Mô hình kinh tế Độc Đáo Trại Nuôi Cá Trên Không

Độc Đáo Trại Nuôi Cá Trên Không

Ngày đăng 10/05/2014

Dưới ánh sáng xanh huyền ảo được thiết kế mô phỏng đáy sâu đại dương và trông tựa như một công viên hải dương, những đàn cá mú bình thản lượn lờ trong những bể nước sủi tăm hình tròn bố trí trên tầng thứ 15 của một nhà kho ở Chai Wan, Hồng Kông.

Tổng cộng có 11 bể chất dẻo chứa 80.000 lít nước muối và mỗi bể nuôi được khoảng 1.000 con cá. Theo định kỳ, một cánh tay robot có nhiệm vụ phóng những viên thức ăn xuống bể nuôi.

Cá mú được nuôi trên cao để cung cấp cho các nhà hàng khắp Hồng Kông. Đó là quang cảnh ở Oceanethix - một trong nhiều cơ sở được gọi là “trại nuôi cá trên không” ở Hồng Kông.

Trong khi phần lớn các trại nuôi cá trên thế giới được xây dựng trên biển hay trên mặt đất, thì trại nuôi cá này được thiết kế trên tầng thượng của các tòa nhà ở Hồng Kông. Bởi Hồng Kông có mật độ dân số cao trong khi đất ở lại hạn chế nhất thế giới! Người Hồng Kông rất thích ăn cá và hải sản, trung bình mỗi người tiêu thụ hơn 70kg cá/năm - tức nhiều hơn Mỹ 10 lần.

Lloyd Moskalik, Giám đốc điều hành người Australia của Oceanethix, cho biết doanh nghiệp của ông thuê dụng 6 người đi mua cá mú con và nuôi trong vòng 10 đến 13 tháng là đủ lượng hàng để xuất ra thị trường Moskalik, mỗi tuần công ty bán ra khoảng 1 tấn cá mú cho thương lái với giá 776 HKD/1kg (khoảng 100 USD). Nhu cầu tiêu thụ cá nuôi tăng cao ở Hồng Kông và trong 5 năm qua giá bán sỉ tăng từ 10 đến 15% mỗi năm.

Không chỉ kinh doanh cá, Oceanethix còn là nhà cung cấp các hệ thống xử lý nước cho các công ty muốn khai thác mô hình trại cá trên không ở khắp châu Á. Moskalik cho biết: "Chính quyền Hàn Quốc chọn chúng tôi làm đối tác để phục vụ chương trình mở rộng các trại chăn nuôi trên nóc các tòa nhà cao tầng ở Seoul".

Chính quyền Singapore cũng đặt mua các hệ thống xử lý nước của Oceanethix - công ty có chi nhánh ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, để cung cấp trực tiếp cho thị trường. Moskalik còn có kế hoạch mở rộng thêm các chi nhánh ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Theo Moskalik, muốn cho ra sản phẩm cá nuôi chất lượng cao, doanh nghiệp cần đầu tư loại nước không nhiễm độc tố hay kim loại nặng và nhất là không được sử dụng hormone tăng trưởng. Về vấn đề xử lý nước thải, Oceanethix sử dụng vi khuẩn để chuyển hóa chất thải từ cá thành bột mịn.

Công ty Oceanethix đã sử dụng con hàu để lọc nước liên tục và dọn dẹp chất thải của cá. Muối sử dụng cho các bể cá nuôi của Oceanethix được nhập khẩu từ Đức hoàn toàn không có kim loại nặng. Theo đánh giá của Moskalik, loài cá mú chuột có giá trị kinh tế cao với 100 USD/kg.

Nhu cầu tiêu thụ hải sản gia tăng ở Hồng Kông và đặc biệt là Trung Quốc đã góp phần làm gia tăng số lượng cá nhập khẩu từ các vùng giàu hải sản như Philippines, Malaysia và Indonesia.

Theo tính toán của Cơ quan Công nghệ nuôi trồng hải sản Hồng Kông (MCT), mỗi năm có khoảng 40.000 tấn cá - trị giá hơn 800 triệu USD - được nhập khẩu bằng đường không hay đường biển vào Hồng Kông, Trung Quốc và Macau.

Trong những năm gần đây, phong trào xây dựng trại nuôi cá trên không phát triển mạnh trên toàn thế giới, và nhãn hiệu Oceanethix thân thiện với môi trường cũng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Người phát ngôn của Yokukawa - nhà hàng sushi Nhật Bản ở Hồng Kông, nơi bán cá của Oceanethix -   cho biết cá của công ty cung cấp bảo đảm sạch và có vị ngon như cá biển tự nhiên. Giám đốc Moskalik nói rằng: "Mục tiêu của công ty là nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao, từ 40 đến 150 USD/kg. Nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản tươi sống sạch ở Trung Quốc cũng yêu cầu phát triển công nghệ xanh trong chăn nuôi".

Ở Hồng Kông không chỉ có trại nuôi cá trên không mà ngày càng có nhiều người dân xây dựng các trại trồng rau và cây ăn trái trên nóc các tòa nhà cao tầng hay trên mái nhà. Chắc chắn ý tưởng này phát triển từ mối lo ngại trước hàng loạt vụ bê bối an toàn vệ sinh thực phẩm ở Trung Quốc đại lục.

Một trong những người đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người Hồng Kông là Osbert Lam, chủ nhân của Hong Kong City Farms.

Từ sở thích nuôi trồng cách đây 10 năm, hiện Osbert Lam đang là chủ 3 trại nuôi trồng, biến hàng ngàn mét vuông không gian mái nhà thành những mảnh vườn nhỏ. Một trong 3 trang trại trên không của Osbert Lam là nóc tòa nhà 14 tầng trong khu công nghiệp Quarry Bay, trái tim của Hồng Kông. Sự phát triển mạnh các mảnh vườn trên mái nhà cũng có ý nghĩa đối với các nhà nuôi ong trong khu vực thành thị.

Michael Leung, người sáng lập Công ty nuôi ong HK Honey, luôn tìm kiếm những không gian mới trên các tầng cao để thiết kế tổ ong và cung cấp cho thị trường sản phẩm mật ong sạch chất lượng cao.


Có thể bạn quan tâm

pho-thu-tuong-lao-danh-gia-cao-du-an-cao-su-cua-viet-nam Phó Thủ Tướng Lào Đánh… nuoi-de-sinh-san-o-tan-ky Nuôi Dê Sinh Sản Ở…