Dốc "Hầu Bao" Cho Nông Nghiệp Công Nghệ Cao
Từ bỏ cách làm nông nghiệp truyền thống, hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân và nông dân Lâm Đồng sẵn sàng dốc hầu bao đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Điều gì đã khiến cho "làn sóng đầu tư" bùng lên trên vùng đất nam Tây Nguyên này?
Từ du khách thành nhà đầu tư
Du khách thăm khu du lịch hồ Than Thở, TP Đà Lạt đều ngỡ ngàng trước vườn treo dâu tây rực rỡ của Công ty TNHH Sinh học sạch Biofresh. Chủ doanh nghiệp là ông Nghiêm Văn Minh, một Việt kiều đã định cư ở Pháp hơn 40 năm. Với phong cách trầm tĩnh, giọng nói ôn tồn và cặp kính trắng, ông chủ Biofresh có dáng vẻ một nhà khoa học hơn là doanh nhân.
Vốn là chuyên gia về phần mềm ở Pháp, không hiểu nhiều về lĩnh vực nông nghiệp, nhưng những chuyến về thăm quê Đà Lạt đã thổi bùng sự đam mê trồng dâu tây nơi ông Minh. Ông tâm sự, nước Pháp là quê hương đích thực của dâu tây, nhưng Đà Lạt lại là mảnh đất màu mỡ để trồng loại cây này.
Quyết tâm sản xuất sạch đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, ông Minh đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của những chuyên gia hàng đầu về dâu tây, mứt, si-rô ở Pháp và Hà Lan. Công ty nhập công nghệ chế biến dâu tây tiên tiến nhất từ Hà Lan, xây dựng thương hiệu dâu tây Mara des bois - loại dâu tây thơm ngon nhất nước Pháp.
Sau khi các sản phẩm mứt làm từ dâu tây được một số khách sạn năm sao tin dùng, đến nay sản phẩm không đủ để bán. Gia đình ông Minh đã đầu tư hơn một triệu USD vào dự án và tiếp tục xin địa phương giao thêm 10 ha để trồng dâu tây.
Trao đổi về lý do đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp "khó nhằn" này, ông Minh bày tỏ: Những lần về nước, tôi thấy bà con bên mình làm nông nghiệp vất vả quá. Nông dân suốt ngày còng lưng trên đồng còn quả dâu tây lúc nào cũng lấm đất, lại phun thuốc hóa học độc hại nữa.
Nông dân ở châu Âu làm vườn nhàn không hà, mà giàu lắm. Tôi quyết định đầu tư vào đây với mục đích chính không phải lợi nhuận, mà là gây dựng một mô hình sản xuất tiên tiến để bà con mình làm theo. Mô hình này cũng rất tốt cho du lịch.
Ông chỉ tay vào vườn treo dâu tây với hệ thống điều chỉnh ánh sáng và tưới tự động: Tôi có thể bê cả mảnh vườn này đặt trên hè phố Đà Lạt cho du khách chiêm ngưỡng...
Những nhà đầu tư NNCNC đổ về Lâm Đồng ngày càng nhiều. Riêng khối doanh nghiệp FDI đã đầu tư hơn 500 triệu USD.Trong tổng nguồn vốn hơn 13 nghìn tỷ đồng được huy động thực hiện Chương trình NNCNC giai đoạn 2011-2014 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 2,54%. Nguồn vốn từ doanh nghiệp 35,26% và nguồn vốn đầu tư lớn nhất đến từ những người nông dân 56,53%.
Cuốn nông dân theo dòng đầu tư
Dòng chảy đầu tư của khối tư nhân vào NNCNC đã làm thay đổi quan niệm của người nông dân Lâm Đồng. Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng Vũ Văn Tư nhận định: "Nông dân đã nhận thức được giá trị của các sản phẩm NNCNC.
Nông sản được sản xuất theo lối truyền thống khó có thể cạnh tranh với sản phẩm NNCNC cả về chất lượng, giá cả, thị trường".
Chúng tôi chứng kiến điều này khi về thăm cơ sở vườn ươm Thiên Sinh tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, chuyên sản xuất các loại rau xà lách, su hào, bắp cải, rau dền, cà chua... Trước đây mọi khâu sản xuất đều được làm bằng tay, nhưng giờ đây những nông dân chân lấm tay bùn đã học được cách sử dụng các loại máy thả hạt, máy vào đất, máy trộn, máy nâng...
Số lao động giảm một nửa trong khi năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên. Chủ cơ sở Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, mỗi năm gia đình đầu tư khoảng 5-6 tỷ đồng cho sản xuất, trong đó có đầu tư ươm trồng theo công nghệ mới.
Hơn 70 lao động làm việc trong cơ sở đã chuyển từ sản xuất truyền thống sang áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, xuất hàng đúng ngày, cơ giới hóa nhiều khâu sản xuất. Người lao động ở đây có mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Là một nông dân thứ thiệt, anh Bùi Ngọc Cung, thôn Hải Dương, xã Lạc Lâm đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho khu vườn 4.000 m 2 của gia đình để trồng ớt ngọt. Trước đây anh trồng ớt trong nhà lưới màn thì vốn đầu tư rất ít, thu lãi ba, bốn trăm triệu đồng mỗi vụ, ba năm hai vụ.
Nay anh quyết tâm chuyển sang trồng giá thể công nghệ cao, sử dụng khung sắt cỡ lớn, mái nhựa, hệ thống tưới tự động, phấn đấu có những mảnh vườn 2 tỷ đồng/ha như những nông dân cùng huyện Đơn Dương.
Anh cho biết, do đất nông nghiệp đem lại thu nhập cao, ổn định, nên giá chuyển nhượng ở xã Lạc Lâm trung bình 60 triệu đồng/100 m 2 , tuy nhiên rất ít nông dân muốn bán đất vườn. Ở thôn Hải Dương, không ai muốn ly hương, thậm chí còn phải thuê thêm lao động. Hiện nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.500 lao động từ các địa phương khác đến huyện Đơn Dương làm nông nghiệp.
Tiếp xúc với những nông dân Lâm Đồng, chúng tôi thấy đã có những thay đổi cơ bản về quan niệm sản xuất nông nghiệp. Đó là diện tích không cần phải lớn, quan trọng là trồng cây giá trị cao và ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, là liên kết làm ăn để chuyên môn hóa từng khâu.
Nếu như sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn sản xuất sạch thì người nông dân cũng không phải lo đầu ra. Và càng ứng dụng công nghệ cao thì càng lãi lớn, năng suất và giá trị nông sản đã tăng khoảng 30% khi áp dụng công nghệ cao.
Nhờ tư duy đó, so với 10 năm trước, doanh thu bình quân trên đơn vị diện tích canh tác của Lâm Đồng tăng 4,5 lần, đạt 122 triệu đồng/ha. Diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao chiếm 15% diện tích canh tác nông nghiệp toàn tỉnh và đang tiếp tục mở rộng. Không khó tìm thấy những mảnh vườn, mảnh ruộng đem lại doanh thu từ 500 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm cho người nông dân.
Dòng đầu tư vào NNCNC ở Lâm Đồng vẫn rất mạnh mẽ, đây đó đã thấp thoáng bóng dáng những chủ doanh nghiệp là nông dân, không chỉ biết làm nông nghiệp mà còn biết tính toán để làm giàu, trở thành những ông chủ, bà chủ nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ