Mô hình kinh tế Đồng Bằng Sông Cửu Long méo mặt vì giá tôm

Đồng Bằng Sông Cửu Long méo mặt vì giá tôm

Ngày đăng 20/05/2015

Giá tôm quá tệ nên nhiều hộ nuôi giỏi vẫn không có lãi...

Nuôi giỏi hòa vốn

Mới bước vào vụ thu hoạch tôm nuôi chính vụ ở ĐBSCL chưa đầy 1 tháng nhưng giá tôm thương phẩm đã giảm chóng mặt.

Trung bình, giá tôm sụt giảm từ 5.000 - 10.000đ/kg/tuần. Giảm mạnh nhất là mặt hàng tôm sú loại 30 con/kg, chỉ trong vòng 1 tuần đã mất gần 15.000đ/kg, xuống còn 155.000đ/kg (giá thu mua tại ao).

Tôm sú loại 20 con/kg giá 235.000đ/kg, 40 con/kg giá 135.000đ/kg, cùng giảm 5.000đ/kg so với tuần trước.

Riêng loại 50 con/kg hiện giảm chỉ còn 100.000đ/kg. Tương tự, tôm TCT cũng đang giảm khá sâu: Loại 40 con/kg giá chỉ còn 120.000đ/kg và cứ mỗi nấc tăng thêm 10 đầu con/kg giảm từ 12.000 - 15.000đ/kg. Hiện loại 100 con/kg giá chỉ còn 70.000đ/kg.

Với đà sụt giảm này, người nuôi tôm thành công cũng méo mặt vì đứng trước nguy cơ thua lỗ. Theo tính toán của người nuôi tôm, giá thành để nuôi được 1kg tôm TCT đến cỡ 100 con/kg, nếu suôn sẻ tốn hết khoảng 65.000đ/kg, còn tôm cỡ 50-60 con/kg giá thành lên đến 100.000đ/kg.

Vừa thu hoạch một ao tôm TCT, ông Nguyễn Văn Thoái, ở xã Rạch Chèo, Phú Tân (Cà Mau) ngao ngán: “So với cùng kỳ năm trước, giá tôm TCT hiện đã giảm gần 30%. Nếu như năm trước tôi nuôi thành công như vụ này chí ít cũng phải lời  100 triệu đồng/ao (500 m2). Còn vụ này tôm nuôi đạt 70 con/kg nhưng giá bán chưa đến 90.000đ/kg, tính ra mới hòa vốn”.

Trong khi giá tôm liên tục giảm nhưng thị trường thuốc thú y thủy sản, thức ăn cho tôm lại tăng. Các yếu tố khác trong nuôi tôm như giá điện cũng tăng cao, càng khiến người dân chán nản.

Cụ thể, đợt tăng giá điện vừa qua, người nuôi tôm ở Cà Mau đang phải trả 1.600đ/kWh (tăng 200đ/kWh), đối với các hộ nuôi đã đăng ký và được áp giá. Còn các hộ chưa được áp giá thì mỗi kWh lên tới 4.000đ (tăng 1.000đ/kWh).

Chưa hết, nỗi lo lớn nhất của người nuôi tôm công nghiệp hiện nay là tình hình dịch bệnh rất phức tạp. Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Cà Mau, từ đầu năm đến nay, đã có gần 3.000ha tôm nuôi của bà con trong tỉnh bị thiệt hại.

Trong đó, tập trung nhiều tại các huyện phát triển nuôi công nghiệp mạnh như Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước…, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi đã phải treo ao do không còn tiềm lực đầu tư.

Không chỉ tôm nuôi công nghiệp mà ngay cả những hộ nuôi quảng canh, chi phí đầu tư thấp cũng cảm thấy bất an với giá tôm như hiện nay.

Ông Trịnh Vũ Phong, ở xã Đông Hòa, An Minh (Kiên Giang) có 3 ha nuôi quảng canh tôm - lúa cho biết: “Từ đầu năm đến nay gia đình đã thu hoạch được gần 500kg tôm sú, nhưng giá bán chỉ trên dưới 100.000đ/kg, lãi không đáng kể.

Do các hộ nuôi xung quanh bị dịch bệnh, tôi phải thu hoạch sớm nên chỉ đạt trọng lượng 50 con/kg. Nhưng với giá tôm giảm nhanh như hiện nay thì có nuôi thêm một thời gian nữa chưa chắc đã có lãi mà rủi ro dịch bệnh lại rất lớn, không khéo lỗ vốn”.

Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đến trung tuần tháng 5 đạt 95.718 ha, tăng trên 5.000ha so với kế hoạch. Trong đó, nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp hơn 1.000ha, còn lại là quảng canh cải tiến và tôm - lúa.

Sản lượng tôm đã thu hoạch đạt trên 11.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá tôm thương phẩm thời gian qua liên tục giảm mạnh khiến người nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ nếu gặp dịch bệnh.

XK gặp khó

Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (Casep) cho biết: Hiện giá trị XK tôm trên địa bàn tỉnh mới được 201.960 triệu USD, chỉ đạt 65,7% so với cùng kỳ.

“Bên cạnh việc nhiều DN xuất khẩu trên địa bàn gặp khó khăn do vướng phải những rào cản về kỹ thuật, còn phải cạnh tranh gay gắt. Thêm vào đó, nhu cầu thị trường tiêu thụ đang ở mức thấp...”, ông Thuận nói.

Theo dự báo của các đơn vị chế biến XK tôm cũng như lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, thời gian tới giá tôm sẽ tiếp tục trầm lắng.

Ông Châu Công Bằng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thu thập thông tin và đánh giá, nhiều khả năng từ nay đến quý III/2015, giá tôm sẽ không tăng.

Nếu có điều kiện người nuôi tôm nên kéo dài thời gian nuôi, không nên thu hoạch vội trong thời gian này. Khi vào quý III, các nước sẽ NK tôm để trữ hàng cho dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động trở lại.

Thêm vào đó, hiện trạng nuôi tôm của Thái Lan và Trung Quốc lại đang gặp khó. Vì vậy, nhiều khả năng giá tôm sẽ tăng lên vào quý III năm nay. Người nuôi tôm nên có kế hoạch thả nuôi và thu hoạch phù hợp.

“Hiện giá tôm TCT đang có xu hướng giảm mạnh, trong khi giá tôm sú giảm ít và ổn định hơn nên bà con cần cân nhắc trong việc chọn đối tượng nuôi phù hợp trong vụ nuôi mới”, ông Bằng khuyến cáo.


Có thể bạn quan tâm

gia-ot-lao-doc Giá ớt lao dốc trung-gia-me Trúng giá mè