Mô hình kinh tế Đối mặt đợt hạn lịch sử trong vòng 60 năm qua

Đối mặt đợt hạn lịch sử trong vòng 60 năm qua

Ngày đăng 07/11/2015

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu ưu tiên nước trước hết cho sinh hoạt, nông nghiệp

Trong khi đó, tình hình xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đang báo động, với mực nước mùa lũ thấp nhất kể từ năm 1926 trở lại đây.

Đây là những cảnh báo mà các Bộ, ngành đưa ra tại Hội nghị trực tuyến do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cùng các địa phương bàn giải pháp ứng phó với hạn hán năm 2015 – 2016 diễn ra cuối tuần qua.

Nguy cơ tê liệt SX nông nghiệp

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, mùa mưa bão năm nay tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ sẽ có ít hơn các đợt mưa, xác suất có bão kèm mưa lớn tại các tỉnh phía Nam từ nay tới cuối năm sẽ ít có khả năng xảy ra.

Trong khi đó, hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến kéo dài sang năm 2016 với nhiệt độ nước biển cao hơn bình thường từ 0,5 đến 1 độ C.

Với dự báo này, xác suất 90% đây sẽ là đợt El Nino có diễn biến dài và phức tạp nhất trong vòng 60 năm qua.

Tại Ninh Thuận, ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, từ tháng 9/2015 tới nay, Ninh Thuận đã có mưa nhưng không đều.

Hiện toàn tỉnh vẫn còn 17 hồ chứa mới tích được dưới 20% lượng nước.

Nếu hiện tượng El Nino kéo dài đến giữa năm 2016, hạn hán sẽ vô cùng phức tạp, gay gắt hơn thời gian qua.

“Kinh nghiệm cho thấy sau 23/11 hàng năm, nếu không có mưa nữa thì mùa mưa chấm dứt.

Trong khi đó việc tích nước của các hồ chứa còn ở mức rất thấp” – ông Vĩnh lo ngại.

Tình hình hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên cũng đang diễn biến xấu.

Theo ông Y Dhăm Ênuôl – Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, vụ ĐX 2015 của tỉnh này có tới trên 2.100 ha hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó trên 6.000 ha mất trắng, thiệt hại trên 2.100 tỉ đồng, vụ hè thu vừa qua thiệt hại 171 tỉ đồng.

Hiện đang là mùa mưa của Tây Nguyên nhưng lượng mưa chỉ đạt 60-80% so với trung bình nhiều năm (TBNN) và phân bố không đồng đều, có nơi chỉ đạt trên 40% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 770 hồ chứa trên địa bàn tỉnh này, hiện chỉ mới có 250 hồ tích được 60-80% lượng nước, còn lại đều tích dưới 60% dung tích, trong đó có nhiều hồ đang ở mực nước chết.

Khẩn trương bơm nước cứu lúa

Đáng ngại nhất, theo ông Y Dhăm Ênuôl, đó là hiện đa số các vùng cây công nghiệp như cà phê (230 nghìn ha), hồ tiêu (hơn 16 nghìn ha) của tỉnh này đều nằm tại các vùng không có hồ chứa nên tình hình chống hạn vô cùng lúng túng, trong khi mực nước ngầm liên tục tụt giảm.

“Với đặc thù mùa mưa chỉ có 3 tháng, mùa khô 6 tháng, nếu thời gian tới không có mưa, nguy cơ tê liệt SX nông nghiệp, nhất là đối với cây công nghiệp sẽ cực kỳ đáng ngại” – ông Y Dhăm Ênuôl ái ngại.

Cũng theo vị này, kết quả kiểm kê rừng mới đây cho thấy mật độ che phủ rừng của tỉnh hiện đã tụt xuống chỉ còn chưa đầy 39%, nguy cơ phá vỡ “lá phổi của Tây Nguyên” sẽ cận kề nếu không có chương trình trồng rừng khôi phục để giữ nước ngầm.

Hiện Đăk Lăk đã lập BCĐ ứng phó với hạn và ra chỉ thị về phòng chống hạn, nhưng chắc chắn dự báo vụ ĐX 2015 – 2016 sẽ đón những kết quả không tốt đẹp.

Không chỉ các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ĐBSCL cũng đang ghi nhận những hiện tượng tự nhiên bất thường.

Theo Bộ NN-PTNT, mực nước mùa lũ năm nay đo được tại Tân Châu đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 1926 trở lại đây, khiến triều cường, xâm nhập mặn đến sớm và nghiêm trọng hơn mọi năm.

Ông Lê Văn Sử, GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, với đặc thù không lấy được nước từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu, lượng mưa vào mùa mưa năm nay ở tỉnh ít và không đều so với mọi năm, cộng với triều cường có dấu hiệu đến sớm và cao hơn mọi năm khiến việc tích nước cho thau chua, rửa mặn cho các vùng đất lúa hết sức khó khăn.

“Ảnh hưởng này khiến lúa vụ 2 và các diện tích tôm – lúa của Cà Mau nhiều khả năng sẽ tụt giảm và khó đạt được như kế hoạch đề ra” – ông Sử đánh giá.

Ưu tiên hàng đầu cho sinh hoạt, nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, cùng với Việt Nam, nhiều nước trong khu vực ASEAN cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của El Nino như cháy rừng nghiêm trọng tại Indonesia, bão mạnh càn quét Philippin… khiến SX lúa nhìn chung đang gặp khó khăn.

Điều này dự báo phần nào sẽ có xu hướng thuận lợi cho người trồng lúa trong nước, nên định hướng trong thời gian tới là cần nỗ lực khắc phục khó khăn để đẩy mạnh SX lúa, nhất là các tỉnh ĐBSCL.


Ruộng đồng khô cháy vì hạn hán

Đối với các tỉnh Tây Nguyên, nên rà soát giảm diện tích lúa, điều chỉnh cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa để ưu tiên nước tưới trước hết cho các vùng cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê.

Các vùng cây công nghiệp của Tây Nguyên cần nhanh chóng đưa phương pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết ngay trong tháng 11/2015, sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi mời các DN vào Tây Nguyên tổ chức trình diễn, giới thiệu công nghệ tưới nhỏ giọt có giá thành hợp lí để nông dân tiếp cận.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương chậm nhất đến ngày 15/11/2015 phải xây dựng xong kế hoạch ứng phó với hạn 2015 – 2016 gửi Bộ NN-PTNT tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Tinh thần chung trong chống hạn, trước hết đặt mục tiêu ưu tiên bảo đảm được nước cho sinh hoạt và dịch vụ, sau đó đến đảm bảo SX nông lâm nghiệp - thủy sản.

Kế đến là vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm, bởi kinh nghiệm đối phó hạn năm 2015 tại Ninh Thuận cho thấy vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh cho người và gia súc đặt ra rất cấp bách. Quá trình triển khai chống hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phải chủ động sử dụng nguồn ngân sách để kịp thời xử lí ứng phó, không được trồng chờ Trung ương.

“Trường hợp như Ninh Thuận vừa qua là xử lí rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số việc như hỗ trợ về giống, không phải cần quá nhiều tiền nhưng lại là giải pháp căn cơ cho ứng phó hạn năm 2015 để thay đổi cơ cấu mùa vụ.

Những trường hợp cần thiết như thế địa phương phải ứng vốn trước, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính sẽ xử lí sau, chứ chờ Trung ương theo trình tự thì không thể nào kịp” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Tổng lượng mưa từ nay đến 2016 dự báo sẽ giảm 30 – 40%, dòng chảy các sông giảm 20 – 30%, có nơi giảm 90%, các hồ chứa tích nước yếu, ngay cả các hồ thủy điện phía Bắc cũng thiếu tới 9 tỉ mét khối, nhiều hồ chứa khu vực Trung bộ - Tây Nguyên mới chỉ tích được bình quân 20 – 30% mực nước dâng bình thường.

Ở ĐBSCL, trước đây dự báo lượng nước về ĐBSCL sẽ giảm 20 – 40% trong mùa cạn, nay thì đã giảm tới mức đó ngay trong mùa lũ… Vì vậy, tình hình hạn hán từ nay đến 2016 là rất nghiêm trọng.

Bộ NN-PTNT phải đẩy nhanh các dự án chống nhiễm mặn, thay đổi cơ cấu cây trồng tại các tỉnh ĐBSCL, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm; tiếp tục duy trì phát huy công tác kiểm soát cháy rừng như năm 2015 đã làm tốt.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công thương tiếp tục có giải pháp điều hòa sử dụng nước sớm, hợp lí theo các mục tiêu ưu tiên.

Các cơ quan liên quan của Trung ương và địa phương phải đặc biệt chú trọng truyền thông về tiết kiệm nước, bởi có vẻ vẫn chưa làm cho người dân hiểu được chúng ta đang thiếu nước.

Đặc biệt tập trung truyền thông để dân biết về việc sẽ có hạn, thiếu nước và bất thường thời tiết nghiêm trọng trong năm 2015 – 2016.

Đồng thời, triển khai các giải pháp để người dân chủ động tiết kiệm nước, tích trữ nước và sử dụng nước có hiệu quả. (Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải).


Có thể bạn quan tâm

cam-son-co-nhieu-ham-biogas Cẩm Sơn có nhiều hầm… nang-cao-y-thuc-su-dung-an-toan-thuoc-bvtv Nâng cao ý thức sử…