Đến Lượt Cá Bị Phát Hiện 'Dính' Chất Cấm
Chi cục Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản TP HCM vừa tìm thấy chất cấm Trifluralin trong một loại cá nước ngọt, bán tại chợ đầu mối Bình Điền. Điều này cho thấy, chất cấm vẫn có thể tồn tại trong thủy sản.
Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản TP HCM cho biết, lô cá nước ngọt nhiễm chất cấm được phát hiện trong kiểm tra ngẫu nhiên.
Ông Vĩnh, cho hay, dù hàm lượng chất Trifluralin phát hiện là không cao, song đã là chất cấm thì dù hàm lượng thấp vẫn không được phép có mặt trong sản phẩm.
Trước đó, theo thông tư năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Trifluralin được đưa vào doanh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thú y thủy sản. Nguyên nhân do chất này có hại đến sức khỏe.
Theo nhận định của ông Vĩnh, từ kết quả xét nghiệm mẫu cá nuôi cho thấy, cá nhiễm chất Trifluralin xuất phát hoàn toàn do sản phẩm chăn nuôi, bởi chất này không có trong thành phần của thức ăn tự nhiên.
Sau khi phát hiện, vụ việc đã được báo đến các tỉnh liên quan. Mới đây, Chi cục đã có cuộc họp với tất cả các tỉnh có thủy hải sản nhập về TP HCM nhằm thặt quản lý chất lượng thủy hải sản.
"Theo điều tra ban đầu từ thương lái, nguồn gốc của lô cá này có thể xuất phát từ 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, tuy nhiên việc truy chính xác cá ở ao nào vẫn còn rất khó do rất nhiều thương lái mua bán qua tay trước khi đến chợ", ông Vĩnh nói.
Đại diện Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản TP HCM cho biết, người của Chi cục luôn túc trực ở chợ đầu mối Bình Điền để kiểm tra nhanh, đồng thời lấy mẫu ngẫu nhiên thủy hải sản để xét nghiệm. Song sẽ rất khó nếu như các tỉnh không phối hợp để cùng làm.
Theo đại diện chợ đầu mối Bình Điền, mỗi ngày, tại chợ có từ 500 đến 600 tấn thủy hải sản các loại, bao gồm cả thủy hải sản đánh bắt lẫn nuôi trồng được nhập vào. Ngoài TP HCM, chợ này còn tiếp nhận thủy hải sản từ 17 tỉnh khác. "Chỉ mình ban quản lý chợ và Chi cục Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản TP HCM kiểm tra mỗi ngày và toàn bộ là chuyện khó có thể", một cán bộ trong ban quản lý cho biết.
Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản TP HCM cũng thừa nhận, việc kiểm tra chỉ được một phần, thứ nhất do cảm quan nghi ngờ sản phẩm không đạt chất lượng, thứ nhì là do cán bộ chi cục lấy mẫu ngẫu nhiên. "Cả nhân lực lẫn kinh phí để xét nghiệm hết thủy hải sản mỗi ngày là khó có thể. Đó là chưa kể muốn đưa vào phòng xét nghiệm, một mẫu cần mất từ 3 đến 4 ngày", ông Vĩnh nói.
Một trong những khó khăn lớn dẫn đến việc thủy hải sản bẩn vẫn có thể còn lọt kẽ, theo ông Vĩnh là do quy định hiện hành việc nhập hàng vào chợ đầu mối Bình Điền vẫn chưa chặt chẽ.
"Thay vì có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm mới được nhập hàng, thì từ trước đến nay, nhiều lô hàng được nhập vào chủ yếu do thương lái tự khai nhận. Sổ lập hàng dù được chúng tôi triển khai và hướng dẫn cụ thể nhưng không phải tiểu thương nào cũng thực hiện nghiêm chỉnh. Hạn chế này khiến việc truy lại nguồn gốc thủy hải sản gặp không ít trở ngại", ông Vĩnh nói.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Chi cục Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản TP HCM yêu cầu các tỉnh có thủy hải sản nhập về TP HCM phải tiến hành kiểm tra nguồn sản phẩm nuôi trồng, lấy mẫu xét nghiệm đàn cá nuôi, tuyên truyền các hộ nuôi trồng. Riêng Chi cục Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản TP HCM sẽ tiếp tục lấy mẫu để xét nghiệm nhằm sớm đưa ra cảnh báo cho người dân.
"Năm 2011, việc kiểm tra chặt chẽ cá ngừ tại chợ Bình Điền đã giúp tình hình ngộ độc do loại cá này giảm hẳn. Chính vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy kiểm tra chất cấm ở cá. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị Cục Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản sớm ban hành quy định trong việc nhập hàng vào các chợ đầu mối", ông Vĩnh cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ