Mô hình kinh tế Đọng lại từ cánh đồng mẫu lớn

Đọng lại từ cánh đồng mẫu lớn

Ngày đăng 29/09/2015

Hiệu quả...

Với nông dân xã Đức Tân (Mộ Đức), CĐML trồng lúa không lạ. Bởi mô hình này đã được bà con tiếp cận và thực hiện từ nhiều năm nay.

Thế nên, chẳng có gì bất ngờ khi nông dân nơi đây sử dụng lượng giống gieo sạ ít, thuần thục quy trình kỹ thuật chăm sóc hoặc kể vanh vách ưu, nhược điểm cũng như năng suất, chất lượng của các loại giống lúa mà họ từng sử dụng.

Nông dân tham quan CĐML chuyên canh lúa ở xã Bình Dương.

Nhờ đó, trong vụ hè thu vừa qua, Đức Tân đã được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh chọn là địa phương duy nhất trong toàn tỉnh triển khai thực hiện thí điểm mô hình CĐML chuyên canh lúa với quy mô 40ha.

Tham gia mô hình, nông dân không chỉ được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí sản xuất như giống, vật tư phân bón; doanh nghiệp  bao tiêu sản phẩm đầu ra, mà họ còn được cán bộ kỹ thuật “cầm tay chỉ việc” giúp tiếp cận sâu các kỹ thuật, quy trình chăm sóc mới.

Lão nông Nguyễn Hoa, ngụ thôn 3, phấn khởi bảo: “Canh tác trên CĐML, tôi không chỉ được lúa mà còn biết thêm nhiều thứ lắm.

Chẳng hạn như “bắt” bệnh cho lúa nhờ màu sắc lá, hay biết được các loại sâu bệnh thường xuất hiện ứng với thời điểm, giai đoạn phát triển của cây lúa...”.

Còn đối với nông dân xã Bình Dương, CĐML cũng quá quen thuộc bởi đây là địa phương tiên phong trong việc xây dựng CĐML của huyện Bình Sơn.

Thế nên trong lúc nông dân một số địa phương còn bỡ ngỡ với mô hình “3 giảm, 3 tăng” hay ngại lượng giống gieo sạ ít, thì bà con ở xã Bình Dương xem đây là cách sản xuất tiết kiệm giống, công dặm. 

“Nhiều loại giống bây giờ đẻ nhánh tốt nên mình phải tuân thủ sạ ít, chứ sạ dày quá lại tốn thêm công dặm, tiền phân chăm bón”, ông Lê Văn Chính, thôn Mỹ Huệ 1 nói rành rọt.

Với kinh nghiệm này, ông Chính cũng như nông dân nơi đây tìm hiểu và nắm bắt rất kỹ đặc tính từng loại giống trước khi sử dụng, dù nó có được dùng trong CĐML trồng lúa hay không.

  ... và tồn tại

Mang lại nhiều hiệu quả thiết thực song CĐML chuyên canh lúa vẫn còn bộc lộ không ít tồn tại, khiếm khuyết.

Trong đó phải kể đến việc ngành nông nghiệp chưa xây dựng và ban hành được các tiêu chí mang tính chất định hướng cho CĐML như diện tích, quy mô, các loại giống đưa vào sản xuất... nhằm thể hiện tính đồng nhất của sản phẩm, chất lượng, quy trình cũng như thói quen canh tác.

Điều này theo Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Đoàn Văn Nhân là rất quan trọng. "Vì mục tiêu tối thiểu của CĐML là phải thay đổi cho được thói quen sản xuất của nông dân.

Trong khi điều này thì CĐML của chúng ta hiện chưa làm được”, ông Nhân lý giải.

Dẫn chứng khẳng định trên, ông Nhân cho biết:

Khi triển khai thực hiện CĐML chuyên canh lúa, dù đã được ngành chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn, nhưng ở nhiều nơi, bà con nông dân vẫn không tuân thủ “4 chung” (chung giống, chung thời gian gieo sạ, chung các biện pháp làm cỏ và chung thời gian thu hoạch).

Thế mới có chuyện CĐML có diện tích 20ha nhưng lẫn lộn 3 – 4 loại giống, còn lượng giống gieo sạ hay quy trình kỹ thuật chăm sóc thì mạnh ai nấy làm.

Đồng quan điểm này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Lê Văn Việt cũng thẳng thắn: “Rất nhiều địa phương dù đã triển khai thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng” nhiều lần nhưng khi áp dụng CĐML, bà con vẫn giữ quan điểm “thích gì làm nấy”.

Họ mặc nhiên sạ dày, sạ khác giống quy định của mô hình CĐML cũng như sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý”.

Thói quen này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất cho nông dân mà còn khiến doanh nghiệp không mặn mà hợp tác vì lo ngại năng suất, chất lượng sản phẩm giảm.

Một vấn đề nữa mà nông dân phàn nàn chính là việc tổng kết mô hình chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm.

Thay vì đi sâu phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế cụ thể, những mặt được và chưa được của nông dân tham gia sản xuất, cũng như bài học kinh nghiệm rút ra khi thực hiện CĐML, thì doanh nghiệp dành phần lớn thời gian để giới thiệu về các loại giống cùng hoạt động của mình.

Với những tồn tại trên, CĐML chuyên canh lúa cần sớm được ngành nông nghiệp quan tâm tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng lúa nói riêng, nông dân trong tỉnh nói chung.


Có thể bạn quan tâm

ngu-dan-hoai-nhon-dong-moi-220-tau-ca-cong-suat-lon Ngư dân Hoài Nhơn đóng… trai-tham-do-thu-hut-dau-tu-vao-nong-nghiep Trải thảm đỏ thu hút…