Thống kê thủy sản Diễn biến thị trường tôm - Giá tăng, kim ngạch xuất khẩu giảm

Diễn biến thị trường tôm - Giá tăng, kim ngạch xuất khẩu giảm

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 16/12/2019

Do nguồn cung khan hiếm, giá tôm thẻ chân trắng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng mạnh sau gần 3 năm liên tục đứng ở mức thấp. 

Với mức tăng từ 15.000 - 45.000 đồng/kg, người nuôi tôm đạt lợi nhuận lớn. Tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng, tôm thẻ chân trắng cỡ 40 con/kg mua tại ao 146.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi có lời khoảng 70.000 đồng/kg. Tôm cỡ 30 con/kg trên 175.000 đồng/kg, tăng hơn 40.000 đồng/kg so với cách đây vài tháng.

Đầu tháng 11, tôm cỡ 40 con/kg chưa chạm 120.000 đồng/kg, nhưng hiện tăng thêm 24.000 đồng, đạt ngưỡng 144.000 đồng/kg, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Giá tôm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo sẽ còn tăng trong những ngày tớii.

Tại Bến Tre, giá tôm nguyên liệu còn "nóng" hơn. Tôm thẻ cỡ từ 20-30 con/kg hiện được thương lái chào mua 175.000-190.000 đồng/kg, tăng hơn 50.000 đồng/kg so với ba tháng trước đó; tôm cỡ 100 con/kg cũng tăng nhẹ, được thương lái mua trên 100.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo nông dân không nên đua nhau thả tôm để tránh nguy cơ tăng cung ào ạt, nhất là trong bối cảnh giá tôm Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, sản lượng năm nay giảm nên giá tôm nguyên liệu những tháng cuối tăng mạnh. Các công ty chế biến thủy sản đang gặp khó khăn trong thu mua tôm nguyên liệu, do nguồn cung khan hiếm, giá khá cao, tăng trung bình 15-20%, điều này cũng ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu tôm năm nay. Do thiếu nguyên liệu chế biến, các nhà máy đẩy mạnh mua vào để thực hiện những hợp đồng đã ký trước đó nên đẩy giá tôm thời gian gần đây leo thang.

Các vùng nuôi tôm lớn trên thế giới đều đang gặp sự cố về dịch bệnh tôm nên khả năng cung ứng từ nay đến cuối năm không đáng kể. Do cung cầu, giá tôm tươi sẽ tăng nhẹ từ nay đến cuối năm. Nhưng nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm ở cuối năm, giá tôm sẽ khó duy trì ở mức cao bởi nhu cầu của Trung Quốc giảm đối với tôm cỡ lớn, khả năng sẽ có tác động làm giá tôm bớt tăng. Dự kiến từ tháng 3 năm sau, các vùng nuôi thuộc Nam bán cầu sẽ bắt đầu thu hoạch tôm, nhất là từ Indonesia, nếu thu hoạch tốt, giá sẽ giảm như từng xảy ra hai năm qua. Tuy nhiên, do dịch bệnh tôm nên đến thời điểm này chưa có một dự báo rõ ràng về khả năng cung năm 2020. Do vậy, các hộ thả nuôi sớm năm 2020 sẽ có giá bán khả quan, xuất phát từ giá cao hiện nay.

Về xuất khẩu: 10 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó tôm chân trắng chiếm 69,9%, tôm sú chiếm 20,5% và còn lại là tôm biển. XK tôm chân trắng đạt 1,9 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái; XK tôm sú đạt 570,8 triệu USD, giảm 16,2%; XK tôm biển khác đạt trên 265 triệu USD, tăng 7%. XK tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 33,4%. XK tôm biển chế biến đóng hộp tăng tốt nhất 40,7%.

XK tôm sang thị trường EU 10 tháng đầu năm nay đạt 580,8 triệu USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 thị trường NK chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Hà Lan, Đức), XK sang Anh và Hà Lan giảm 2 con số, lần lượt 15,5% và 37,6%, XK sang Đức giảm 5,6%.

EU chiếm khoảng 31% tổng NK tôm thế giới và chiếm 21% XK tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. XK tôm sang Mỹ đạt 548,2 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 19,7% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. XK tôm sang Trung Quốc đạt 438,6 triệu USD, tăng 8,7%.

VASEP dự báo, XK tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào tháng cuối năm khi lượng tồn kho giảm. Tuy nhiên, XK sang thị trường EU những tháng cuối năm chưa thể phục hồi. Cạnh tranh về giá tôm vẫn là áp lực lớn đối với DN.

XK tôm sang Singapore đạt 23,9 triệu USD, giảm 9,8%. Singapore là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, chiếm 55% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang khối này. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Singapore có xu hướng giảm trong những năm gần đây tuy nhiên Singaprore được đánh giá là thị trường quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải duy trì đẩy mạnh xuất khẩu. Singapore chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm tôm chân trắng thịt, tươi, đông lạnh, tôm sú lột vỏ để đuôi đông lạnh, tôm chân trắng đông lạnh. Các sản phẩm chế biến xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore chiếm tỉ trọng nhỏ, gồm các sản phẩm tôm chân trắng tẩm bột đông lạnh, tôm chân trắng hấp đông lạnh…Trên thị trường Singapore, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá với các nguồn cung cạnh tranh tại châu Á như Trung Quốc, Thái Lan. Ấn Độ, Indonesia.


Có thể bạn quan tâm

nhap-khau-tom-cua-nhat-ban-t1-t3-2017-theo-gia-tri Nhập khẩu tôm của Nhật… dien-bien-thi-truong-ca-tra-gia-giam-xuat-khau-giam Diễn biến thị trường cá…