Mô hình kinh tế Đi Lưới Ghẹ Những Ngày Cuối Năm

Đi Lưới Ghẹ Những Ngày Cuối Năm

Ngày đăng 01/02/2014

Thời điểm này không phải là mùa ghẹ, nhưng sau mỗi chuyến ra khơi, mỗi ngư dân có thu nhập từ 300.000 đến 400.000 đồng, nhờ giá ghẹ tăng cao và đánh bắt được nhiều.

21 giờ đêm những ngày cuối năm, bãi biển Sơn Trà xã Bình Đông (Bình Sơn - Quảng Ngãi) xuất hiện nhiều ánh đèn xanh, đỏ, vàng chớp nháy như ám hiệu ngư dân đi lưới ghẹ đã về đến bờ. Nghe tôi hỏi về nghề lưới ghẹ, chị Liễu (32 tuổi) vợ của ngư dân Huỳnh Minh Thọ đang đứng đợi chồng bảo: “Mùa này ít ghẹ, nhưng 10 con thì chắc đến 9 con và có 8 con là con cái”.

Mùa ghẹ bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch), các tháng còn lại ít ghẹ hơn, nhưng ngư dân vẫn ra khơi đều đặn, trừ khi biển động mới ở nhà. Mùa này đi biển lạnh lắm, về đêm trời càng lạnh hơn, nhưng bù lại giá ghẹ tăng cao. Ghẹ có 3 loại gồm ghẹ nhím, ghẹ nhàn và ghẹ ba ghi.

Một kilôgam ghẹ nhàn, nhím bán với giá 150.000 đồng và ghẹ ba ghi 70.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg so với ngày thường. Chồng chị hành nghề lưới vây, thường ra Bắc vào Nam đánh bắt hải sản vài tháng mới về. Chị ở nhà theo nghề lưới ghẹ. Ban đầu chị nghĩ đi lưới ghẹ để phụ giúp chồng cải thiện cuộc sống gia đình, không ngờ nghề này đem lại nguồn thu chính cho gia đình.

Lần đầu tiên đi biển, phận đàn bà con gái lênh đênh giữa biển khơi mênh mông, chị sợ đến rợn cả cột sống. Sau này đi riết thành quen. Những tháng cuối năm âm lịch tàu lưới vây nằm bờ, trời lại hay có sóng lớn, chồng thay chị ra khơi theo nghề lưới ghẹ. Đàn bà đi biển mùa này, lạnh chịu không nổi.

Chuông điện thoại reo reng reng, chị vội vàng nghe máy, rồi quay sang bảo tôi “có muốn mua ghẹ thì đợi 15 phút nhé, xuống thúng gỡ, đem lên liền". Chắc là thúng chồng chị cũng vừa cập bến.

Anh Huỳnh Công, vừa xách giỏ ghẹ lên bờ để bán cho các chủ nậu, cho biết: "Ghẹ ba ghi và cúm núm chưa gỡ xong nhưng phải đem ghẹ nhàn, nhím bán trước, nếu không ghẹ chết sẽ bị giảm nửa giá tiền". Thông thường ghẹ nhàn, nhím còn sống các chủ nậu mới mua, còn bị chết thì chỉ mua bằng giá tiền ghẹ ba ghi.

Vì vậy vào đến bờ là ngư dân tranh thủ gỡ ghẹ nhàn, nhím bán trước, nếu chủ nậu chưa đến mua thì phải rộng dưới nước biển để khỏi bị chết. Theo anh Công, mùa này còn lạnh nên ngư dân thay đổi thời gian ra khơi.

Những ngày trời nắng ấm, ngư dân đi biển từ 2 giờ sáng đến 6-7 giờ thì về, còn trời lạnh thì đi từ 4 giờ chiều đến khoảng 9 đến 10 giờ đêm mới về. Có hôm không đi biển bằng thúng mà khoảng 7, 8 ngư dân rủ nhau đi bằng ghe. Ra đến ngư trường mới dùng thúng để bủa lưới.

Những hôm đi ghe như thế ngư dân chọn ngư trường đánh bắt xa hơn, tận ngoài Kỳ Hà (Quảng Nam) và mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài 3 đến 4 ngày. Số tiền kiếm được cũng tăng lên vài triệu đồng. Còn nếu bơi thúng thì chỉ đi khoảng chừng 4-5 hải lý và bủa lưới trong lộng.

Ông Nguyễn Thanh Hùng- Trưởng thôn Sơn Trà, cho biết: Thôn hiện có 80 hộ gia đình hành nghề lưới ghẹ. Vài năm gần đây ghề lưới vây mất mùa, nên tàu ít ra khơi. Vì vậy một số ngư dân hành lưới vây đã sắm thêm lưới ghẹ để ra khơi lúc nông nhàn. Mỗi chuyến ra khơi kiếm được từ 300.000 đến 400.000 đồng, bèo lắm cũng kiếm được 100.000 đồng.

Nếu may mắn đánh được cá úc, cá mú thì thu nhập gần cả triệu đồng chứ không ít. Tuy nhiên, người theo nghề vẫn luôn trăn trở là ngư trường đánh bắt đang bị cạn kiệt bởi một số ngư dân dùng thuốc nổ để khai thác hải sản.

Những ngày cuối năm, ngư dân nghề lưới ghẹ phấn khởi hơn bao giờ hết, vì năm 2013 là năm được mùa lưới ghẹ, ai cũng có thu nhập kha khá để trang trải cho cái Tết Giáp Ngọ. Chuẩn bị tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới 2014, ngư dân lưới ghẹ lại tràn đầy hy vọng với những chuyến ra khơi bội thu.


Có thể bạn quan tâm

niem-vui-cuoi-mua-cau Niềm Vui Cuối Mùa Câu tinh-long-an-thu-hoach-hon-11-807-tan-tom-thuong-pham-trong-nam-2013 Tỉnh Long An Thu Hoạch…