Doanh nghiệp dùng chiêu trò, nông dân sập bẫy
Báo NTNN ngày 28.6 thông tin việc trong 6 tháng đầu năm, nước ta đã chi 346 triệu USD (hơn 7.600 tỷ đồng) để nhập nguyên liệu và các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Vì sao Việt Nam nhập nhiều thuốc BVTV như vậy? Phóng viên NTNN/Dân Việt đã trao đổi với GS- TS, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.
GS-TS Võ Tòng Xuân nói: Tôi nghĩ 346 triệu USD chỉ là con số trên sổ sách, chứ trên thực tế con số này sẽ còn cao hơn nhiều. Bởi việc quản lý thuốc BVTV của chúng ta rất kém, dường như sự quản lý của Nhà nước đang bị “tê liệt”. Hàng năm, ngoài thuốc nhập theo đường chính ngạch, còn rất nhiều thuốc BVTV được vận chuyển trái phép qua các biên giới giáp ranh với Trung Quốc, Thái Lan. Vấn đề là hiện Nhà nước không kiểm soát được nguồn gốc thuốc đầu vào và các thuốc đầu ra.
Có ý kiến cho rằng chúng ta nhập nguyên liệu và thuốc BVTV nhiều nhưng để phối trộn, sang chai đóng gói cũng lớn... Cũng có nhiều ý kiến là nước ta vẫn đang sử dụng nhiều thuốc BVTV, vậy phải chăng do ND lạm dụng?
Hiện giá cả thuốc BVTV thì trên trời, do các công ty định đoạt. Nếu trước đây còn có công ty nhà nước, để điều tiết giá cả, nhưng nay đã số đã được cổ phần hóa, nên giá đều do các công ty, tập đoàn sản xuất thuốc BVTV định đoạt. Và người khổ nhất, thiệt thòi nhất đương nhiên là người ND.
GS-TS Võ Tòng Xuân
- Hiện ND vẫn chưa quen với việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, sạch, mà đang lệ thuộc quá nhiều vào thuốc BVTV. Các công ty, tập đoàn sản xuất thuốc BVTV họ rất khôn, khi đưa ra rất nhiều các chương trình khuyến mại, tặng quà khi mua sản phẩm mới, dùng các loại thuốc của công ty họ. Và người nông dân đang bị quyến rũ bởi các chương trình này. Người dân sử dụng một cách tức thời, do đó sẽ không có được những sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền nông nghiệp, môi trường và đời sống của người dân?
- Rõ ràng việc sử dụng thuốc BVTV quá nhiều như hiện nay có tác hại rất lớn. Tác hại đầu tiên là chúng ta không có được sản phẩm sạch để ăn, không có sản phẩm đạt chất lượng để xuất khẩu. Và rõ ràng sử dụng nhiều thuốc BVTV sẽ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và người ND sẽ là người gánh chịu đầu tiên và sau đó là toàn xã hội.
Vậy theo GS, có cách nào để người dân hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp?
- Nhiều tỉnh đang khuyến khích và thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, nếu người dân tuân thủ theo đúng quy trình thì rất hiệu quả. Ví dụ: Trước khi gieo sạ, người dân nên trộn thóc giống với phân NPK rồi vãi cùng, hoặc vãi phân trước, sạ lúa sau thì chỉ cần sạ thưa khoảng 80kg thóc/ha, với cách cũ thì phải 150kg thốc/ha. Việc sạ thưa, cộng với bón phân trước sẽ giúp cho cây lúa khi mọc lên rất khỏe, ít sâu bệnh.
Có thể nhận thấy, sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV là một lĩnh vực siêu lợi nhuận, nên các doanh nghiệp có các chiêu trò thúc đẩy ND sử dụng thuốc BVTV?
- Đúng như vậy, sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV là một lĩnh vực siêu lợi nhuận, do đó các công ty, tập đoàn đưa ra rất nhiều chiêu trò để “mị” người dân dùng thuốc của mình. Ngoài ra như tôi đã nói ở trên, việc quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta còn lỏng lẻo, do đó doanh nghiệp lợi dụng để nhập những thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm, sau đó sang chiết chai, đóng gói và bán, theo giá của họ định đoạt. Người dân càng dùng nhiều, họ càng lãi nhiều.
Thuốc nào cũng thấy quảng cáo rầm rộ, cũng nói hay, khiến người dân bị loạn thông tin không biết dùng loại nào, rất nguy hiểm.
Xin cảm ơn GS!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ