Thống kê thủy sản Đến năm 2025, tôm xuất khẩu sẽ đạt trên 5,6 tỷ USD

Đến năm 2025, tôm xuất khẩu sẽ đạt trên 5,6 tỷ USD

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 07/01/2022

Với đà tăng ổn định, tôm xuất khẩu được dự báo sẽ tăng trung bình ở mức 9%, đến năm 2025, kim ngạch sẽ đạt trên 5,6 tỷ USD.

Đẳng cấp chế biến tôm Việt cao

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2015 về trước, Việt Nam từng là nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.Tuy nhiên, tôm Ấn Độ đã trỗi dậy mạnh mẽ từ năm 2015, tôm Ecuador đột phá từ năm 2018, khiến tôm Việt đang xếp thứ ba, nhưng tỷ trọng top 3 này không chênh lệch nhiều.

Cụ thể, trong 26-28 tỷ USD trị giá nhập khẩu tôm toàn thế giới hàng năm, Ấn Độ chiếm 15,7%, Ecuador chiếm 14% và Việt Nam chiếm 13,6%.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, hiện diện tích nuôi tôm cả nước trên 740.000 hecta. Sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm, tập trung ở miền Tây, trên 80%. Tôm sú Việt Nam đứng đầu thế giới, trên 250.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tăng với tốc độ khoảng 5%/năm, dù có năm trồi, năm sụt. Kim ngạch xuất khẩu tăng cùng chiều với sản lượng nuôi, nhưng cũng đáng nêu ra ở đây vì cùng giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu tôm của Trung Quốc và Thái Lan đã giảm khá mạnh, trên 20%.

Qua thống kê cho thấy, sản phẩm tôm chế biến chỉ đạt quá nửa lượng xuất khẩu, và sản phẩm tôm xuất sang Trung Quốc chủ yếu là tươi (sú nguyên con, lặt đầu). Nhưng trong thực tế, dù là sản phẩm chế biến hay tươi, sản phẩm tôm Việt đều được ưa chuộng do mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều hơn. Đẳng cấp chế biến tôm Việt cao hơn hẳn, nằm trong top dẫn đầu.

Các thị trường chính tiêu thụ tôm Việt là Hoa Kỳ (20-23%), Nhật Bản (16-18%), EU (15-20%), Trung Quốc (13-15%), Hàn Quốc (9-10%). Tôm Việt Nam có thứ hạng cao ở các thị trường lớn. Đứng số 1 ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia; số 2 ở EU, số 5 ở Hoa Kỳ, số 4 ở Trung Quốc. Hiện nay tôm thẻ chân trắng tiêu thụ nhiều ở Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Tôm sú tiêu thụ mạnh ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tôm khoảng 3,8 tỷ USD/năm, đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Ecuador. Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu. Kim ngạch tôm sú chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm.

Các doanh nghiệp tôm có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam là Minh Phú, Stapimex, Sao Ta, VinaCleanfood, Taika, Utxi.

Đạt 5,6 tỷ USD vào năm 2025

Theo báo cáo của VASEP, triển vọng xuất khẩu tôm trong đến năm 2025 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 5,6 tỷ USD, tăng trưởng 9% hàng năm.

Theo ông Hồ Quốc Lực, VASEP đưa ra nhận định trên hoàn toàn có cơ sở. Năm năm qua, tăng trưởng tôm luôn đạt 5%/năm; lạc quan về khả năng tăng tốc của ngành đưa ra 9% là chỉ tiêu phấn đấu đầy vất vả. Năm 2017 có nhận định về khả năng đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2025. Những những diễn biến phức tạp thời gian qua, cho thấy mức phấn đấu này là quá tầm, không phù hợp. Cụ thể về sản phẩm, chắc chắn các doanh nghiệp tôm sẽ linh hoạt thâm nhập từng thị trường theo lợi thế của mình và hạn chế thế mạnh của đối thủ.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp sẽ tập trung bán vào Trung Quốc tôm sú nguyên con cỡ lớn, tôm sống luộc, là những mặt hàng người Trung yêu chuộng và ít đối thủ. Hạn chế khuyếch trương bán tôm tươi IQF vào Hoa Kỳ, mà tập trung tôm luộc, tôm ring, tôm chiên, tôm bao bột… do mặt hàng tôm tươi IQF là thế mạnh của Ecuador và Ấn Độ vì giá của những nước này rẻ hơn.

Ở thị trường Nhật Bản, cần tập trung vào các sản phẩm đòi hỏi chế biến cầu kỳ, mẫu mã đẹp bởi sẽ phù hợp tính cần cù, chăm chỉ của lao động Việt. Ở EU, cần phát triển dòng sản phẩm chế biến, bởi tôm tươi Ecuador đang chiếm thị phần hàng đầu ở đây.

Về thị trường, xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Song song coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada…

Tuy nhiên, theo phân tích của doanh nghiệp, hàng năm, thị trường nào dẫn dắt sẽ tùy thuộc tình hình cụ thể, bởi ở các thị trường chính, lớn thì tôm Việt vẫn còn những hạn chế nhất định.

Dẫn chứng như vụ kiện chống bán phá giá tôm nước ấm vào Hoa Kỳ vẫn còn hiệu lực, hàng năm cần có sự thương lượng hai bên để duy trì mức thuế đang có là 0%, khi còn vụ kiện là rủi ro vẫn chưa chấm dứt. Hàng bán vào Nhật Bản phải kiểm tra toàn bộ lô các hàng với không ít tiêu chí sinh, hóa. Hàng vào EU còn hạn chế bởi cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường này là ASC vẫn còn quá thấp. Những yếu tố này là thách thức không nhỏ cho sự tăng tốc ngành tôm thời gian tới. 


Có thể bạn quan tâm

gia-tom-nguyen-lieu-giam-nhe-vao-cuoi-nam-2021 Giá tôm nguyên liệu giảm… xuat-khau-tom-sang-eu-tang-dot-bien Xuất khẩu tôm sang EU…