Mô hình kinh tế Doanh Nghiệp Gắn Kết Với Nhà Nông, Tích Cực Hỗ Trợ Nông Dân Làm Giàu

Doanh Nghiệp Gắn Kết Với Nhà Nông, Tích Cực Hỗ Trợ Nông Dân Làm Giàu

Ngày đăng 03/11/2014

Với phương châm kinh doanh cùng nông dân và mục tiêu hướng đến nông nghiệp-nông thôn nên Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đã chủ động xây dựng Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà với nhiệm vụ thu mua, chế biến, quảng bá và kinh doanh các loại nông sản của tỉnh; Nhà máy sản xuất phân vi sinh Hướng Hoá với giá rẻ, thích hợp nhiều loại cây trồng và Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trồng sắn ở vùng miền núi.

Là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn nhiều khó khăn nên công ty luôn xác định trách nhiệm cùng nông dân làm ăn, giúp nông dân làm giàu. Việc chuyển hướng từ kinh doanh thương mại sang đầu tư vào nông nghiệp-nông thôn-nông dân theo hướng thắt chặt sự liên kết giữa “4 nhà” gồm nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp và nhà nông đã đem lại hiệu quả tích cực.

Đặc biệt thời gian qua, công ty đã thực hiện khá thành công việc giúp người dân nâng cao thu nhập thông qua việc phát triển các vùng trồng sắn nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá. Từ đó, thu nhập của người dân, nhất là nông dân vùng Lìa (Hướng Hóa) được cải thiện đáng kể, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Công ty đã thành lập “Câu lạc bộ 100 triệu đồng” cho những người trồng sắn, với 100 thành viên tham gia, trong đó nhiều thành viên có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Để giúp nông dân vùng miền núi xóa đói giảm nghèo bền vững, công ty đã hướng dẫn bà con tổ chức sản xuất, thâm canh cây sắn một cách bài bản từ kỹ thuật trồng sắn, khâu chăm sóc, thu hoạch nên diện tích trồng sắn không ngừng được mở rộng, đến nay đạt trên 4.500 ha (Hướng Hóa 4.000 ha, Đakrông 500 ha). Theo đó công ty đã nâng công suất nhà máy từ 50 tấn sản phẩm/ngày lên 200 tấn sản phẩm/ngày (tương đương với 700 tấn củ tươi/ngày, đêm).

Ở vùng Lìa trước đây đã có nhiều dự án phát triển cây công nghiệp như cao su, mía đường nhưng không hiệu quả. Năm 2004 sau khi tìm hiểu các đặc điểm của vùng Lìa, cùng với việc nghiên cứu thị trường, Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đã liên kết các hộ dân để xây dựng vùng trồng sắn nguyên liệu.

Đối với cây sắn, người dân địa phương đã trồng từ lâu đời, là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc, rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Ban đầu, công ty tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân trồng sắn và cam kết bao tiêu sản phẩm với giá có lãi, đồng thời cung cấp phân bón, cây giống, kỹ thuật trồng cho người dân, từng bước xây dựng mối quan hệ cùng tồn tại và phát triển giữa công ty với người dân vùng Lìa.

Từ mô hình liên kết mang lại kết quả nên diện tích và sản lượng sắn ở vùng Lìa đã tăng nhanh qua từng năm. Nếu năm 2004 toàn vùng chỉ có 300 ha sắn thì đến năm 2014 đã tăng lên gần 4.000 ha. Hiện nay sắn nguyên liệu đã được công ty thu mua với giá bình quân 36 triệu đồng/ ha.

Mỗi năm người dân vùng trồng sắn ở Hướng Hóa và Đakrông thu về gần 200 tỷ đồng từ việc bán sắn. Theo tính toán, việc trồng sắn ở vùng Lìa đã thu hút khoảng 20.000 lao động. Cây sắn giờ đây không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà là cây làm giàu cho bà con nơi đây.

Từ mô hình này đã tạo điều kiện cho các hộ dân thành viên có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra công ty còn đầu tư Nhà máy chế biến phân vi sinh giá rẻ tại xã Thuận (Hướng Hóa) để giúp nông dân phục hồi độ phì nhiêu cho đất, ổn định vùng nguyên liệu và hình thành một hệ thống sản xuất kinh doanh có tính liên hoàn, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Ông Hồ Dơn, một người trồng sắn lâu năm ở vùng Lìa cho biết: “Trước đây, đời sống gia đình tôi rất khó khăn vì chưa tìm được mô hình phát triển kinh tế phù hợp, nên cứ luẩn quẩn đói nghèo. Cuộc sống của gia đình thật sự thay đổi kể từ khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được xây dựng và đi vào hoạt động. Tôi đã khai hoang thêm hơn 4 ha đất để trồng sắn, bình quân mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng”.

Để hỗ trợ cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, vươn lên làm giàu, công ty đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực. Tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương giúp nông dân chuyển đổi canh tác hợp lý. Hàng năm công ty đã đầu tư trên 500 triệu đồng để tổ chức tập huấn cho nông dân với trên 4.000 hộ tham gia. Nhà máy tiếp tục tìm tòi, đa dạng hóa sản phẩm qua việc trồng thử nghiệm giống sắn HLS11 cho năng suất và sản lượng cao hơn.

Đặc biệt là có chính sách bán nợ phân bón do công ty sản xuất với giá chỉ bằng 60% giá các loại phân trên thị trường, sau đó thu mua sản phẩm với giá cao hơn cho những hộ bón phân do công ty sản xuất. Để bình ổn giá cả, công ty đã thương thảo giá cả với người dân trồng sắn sau đó đưa ra mức thu mua hợp lý; đồng thời minh bạch thông tin để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán gây lũng đoạn thị trường.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị cho biết: “Thời gian qua chúng tôi đã khẳng định được phương châm và mục tiêu kinh doanh là đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân làm giàu chính đáng. Thời gian tới công ty sẽ cùng với chính quyền các địa phương từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân cư ở các vùng nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa”.

Việc chuyển giao thành công kỹ thuật trồng sắn, xây dựng chặt chẽ mối quan hệ mật thiết giữa công ty với nông dân được thể hiện dưới hình thức sản xuất và tiêu thụ đã khẳng định sự phát triển trong thời kỳ hội nhập của công ty và có đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà; là hình mẫu tích cực về sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hỗ trợ nông dân vươn lên làm giàu.


Có thể bạn quan tâm

tim-mot-huong-mo-cho-kinh-te-trang-trai Tìm Một Hướng Mở Cho… mong-chinh-sach-song-cung-ngu-dan Mong Chính Sách "Sống" Cùng…