Mô hình kinh tế Địa Chỉ Niềm Tin Của Bà Con Nông Dân

Địa Chỉ Niềm Tin Của Bà Con Nông Dân

Ngày đăng 27/06/2013

Nhiều năm nay, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Vĩnh Phúc đã trở thành “cánh tay” đắc lực giúp bà con nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Để có được niềm tin ấy, Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, giúp bà con giải toả thắc mắc, dần làm chủ và hưởng lợi từ những mô hình kinh tế.

Nhắc đến Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh là nhắc đến đơn vị gắn liền với nhiệm vụ xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo, đưa tiến bộ kỹ thuật đến cho nông dân; tuyên truyền và xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng thực tế, công việc của họ không chỉ đơn giản có vậy.

Chẳng thế mà, khi chúng tôi hỏi về niềm vui đích thực của những người chuyên làm công tác khuyến nông, bà Thiều Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Với chúng tôi, niềm vui chỉ thực sự trọn vẹn khi những “đứa con tinh thần” mang lại hiệu quả tốt cho người nông dân. Để trở thành người bạn đồng hành, chỗ dựa vững chắc của nông dân, chúng tôi phải xây dựng được hình ảnh “đẹp” thông qua việc xã hội hoá công tác khuyến nông, đưa những sản phẩm tốt nhất đến với người nông dân”.

Năm 2010, bằng nguồn vốn từ chương trình Khuyến nông Quốc gia, của tỉnh, chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo, các dự án.... Trung tâm phối hợp với các huyện, thành, thị xây dựng gần 50 mô hình trình diễn lúa lai, ngô, đậu tương, lạc; nuôi gà an toàn sinh học; lợn nái ngoại sinh sản; ủ chua thức ăn vi sinh cho gà và lợn thịt; nuôi ếch thái lan trong lồng lưới; cá rô đồng… cho kết quả khả quan, được bà con hưởng ứng. 780 bộ giàn kéo tay gieo thẳng được đưa vào thực tiễn sản xuất vừa tiết kiệm được lượng giống gieo khoảng 30 - 40%, giảm công lao động, nhất là lúc thời vụ, vừa góp phần tăng năng suất tăng, hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng 2,5 – 4 triệu đồng/ha.

Có nhiều dịp theo cán bộ khuyến nông về cơ sở, điều đọng lại trong chúng tôi là dù ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn như Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô hay vùng đồng bằng trù phú Yên Lạc, Vĩnh Tường, những người nông dân khi được hỏi về tiến bộ khoa học kỹ thuật đều có thể kể vanh vách những việc mà khuyến nông đã làm. Phải chăng, đó là cái duyên của những cán bộ đã chọn cho mình “cái nghiệp” giúp nông dân tiếp cận nhanh nhất với khoa học kỹ thuật, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua các hoạt động tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ thuật, tham quan đầu bờ, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình trình diễn… mỗi năm có hàng vạn lượt hộ nông dân, các chủ trang trại, người sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp được tiếp cận, học hỏi và thụ hưởng những tiến bộ khoa học để ứng dụng vào thực tiễn, khai thác những tiềm năng đất đai, lao động cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Nhiều hộ dân mạnh dạn đã cải tạo cách thức nuôi, trồng cho thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ khuyến nông xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng vùng trồng bí đỏ F1 – 868, qua theo dõi, chúng tôi thấy đây là loại cây có thể trồng nhiều vụ trong năm, cho năng suất cao, được thị trường ưa chuộng, dễ tiêu thụ nên xác định là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương và khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng. Giờ thu vài chục triệu đồng trong mỗi vụ bí đỏ là chuyện không còn xa lạ với người dân trồng bí trong xã. Theo kinh nghiệm, trồng càng nhiều lãi càng cao và chỉ cần ba tháng là có thể thu hoạch”.

Tận mắt chứng kiến hiệu quả từ mô hình nuôi cá rô đồng đem lại sau những chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm do Trung tâm khuyến nông tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Văn Tâm, xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên mạnh dạn chuyển hơn 1000m2 đất trồng màu của gia đình sang nuôi cá rô đồng.

Chỉ sau 4 tháng, mô hình này giúp ông thu lãi gần 30 triệu đồng. Ông cho biết: Trước lúc thả giống, cần nạo vét bùn đất, làm vệ sinh đáy ao, rắc vôi bột và phơi nắng hơn 3 ngày. Sau đó, lấy nguồn nước sạch cho vào ao sâu khoảng 1m, dùng phân NPK đánh tan đều nhằm cải tạo, gây màu nước theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Cái “anh” rô đồng này tạp ăn lắm.

Tháng đầu tiên, tôi cho ăn thức ăn công nghiệp; từ tháng thứ hai trở đi cho ăn xen kẽ vừa thức ăn công nghiệp vừa thức ăn tự chế biến từ cám gạo, cá tạp, rau muống xắt nhỏ ... trộn đều nấu chín, viên thành từng nắm cho vào các sàn ăn đặt xung quanh ao để giảm bớt chi phí. Hai, ba giờ sau khi cho ăn, kiểm tra lại sàn nhằm điều chỉnh phù hợp lượng thức ăn cho cá, đảm bảo không ô nhiễm nguồn nước. Trong quá trình nuôi, định kỳ 10 - 15 ngày một lần rải thêm vôi bột xuống ao nuôi, cá sẽ lớn nhanh, không bị bệnh…”.

Không chỉ ông Tâm, trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ gia đình khi nhận được sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương như: ông Dương Văn Cát, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô; Nguyễn Văn Nguyên, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương làm giàu từ nuôi lợn nái ngoại sinh sản an toàn sinh học; ông Dương Công Bạch, xã Quang Minh, huyện Tam Đảo nuôi ếch Thái Lan trong lồng lưới; ông Hoàng Trung Thông, xã Văn Quán, huyện Lập Thạch với mô hình nuôi gà đẻ an toàn sinh học…

Để góp phần cùng nông dân phát triển kinh tế, hoạt động khuyến nông năm 2011 sẽ tập trung tuyên truyền, thông tin, xây dựng mô hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới; tranh thủ nguồn lực các chương trình, dự án được ngân sách đầu tư để phát huy tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ khuyến nông, giúp nông dân tiếp cận nhanh, hiệu quả mọi tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mùa xuân lại về, đằng sau vẻ tấp tập, nhộn nhịp của phố phường, những người cán bộ khuyến nông lại cùng nông dân xuống đồng, bắt tay vào vụ mới, ấp ủ hy vọng cho những vụ mùa bội thu. Có lẽ, niềm vui lớn nhất của họ không chỉ là con số giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng cao mà chính là việc họ đã tạo được dấu ấn nhất định trong suy nghĩ, tình cảm của mỗi người dân để mỗi khi nhắc đến cái tên thân thuộc “cán bộ khuyến nông” - người nông dân sẽ bảo: “Họ là người bạn tốt của chúng tôi”.


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-nuoi-ca-long-moi-tren-song-kinh-thay-1 Mô Hình Nuôi Cá Lồng… nguoi-giup-dat-ngheo-chuyen-minh-1 Người Giúp Đất Nghèo Chuyển…