Mô hình kinh tế Đổi thay nhờ tư duy mới

Đổi thay nhờ tư duy mới

Ngày đăng 04/05/2015

Thuận lợi hơn so với các địa phương khác trong tỉnh nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, song nông dân vùng lòng chảo Điện Biên cũng không tránh khỏi thời gian loay hoay với bài toán tăng năng suất, sản lượng lúa. Nhưng đó chỉ là chuyện của quá khứ.

Cuộc sống ngày càng sung túc ấm no khi bà con biết làm giàu trên mảnh đất quê hương nhờ đồng ruộng, biết áp dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống lúa mới đem lại hiệu quả kinh tế vào gieo trồng. Đặc biệc việc hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa hàng hóa chất lượng với diện tích từ 3.000 - 3.500ha (tùy từng vụ) trên địa bàn các xã vùng lòng chảo giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích sản xuất.

Năng suất lúa vùng lòng chảo hiện đạt 65 - 70 tạ/ha/vụ. Tại không ít xã giá trị sản xuất vượt 100 triệu đồng/ha/năm nhờ thâm canh lúa nước theo hướng hàng hóa thay vì chỉ đạt từ 30 - 40 triệu đồng/ha/năm như nhiều năm về trước.

Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đặc biệt là đưa một số giống lúa chất lượng cao vào sản xuất thử nghiệm rồi triển khai sản xuất đại trà nên bên cạnh các giống lúa chủ lực, như: Bắc thơm số 7, Hương thơm số 8, IR64, nông dân vùng lòng chảo có sự lựa chọn đa dạng về bộ giống trong gieo trồng, hạn chế thấp nhất rủi ro mất mùa cục bộ do giống. Với vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng đến nay nông dân vùng lòng chảo không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn mà còn dư xuất bán ra ngoài tỉnh, nhờ đó đời sống ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Đặc biệt sản phẩm “gạo Điện Biên” gieo cấy tại vùng lòng chảo trở thành thương hiệu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Từng bước hình thành liên kết sản xuất, nông dân hợp tác với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đi đầu là nông dân các xã: Thanh An, Thanh Xương, Thanh Hưng…

Tại xã Thanh An nhiều năm nay nông dân trên địa bàn liên kết với Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên sản xuất lúa giống và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Lò Văn Hương, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, hầu hết diện tích lúa nước trên địa bàn đã sản xuất 2 vụ/năm nhờ hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, chủ động được nguồn nước. Người dân liên kết với Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên đưa gần 100ha ruộng 2 vụ vào sản xuất lúa giống (vụ đông xuân và vụ mùa).

Quy trình sản xuất lúa an toàn, được khử tạp dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty theo từng giai đoạn sản xuất không chỉ giảm chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động mà còn tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác. Tiếp cận và năng động sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình liên kết với doanh nghiệp, cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 10,7%.

Phát huy thế mạnh vùng chuyên canh lương thực của tỉnh, cùng với việc xây dựng vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng, lúa đặc sản, huyện Điện Biên tiếp tục triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Nói về lộ trình thực hiện mô hình này, ông Phạm Văn Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Dự kiến trong năm 2015, mô hình cánh đồng mẫu sẽ được thực hiện thí điểm tại 4 xã được lựa chọn điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 ở vùng lòng chảo đó là: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Hưng và Thanh Chăn.

Xúc tiến cho quá trình xây dựng mô hình cánh đồng mẫu tại những xã này, công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng được các cấp chính quyền trong huyện phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể chú trọng nhằm giúp bà con hiểu được lợi ích, tạo sự đồng thuận khi thực hiện, tự nguyện dồn điền đổi thửa; liên kết với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến nông sản, nhất là chế biến gạo để thu mua nông sản cho người dân; xây dựng mô hình trình diễn, hướng dẫn về KHKT... để nông dân yên tâm sản xuất theo mô hình mới. Xây dựng cánh đồng mẫu thành công cùng với việc đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong thời gian tới sẽ không chỉ thực hiện tốt chương trình thâm canh tăng vụ mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình chỉ đạo tổ chức sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Thống nhất trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các ngành chuyên môn từ huyện đến cơ sở, sản xuất lúa hàng hóa vùng lòng chảo Điện Biên đúng định hướng cùng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tin rằng sự đổi mới tư duy sản xuất, cánh đồng Mường Thanh màu mỡ, tốt tươi sẽ đem đến cho người người dân nơi đây cuộc sống ấm no hơn, đầy đủ hơn góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-chan-nuoi-huong-thoat-ngheo-o-keo-lom Phát triển chăn nuôi hướng… cho-phep-nhap-thit-bo-phap-dat-yeu-cau-vao-thi-truong-viet-nam Cho phép nhập thịt bò…