóng, những cơn mưa trái mùa cũng xuất hiện, đây là yếu tố rất bất lợi cho môi trường ao nuôi. Bởi khi đó lượng mưa cuốn trôi mùn bã, phèn trên bờ xuống ao nuôi làm cho ao nuôi xuất hiện sự phân tầng nước, pH sẽ giảm thấp, tảo tàn… gây nhiều bất lợi cho tôm nuôi.
Ông Phùng Văn Trắng, ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau, chia sẻ: “Khi đó ao nuôi sẽ xuất hiện khí độc gây hiện tượng tôm yếu, giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh. Do đó, ngoài bổ sung dinh dưỡng cho tôm, cần theo dõi, quản lý ao nuôi. Ðề phòng tôm bị sốc, người nuôi tôm cần phải giữ mực nước trong ao nuôi từ 1,2-1,5 m kết hợp chạy quạt sẽ hạn chế sự phân tầng nước, góp phần nâng cao hiệu quả vụ nuôi”.
Theo đó, việc chuẩn bị các loại thuốc, hoá chất tại ao nuôi cần phải thực hiện ngay từ đầu vụ. Phải bón vôi quanh ao nuôi khi trời có dấu hiệu mưa với liều lượng 10-15 kg/100 m2. Cần lưu ý, khi nắng nóng kéo dài, tảo xuất hiện vào ban ngày thì vào ban đêm sẽ xuất hiện tình trạng thiếu ô-xy trong nước, dẫn đến tôm nổi đầu. Do đó, người nuôi tôm cần duy trì chế độ quạt nước hợp lý, cung cấp các chế phẩm cho ao nuôi phải có chất lượng và quản lý khẩu phần thức ăn cho tôm phải chặt chẽ, tránh dư thừa.
Theo nhiều hộ nuôi có kinh nghiệm và thành công trong mọi điều kiện thời tiết (mùa mưa và mùa nắng), nên nuôi tôm ở mật độ thưa (30-40 con/m2), hay dự trữ ao nuôi sang thưa khi tôm đạt trọng lượng 80-100 con/kg.
Nuôi ở mật độ này, người nuôi tôm không những đối phó được những bất lợi do nắng nóng, hạn chế chi phí thức ăn, thuốc và hoá chất, mà còn giúp hộ nuôi có thể nuôi tôm đạt trọng lượng 30-40 con/kg, trừ chi phí sẽ lãi cao. Nếu tôm nuôi từ 50 con đến trên 100 con/kg, đa số người nuôi lỗ và hoà vốn thì cách nuôi tôm mật độ thưa đang được nhiều hộ nuôi tôm áp dụng.
Tags: nuoi tom mua nang, ky thuat nuoi tom, nuoi trong thuy san, nuoi tom
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ