Để phát triển mạnh ngành nhuyễn thể
Nhuyễn thể được xác định là đối tượng nuôi chủ lực của nước ta, bởi đây là ngành có giá trị kinh tế cao và nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để nhuyễn thể thực sự trở thành thế mạnh, việc chủ động được con giống là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Trong ảnh: Nuôi nhuyễn thể là thế mạnh của nhiều địa phương vùng biển. Ảnh: Trần Huân
Con giống thiếu và yếu
Về sản xuất con giống, tính đến năm 2016, cả nước có 465 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nhuyễn thể, hàng năm sản xuất 30 tỷ con giống, đáp ứng 50% nhu cầu. Một phần giống được khai thác tự nhiên phục vụ nuôi thương phẩm.
Mặc dù, sản xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ hiện đã phát triển mở rộng quy mô sản xuất nhiều giống loài có giá trị kinh tế, chủ động nghiên cứu, tạo giống. Có công nghệ nuôi đa dạng tùy thuộc giống loài và điều kiện từng địa điểm cụ thể, đã có nhiều vùng đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại như nguồn giống cung cấp còn thiếu, bị động trong sản xuất. Đặc biệt, con giống được coi là yếu tố quan trọng đối với nghề nuôi nhưng phần lớn giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ là nhập từ Trung Quốc nên khó kiểm soát chất lượng; trong khi, sản xuất giống trong nước mới chỉ đáp ứng được một phần của nhu cầu nuôi. Cùng đó, chất lượng con giống tại các cơ sở sản xuất tại các địa phương cũng chưa kiểm soát tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nghề nuôi… Việc phối hợp với các ngành chưa chặt chẽ, dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh vẫn xảy ra. Chưa có chính sách hỗ trợ riêng cho việc sản xuất con giống nuôi nhuyễn thể. Công tác cảnh báo về các hiện tượng thời tiết cực đoan chưa kịp thời và chưa có biện pháp phòng ngừa, khắc phục khi có sự cố. Nguồn vốn đầu tư để phát triển cho con giống còn hạn chế. Do đó, tình trạng con giống nhuyễn thể thiếu về số lượng và yếu về chất lượng đến nay vẫn là một bài toán khó cho việc phát triển của ngành.
Giải pháp
Với mục tiêu phát triển sản xuất, tiêu thụ nhuyễn thể đến năm 2020 đạt tổng diện tích nuôi là 48.370 ha. Chủ động cung cấp 70 - 80% tổng nhu cầu giống nuôi thương phẩm đảm bảo chất lượng cho các đối tượng nuôi chính. Tổng cục Thủy sản đã đề ra một số giải pháp chính cho việc đảm bảo chất lượng con giống nhuyễn thể để phục vụ cho sản xuất gồm: Tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất giống đã thành công trong nước về kỹ thuật sản xuất giống nhuyễn thể…; Xây dựng các mô hình sản xuất giống sạch bệnh để nhân rộng; Tổng kết và nhân rộng mô hình tiên tiến sản xuất giống chủ lực nhằm sản xuất được giống tốt, giá thành hạ; Tăng cường tập huấn về kỹ thuật sản xuất giống, tuyên truyền, phổ biến trao đổi kinh nghiệm rộng rãi cho nông dân, ngư dân. Xây dựng quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ địa phương dành kinh phí cho các dự án thử nghiệm sản xuất giống, ưu tiên cho áp dụng công nghệ tiến bộ giống của các thành phần kinh tế.
Các cơ sở sản xuất giống phải nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng được yêu cầu. Người nuôi cần tiếp cận, áp dụng các quy trình kỹ thuật nhân ương và nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nuôi rải vụ nhằm giảm bớt áp lực cùng một lúc cung cấp lượng giống lớn. Kiểm soát nguồn giống bố mẹ và công khai các thông tin về cơ sở sản xuất giống để có con giống thương phẩm tốt. Thực hiện việc nâng cấp, mở rộng hệ thống sản xuất giống hiện có, hình thành các khu sản xuất và bảo vệ giống nghêu tự nhiên ở Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Nam Định, Thái Bình. Sản xuất giống tu hài, hàu chủ yếu ở Vân Đồn, Cát Hải và Vạn Ninh. Giống sò huyết ở Kiên Giang, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Giống ốc hương, điệp chủ yếu ở huyện Vạn Ninh, thành phố Cam Ranh và một số huyện ở tỉnh Phú Yên. Giống bào ngư chủ yếu ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).
Về tổ chức sản xuất, hình thành các hợp tác xã, đối với vùng biển xa hình thành hội nghề nghiệp. Quản lý hiệu quả hoạt động khai thác nguồn giống tự nhiên. Đẩy mạnh nghiên cứu kỹ thuật nuôi, kỹ thuật sản xuất giống nhuyễn thể cho phù hợp, tăng cường kiểm tra giám sát vùng nuôi. Đồng thời, tập trung nghiên cứu sản xuất giống, môi trường, dịch bệnh, chủ động tìm thị trường bao tiêu sản phẩm.
>> Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng khai thác tự nhiên ở biển và ven biển các loài nhuyễn thể ước 300.000 - 350.000 tấn/năm. Trong đó, sản lượng cao nhất là dắt 130.000 - 150.000 tấn/năm, ngao/nghêu 50.000 - 60.000 tấn/năm, sò huyết 40.000 - 50.000 tấn/năm. Trong tháng 1/2017, Việt Nam tập trung xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu sang 3 thị trường lớn là Hàn Quốc, Nhật Bản và EU.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ