Mô hình kinh tế Đến 2015 Việt Nam Sẽ Có 5.000 Ha Lúa Lai F1

Đến 2015 Việt Nam Sẽ Có 5.000 Ha Lúa Lai F1

Ngày đăng 10/06/2011

Hôm qua (8/6), tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng chủ trì hội thảo “Tư vấn định hướng nghiên cứu và phát triển lúa lai Việt Nam giai đoạn 2011-2020”. Các nhà khoa học, DN đưa ra ý kiến đóng góp nhằm phát triển lúa lai trong nước bền vững.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, vụ ĐX 2011 diện tích SX lúa lai F1 trong nước chỉ đạt 1.361 ha, thấp hơn so với vụ ĐX năm trước trên 600 ha, trong đó các tổ hợp lúa lai 2 dòng là 115 ha, lúa lai 3 dòng 1.246 ha. Hai tỉnh có diện tích sản xuất hạt lai F1 lớn nhất là Quảng Nam 304 ha, Đắk Lắk 471 ha; chiếm gần 60% diện tích cả nước, chủ yếu sản xuất các tổ hợp lúa lai 3 dòng.

Về công tác chọn tạo giống lúa lai, ông Ngọc cho rằng VN chưa có nhiều dòng bố mẹ có đặc tính nông học tốt, có khả năng kết hợp và cho ưu thế lai cao. Một số tổ hợp lúa lai 2 dòng trong nước năng suất chưa vượt trội, nên hạn chế khả năng mở rộng diện tích. Lượng hạt giống F1 sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu giống lúa lai sản xuất đại trà, vì số lượng tổ hợp lai chọn tạo trong nước tham gia vào cơ cấu giống còn ít. Nhiều DN trong và ngoài nước không ưu tiên sản xuất hạt giống tại VN do tính rủi ro cao và sợ mất bản quyền, đội ngũ cán bộ nghiên cứu và phát triển lúa lai hiện còn quá thiếu…

Cũng theo ông Ngọc, về lâu dài phải có chiến lược đào tạo đội ngũ nghiên cứu chọn tạo lúa lai, đầu tư cơ sở cho các đơn vị nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ duy trì nhân dòng bố mẹ và sản xuất hạt lai F1, qui hoạch vùng sản xuất tập trung để tiến tới có thể tự túc 50-70% giống đáp ứng nhu cầu của sản xuất, cần khoảng 5.000 ha cho sản xuất lúa lai tập trung. Cụ thể là vùng Bắc Hà (Lào Cai) 500 ha, vùng Eaka (Đắk Lắk) 1.000 ha, vùng Đại Lộc (Quảng Nam) 1.000 ha, vùng Thanh Hóa 500 ha cho sản xuất hạt lai F1 trong vụ mùa…

“Tới đây Cục Trồng trọt sẽ kiến nghị đưa nội dung sản xuất hạt lúa lai F1 vào danh mục cây trồng được hưởng hỗ trợ từ ngân sách TƯ khi gặp thiên tai dịch bệnh làm giảm năng suất hoặc mất trắng. Ưu tiên đầu tư cho các đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai phù hợp với sản xuất, đặc biệt bộ giống lúa lai cho vụ mùa ở miền Bắc và lúa lai cho vùng ĐBSCL” -ông Ngọc nói.

PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện CLT-CTP cho biết mục tiêu đến 2015 Viện sẽ chọn tạo và sản xuất 5-10 tổ hợp lúa lai mang thương hiệu Việt Nam theo hướng năng suất cao là chủ yếu (năng suất tiềm năng trên 12 tấn/ha, năng suất thực tế trên 8 tấn/ha). Năng suất sản xuất hạt lai F1 của các tổ hợp đạt 2,5-3 tấn/ha. Các tổ hợp có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, phổ thích nghi rộng, có khả năng cạnh tranh với giống nhập từ Trung Quốc. Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân dòng bố mẹ, quy trình sản xuất hạt lúa lai F1 đạt năng suất 3-4 tấn/ha...

Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng VN cũng nghiên cứu việc có thể thành lập Liên hiệp sản xuất giống lúa lai VN trực thuộc Hiệp hội, nhằm liên kết các DN đẩy nhanh sản xuất giống. Hiện có DN đã sản xuất được trên 300 ha lúa F1 là rất đáng hoan nghênh. Mục tiêu từ nay đến 2012 diện tích sản xuất lúa F1 tăng lên 3.000 ha, từ 2014-2015 sẽ đạt 5.000 ha. Nếu có khoảng 10 DN, mỗi đơn vị làm 500 ha là thắng lợi. Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ, khuyến khích các DN để sản xuất lúa lai bền vững” - Thứ trưởng Bùi Bá Bổng.

“Tôi đề nghị Viện Khoa học Nông nghiệp VN tổng hợp các ý kiến tư vấn tại hội thảo để Bộ NN-PTNT nghiên cứu, tiếp tục đầu tư chọn tạo giống lúa lai F1 trong nước. Hiện chúng ta chọn tạo giống lúa lai F1 còn quá ít, đặc biệt là giống lúa lai 3 dòng. Giống bố mẹ sản xuất ra cũng không được bao nhiêu. Thiếu dòng bố mẹ thì lấy đâu ra giống sản xuất hạt lai F1?

TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam nhận định, hiện VN chưa có giống lúa lai cho vụ ĐX, thương hiệu giống lúa lai VN chỉ chiếm khoảng 10% diện tích sản xuất lúa lai thương phẩm. Diện tích sản xuất giống lúa lai F1 có xu thế giảm dần. Tỷ lệ giống lúa lai tự túc trong nước vẫn dậm chân xung quanh 20% diện tích.

“Thời gian tới cần tập trung nghiên cứu và phát triển cả giống lúa lai 2 dòng và 3 dòng và phải hình thành rõ các vùng sản xuất lúa lai hàng hóa tập trung khoảng 5.000 ha. Để đưa tỷ lệ tự túc giống lúa trong nước từ 20% lên 50% diện tích cần có chính sách hỗ trợ rủi ro cho sản xuất giống lúa lai F1 cao hơn mức 1,5 triệu/ha hiện nay của lúa thuần. Bổ sung các tỉnh có sản xuất giống lúa lai F1 vào danh sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đang triển khai ở 21 tỉnh...” - ông Quốc đề nghị.

Về phía địa phương, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa Nguyễn Xuân Sang cho biết Thanh Hóa đang xây dựng “khu công nghiệp” sản xuất khoảng 1.000 ha lúa lai F1. Tỉnh cũng đầu tư giai đoạn 1 trên 70 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa F1, sắp tới sẽ tổ chức hội nghị mời DN vào đầu tư. “Nhu cầu về giống lúa lai 3 dòng vụ ĐX ở Thanh Hóa cực lớn, vì vậy có giống lúa lai nội 3 dòng, năng suất chất lượng tốt là chúng tôi “đặt hàng” ngay”.


Có thể bạn quan tâm

phuong-phap-lam-meo-giong-nam-rom Phương Pháp Làm Meo Giống… cao-bang-xay-dung-nhieu-mo-hinh-san-xuat-hang-hoa Cao Bằng: Xây Dựng Nhiều…