Mô hình kinh tế Doanh Nghiệp Nước Ngoài Chiếm Lĩnh Chăn Nuôi

Doanh Nghiệp Nước Ngoài Chiếm Lĩnh Chăn Nuôi

Ngày đăng 21/08/2013

Trong vòng hơn 1 năm, đã có 111 trang trại chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai chuyển qua gia công cho các công ty nước ngoài. Nhiều người nhận định, ngành chăn nuôi Đồng Nai trong tương lai không xa sẽ do các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh.

Thống kê của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho thấy, nếu đầu năm 2012, toàn tỉnh mới có 159 trang trại gia công cho các công ty nước ngoài (FDI) thì chỉ sau hơn 1 năm, số trang trại gia công cho công ty nước ngoài đã tăng lên 270 trang trại. Trong đó, chủ yếu gia công cho 3 công ty lớn là: Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (Công ty CP), Công ty TNHH Japfa, Công ty TNHH Emivest (Công ty Emivest).

* Liên tục tăng đàn

Gần 2 năm qua, chăn nuôi trong nước cũng như Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn vì giá cả bấp bênh, nhiều trang trại lớn mấp mé bờ vực phá sản. Thế nhưng, 2 trong 3 DN FDI có thị phần chăn nuôi lớn tại Đồng Nai lại không ngừng tăng đàn là Công ty CP và Công ty Emivest. Hình thức phát triển chăn nuôi của các DN này là mở rộng mạng lưới trại gia công. Dẫn đầu trong việc tăng đàn heo, gà là Công ty CP.

Đầu năm 2012, Công ty CP có 40 trang trại gia công heo với tổng đàn hơn 64 ngàn con thì đến đầu năm 2013, tăng lên 48 trang trại, tổng đàn gần 97 ngàn con. Hệ thống trang trại gia công gà trong công ty này cũng tăng 102 trang trại trong vòng hơn một năm. Ông Kiều Minh Lực, trợ lý Tổng giám đốc Công ty CP, cho biết: “Tuy giá cả bấp bênh, tổng đàn heo và gà của công ty trên địa bàn Đồng Nai vẫn tăng. Riêng đàn heo, 1 năm qua công ty tăng gần 1.500 con nái để tiếp tục mở rộng mạng lưới nuôi gia công heo thịt”. Do đó, sau 1 năm, tỷ lệ đàn heo của Công ty CP từ 6% tăng lên gần 9% trong tổng đàn heo của tỉnh.

Hơn 1 năm lại đây, Công ty Emivest cũng tăng gấp đôi số trang trại gia công gà thịt cho mình (tăng 10 trang trại) và tổng đàn trong hệ thống gia công tăng gần 600 ngàn con. Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, khẳng định: “Chăn nuôi gà của các DN nước ngoài chiếm gần 63% tổng đàn trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong 1 năm, tổng đàn gà của các DN nước ngoài đã tăng trên 1,1 triệu con”.

* Xu hướng nuôi gia công

Hầu hết các DN FDI đều cho hay, gần 2 năm qua giá heo, gà bấp bênh khiến DN lỗ nhiều hơn lời. Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, vào cuối tháng 5-2013, giá thành chăn nuôi heo, gà của các DN chăn nuôi nước ngoài thấp hơn khá nhiều so với các trang trại chăn nuôi trong tỉnh. “Nếu tính bình quân cả năm, các DN FDI vẫn có lời. Vì không một DN nào thua lỗ lớn lại tiếp tục tăng đàn nhiều như vậy” - ông Phan Minh Báu, nhận định.

Theo tính toán của ông Trần Đức Vinh Quang, chủ trang trại heo ấp Võ Dõng, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), bình quân đàn nái của DN FDI sinh sản cao hơn đàn nái trong tỉnh từ 4 - 6 heo con/nái/năm, giá cám rẻ hơn khoảng 2 ngàn đồng/kg. Do lợi thế hơn về chi phí cám và giống nên khả năng giá thành heo, gà của DN FDI rẻ hơn là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận họ có kỹ thuật chăn nuôi tốt nên khả năng hao hụt về dịch bệnh cũng thấp hơn và đầu ra ổn định hơn.

Nhiều chủ trang trại lớn ở Đồng Nai cũng nhận xét, với nhiều lợi thế kể trên, chỉ trong tương lai gần, mạng lưới trang trại gia công của các DN FDI sẽ chiếm lĩnh thị trường và xu hướng nông dân chuyển dần sang nuôi gia công là điều rất bình thường.

Ông Bùi Đức Lợi, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và là chủ một trang trại heo lớn ở ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), nói: “Có thể DN FDI chăn nuôi khép kín, chủ động được đàn giống từ ông bà đến cha mẹ, giống nuôi thương phẩm, thức ăn… nên giảm được nhiều chi phí, dẫn đến giá thành thấp hơn cách chăn nuôi trang trại của nông dân bình thường”.


Có thể bạn quan tâm

xay-dung-mo-hinh-canh-tac-lua-giam-phat-thai-khi-nha-kinh Xây Dựng Mô Hình Canh… nuoi-heo-tren-dem-lot-sinh-thai-khac-phuc-o-nhiem-moi-truong Nuôi Heo Trên Đệm Lót…