Mô hình kinh tế Dồi Dào Nguồn Cung Thực Phẩm Tết

Dồi Dào Nguồn Cung Thực Phẩm Tết

Ngày đăng 18/12/2014

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015. Theo nhận định của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng như các chủ trang trại, nguồn cung thực phẩm dịp Tết năm nay khá dồi dào và khó có sự gia tăng đột biến về giá.

Nguồn cung lớn

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, năm 2014, ngành chăn nuôi được vực dậy sau nhiều năm liên tiếp gặp khó khăn do dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ, mỗi năm, HTX cung ứng khoảng 90.000 tấn thịt lợn hơi ra thị trường, tương đương 7.500 tấn/tháng. "Hiện nay, giá lợn xuất chuồng đang ở mức 51.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm trước khoảng 20%, nên người chăn nuôi đang có lãi và yên tâm tái đàn phục vụ Tết" - ông Thanh nói. Nhiều hộ chăn nuôi cũng cho rằng, kiểm soát tốt dịch bệnh, chăn nuôi đang có lãi nên người nông dân tích cực tái đàn. Do đó, sản lượng thịt cung cấp cho thị trường những tháng cuối năm là khá lớn...

Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, người chăn nuôi đã tiếp cận với thị trường tốt hơn và quan tâm tới ATTP, đảm bảo an toàn dịch bệnh nhiều hơn. Vì vậy, nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi chính như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng trong dịp Tết năm nay sẽ khá dồi dào, ổn định.

Kiểm soát tốt dịch bệnh

Do nguồn cung dồi dào, nên giá các mặt hàng thực phẩm chăn nuôi khó tăng đột biến trong dịp Tết này. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các DN, HTX cũng như hộ chăn nuôi đã và đang tìm mọi biện pháp để giảm giá thành sản xuất. Đơn cử, tại HTX Hòa Mỹ, các hộ chăn nuôi đã liên kết với nhau cùng mua thức ăn chăn nuôi để giảm giá đầu vào. "Nếu một hộ mua 10 tấn thức ăn thì giá giảm được rất ít nhưng nếu nhiều hộ cùng liên kết để mua với số lượng gấp 10 lần thì chiết khấu giá sẽ cao hơn" - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ Nguyễn Văn Thanh cho biết. Riêng tại trang trại nhà ông Thanh, do tự sản xuất được thức ăn cho lợn thịt từ 30kg trở lên nên đã giảm giá thành từ 1.000 - 1.500 đồng/kg.

Điều đáng ghi nhận là các mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ chăn nuôi đang ngày một được nhân rộng, nhất là ở Hà Nội. Tuy nhiên, để duy trì được sự ổn định của thị trường chăn nuôi những tháng cuối năm, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn cần có biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh và thị trường. Bởi, sau một thời gian tạm lắng, dịch lở mồm long móng và cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại tại 4 địa phương ở cả 3 miền, gồm: Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Sở đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12 là giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra công tác tiêm phòng bổ sung các loại vaccine cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.

"Năm nay, bà con nông dân đã có chuẩn bị tốt, nghiên cứu kỹ thị trường để tái đàn, tăng đàn hợp lý, tránh tình trạng thiếu - thừa làm cho giá bấp bênh, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Giá các sản phẩm chăn nuôi hiện nay ở cả 3 miền cũng không có sự chênh lệch lớn." - Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT


Có thể bạn quan tâm

huyen-thach-thanh-thanh-hoa-co-hon-400-ho-nuoi-ong-mat-dat-hieu-qua-kinh-te-cao Huyện Thạch Thành (Thanh Hóa)… hau-giang-tim-lai-vi-the-cho-ca-ro-dong-dau-vuong Hậu Giang Tìm Lại Vị…